6 tháng đầu năm 2023, Gilimex ghi nhận doanh thu đạt 425,96 tỷ đồng, giảm 84,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 44,36 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 222,88 tỷ đồng, tức giảm 267,24 tỷ đồng.
“Sức khỏe” sa sút
Riêng trong quý I/2023, doanh nghiệp đã ghi nhận mức lỗ 38,62 tỷ đồng - cao nhất trong lịch sử niêm yết của mình. Sang đến quý II, doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ 5,37 tỷ đồng, ghi nhận mức lỗ kỷ lục lớn thứ 2.
Mất đi "đôi vai" người khổng lồ Amazon, tình hình kinh doanh của Gilimex bắt đầu lao dốc. |
Được biết, trong năm 2023, Gilimex đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 103,5 tỷ đồng, giảm 77,4% so với lợi nhuận đạt được trong năm 2022 là 458,9 tỷ đồng.
Như vậy, với việc lỗ trong nửa đầu năm 2023, Gilimex còn cách rất xa kế hoạch có lãi trong năm tài chính.
Không chỉ kinh doanh lao dốc, bán niên 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Gilimex còn ghi nhận âm 217 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 461,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 565,97 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận âm 410,2 tỷ đồng.
Nhìn từ năm 2013 đến nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh của Gilimex âm kỷ lục như nửa đầu năm 2023, giá trị âm lớn nhất là năm 2013 với con số 52,02 tỷ đồng.
Thực tế, hoạt động kinh doanh chính của Gilimex đã lao dốc từ năm 2022, nhưng nhờ có khoản doanh thu tài chính đột biến nên doanh nghiệp “may mắn” ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 9,3%, đạt 361,39 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2022, lợi nhuận cốt lõi (được tính bằng lợi nhuận gộp trừ đi chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) của Gilimex giảm tới 96,5%, chỉ đạt 13,26 tỷ đồng (năm 2021 lãi 379,24 tỷ đồng). Doanh thu tài chính năm 2022 tăng tới 423,7% so với năm 2021, đạt 445,63 tỷ đồng, do bán ra toàn bộ 25,91% vốn tại CTCP Dệt may Gia Định. Đây cũng là năm doanh nghiệp ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 92,9 tỷ đồng.
Có thể nói, sau khi hụt doanh thu từ khách hàng lớn nhất là Amazon, lợi nhuận cốt lõi năm 2022 của Gilimex bắt đầu lao dốc và đỉnh điểm là mức lỗ kỷ lục trong quý I/2023.
Ngược thời gian, trước khi khởi kiện Amazon để đòi bồi thường 280 triệu USD (tương đương 6.600 tỷ đồng) với cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng, khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô, lợi nhuận sau thuế của Gilimex trong giai đoạn 2018 - 2021 dao động từ 207 tỷ đồng đến 433 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, Amazon đóng góp khoảng 85% tổng doanh thu.
Cổ phiếu cách xa đỉnh
Đáng chú ý, ngay khi vụ khởi kiện bắt đầu diễn ra, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu GIL lại đột ngột giảm sàn liên tục một cách khó hiểu, mặc dù Gilimex là bên đi kiện.
Theo đó, từ mức đỉnh thiết lập trong tháng 4/2022 là 80.000 đồng/cp, thị giá cổ phiếu GIL đã sụt giảm gần 70% với thanh khoản giảm mạnh chỉ trong vài phiên giao dịch giữa tháng 12/2022. Sau đó cổ phiếu này liên tục sụt giảm, một phần cũng vì ảnh hưởng của thị trường chung. Gần đây, cổ phiếu có xu hướng đi lên, giao dịch quanh mức giá 30.000 đồng/cp, tuy nhiên so với mức đỉnh đã đạt được trong năm 2022 thì khoảng cách còn khá xa vời.
Còn nhớ, trong giai đoạn đại dịch căng thẳng, Gilimex vô cùng nổi bật khi kết quả kinh doanh liên tục tăng bằng lần, dù doanh nghiệp nói chung và nhóm dệt may nói riêng rất khó khăn. Cùng với đó, cổ phiếu GIL cũng “thăng hoa” và “chất xúc tác” được cho là nhờ “đứng trên vai” người khổng lồ Amazon. Và điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu cho việc cổ phiếu giảm mạnh cùng kết quả kinh doanh sa sút là do mất đi “đôi vai” nâng đỡ.
Và cũng chính nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2023 là số âm như đã nêu ở trên, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã quyết định đưa cổ phiếu GIL vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Điều này đồng nghĩa các công ty chứng khoán không được phép cấp margin cho nhà đầu tư mua cổ phiếu GIL.
Nhìn chung, mặc dù gần đây cổ phiếu GIL có xu hướng tăng trở lại trước những thông tin tích cực của ngành dệt may. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh sa sút như hiện nay, rất khó có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dệt may có vốn hóa nghìn tỷ này cũng như thị giá cổ phiếu có thể hồi phục mạnh mẽ trở lại như thời kỳ hoàng kim.
Trong báo cáo về ngành dệt may, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng việc Trung Quốc sớm mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế sẽ giúp xuất khẩu các mặt hàng sang Trung Quốc như xơ, sợi phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu.
Dù vậy, theo VNDirect, các doanh nghiệp sợi sẽ có dấu hiệu phục hồi từ quý III/2023, sớm hơn so với các doanh nghiệp may mặc. Ngược lại, các doanh nghiệp gia công may mặc sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong năm 2023 do đơn hàng giảm mạnh. Do đó, khả năng phải đến quý cuối năm, các doanh nghiệp gia công may mặc mới có thể phục hồi khi lạm phát tại Mỹ và EU hạ nhiệt.
“Các công ty gia công may mặc lớn như Vinatex, Dệt may Thành Công, Garmex Sài Gòn, Gilimex sẽ ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trưởng âm trong năm 2023”, VNDirect dự báo.
Tương tự, Mirae Asset nhận xét, Gilimex là nhà sản xuất nhiều loại sản phẩm cho gia dụng và công nghiệp, sử dụng máy móc hiện đại và có công suất lớn. Cùng chung “nỗi buồn” với các doanh nghiệp dệt may khác, Gilimex vẫn đang gặp khó khăn trong việc tái cấu trúc danh mục khách hàng. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh thu trong quý II giảm mạnh và lợi nhuận sau thuế ghi nhận khoản lỗ.
“Trong tình cảnh này, mặc dù kỳ vọng về khả năng phục hồi doanh thu nhưng khả năng có lợi nhuận dương của Gilimex khá yếu. Dự báo, doanh thu năm 2023 là 1.106 tỷ đồng (giảm 65,1%), trong khi lợi nhuận ghi nhận con số âm 17,9 tỷ đồng”, Mirae Asset đánh giá.
Hải Giang