Theo thống kê, trên thị trường đã có lác đác những doanh nghiệp quyết định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu lên 100%. Trong đó, phải kể đến doanh nghiệp tiên phong là SSI, rồi các CTCP Everpia Việt Nam (EVE); CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) cũng được cho phép nới room ngoại lên 100%.
Một số cổ phiếu khác như: HHS, HTL, FCN... cũng thể hiện ý định nới room lên 100% và đang hoàn tất các thủ tục nới room. Vinamilk (VNM) đã xin ý kiến cổ đông rút bớt 7 mã ngành kinh doanh nhằm chuẩn bị cho hoạt động mở room.
Tiên phong nới room
Nghị định 60/2015, có hiệu lực kể từ 1/9/2015 về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, đã chính thức được ban hành. Nghị định cho phép khối ngoại có thể sở hữu tối đa 100% cổ phần tại doanh nghiệp và cho phép doanh nghiệp tự có quyền quyết định nới room. Việc nới room phải được ĐHCĐ thông qua và không thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thực tế, ngay sau khi nghị định 60 có hiệu lực, Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã mau chóng trở thành công ty niêm yết đầu tiên thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa 100%.
Trước đó, SSI là một trong số ít các doanh nghiệp kín room 49%. Tuy nhiên, với lượng cổ phiếu niêm yết lớn, hiệu ứng từ cổ phiếu SSI chỉ tăng được một vài phiên.
Ngoài ra, còn có các trường hợp khác như VIX cũng đã được ĐHCĐ thông qua việc nới room khối ngoại lên 100%.; CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp. HCM (CII) cũng muốn thực hiện nới room cho khối ngoại lên 100%, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Năm 2016, hoạt động nới room 100% đã được diễn ra khá sôi động tại một số doanh nghiệp đủ điều kiện. CTCP Everpia Việt Nam (EVE) đã được nới room lên mức tối đa 100% kể từ ngày 3/2/2016. Ngay lập tức, cổ phiếu này trở thành tâm điểm của thị trường và khối ngoại đã mau chóng nâng sở hữu lên 58%. EVE đã tăng mạnh lên 34.400đ, tương ứng tăng 32% so với trước thời điểm nới room.
Như vậy, sau hơn 2 năm không có giao dịch, giá cổ phiếu giảm mặc dù thương hiệu và tài chính tốt hàng đầu trong ngành. Hiệp định TPP chính thức được thông qua, nhóm cổ phiếu ngành dệt may có mức tăng trưởng khá mạnh. Cổ phiếu EVE đã tỏa sáng ngay sau khi nới room cho khối ngoại lên 100%. Năm 2015, EVE đạt 114,39 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 35% so với năm trước đó. EPS đạt 4.160 đồng. Với mức giá hiện tại, P/E tương ứng 7,7 lần.
Với những hiệp định thương mại tự do vừa ký và chuẩn bị có hiệu lực, đã có nhiều kỳ vọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp ngành dệt may trong nước. Tuy nhiên, chỉ có những doanh nghiệp có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao mới có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội từ hội nhập.
![]() |
Năm 2016, hoạt động nới room 100% đã được diễn ra khá sôi động
Tạo hiệu ứng tích cực
EVE là một trong số ít các doanh nghiệp ngành dệt may có tỷ suất lợi nhuận cao trong ngành cùng với việc nắm hệ thống phân phối mạnh. Tính đến cuối năm 2015, công ty cổ phần Everpia Việt Nam (EVE) đã có gần 700 đại lý trên toàn quốc.
Dẫn đầu thị trường chăn ga Việt Nam với thị phần 25%, ngành hàng chăn ga đang mang lại 70% lợi nhuận cho Everpia Việt Nam với ba thương hiệu: Artemis ở phân khúc cao cấp, Everon ở phân khúc trung cấp và Edelin ở phân khúc bình dân.
Ngoài những điểm mạnh về hệ thống phân phối, việc đầu tư đúng mức cho khâu nghiên cứu và phát triển cũng là những điểm mạnh giúp các sản phẩm của Everpia chiếm lĩnh thị trường. Với số lượng 50 sản phẩm mới hàng năm. Cổ phiếu EVE đang được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài sau khi quyết định nới room vừa được thông qua.
Trong những năm gần đây, làn sóng MA tập trung vào các công ty có quy mô vừa thuộc các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và bán lẻ đang diễn ra khá rầm rộ. Với những yếu tố tích cực từ hoạt động kinh doanh, sản phẩm được nhận dạng và mạng lưới phân phối mạnh. EVE đang được đánh giá là “miếng mồi ngon” của các công ty nước ngoài muốn thâu tóm lĩnh vực hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Một cổ phiếu khác là VHC, của Vĩnh Hoàn kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản cũng được cho phép nới room ngoại lên 100% và có hiệu lực kể từ ngày 21/2. Với đà này, mùa ĐHCĐ 2016 được dự báo sẽ xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp xin mở room 100% để tạo cú hích cho thị trường đi lên và đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Mới đây, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, ông Vũ Bằng, cho biết dự thảo tháo gỡ vướng mắc giữa nghị định 60 và luật đầu tư đã được hoàn tất và sẽ sớm được công bố trong thời gian tới. Điều này nhằm giải quyết khó khăn trong việc xác định doanh nghiệp nội và FDI, giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thực hiện nới room.
Lê Thuận