Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 ở mức đáng báo động. Cụ thể, các nước phát triển có CPI tăng khoảng 5,7% và các nước mới nổi là 8,7%. Theo đó, các ngân hàng trung ương buộc phải có phản ứng tăng lãi suất và cung tiền chậm lại.
Lãi suất rục rịch tăng, tiền không còn rẻ
Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm và khả năng lãi suất chính sách của Fed sẽ trong khoảng 2,75 - 3% vào cuối năm nay, cao hơn 2 điểm phần trăm so với hiện tại.
Mới đây, Nhà Trắng cho rằng, chỉ số lạm phát tháng 5 dự kiến có khả năng sẽ cao hơn mọi người dự đoán. Điều này sẽ làm cho thị trường khó khăn hơn, khiến những nước cận biên và mới nổi sẽ chịu ảnh hưởng và khá nhạy cảm.
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại đang "rục rịch" tăng, kể cả Big4. (Ảnh: Int) |
Tại Việt Nam, mặc dù lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt, nhưng rủi ro này vẫn luôn hiện hữu. Do đó, Việt Nam được dự báo cũng sẽ khó nằm ngoài xu hướng tăng lãi suất đang diễn ra trên toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán (CTCK) Yuanta Việt Nam, hiện tại, giá dầu rất cao và xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng, khiến rủi ro lạm phát sẽ tăng cao hơn. Chưa kể thời gian tới, Trung Quốc mở cửa trở lại, rất có thể chi phí logistics sẽ tăng cao. Đây là những rủi ro cần quan sát, bởi nó có thể ảnh hưởng tới những chính sách tiền tệ và tài khóa của Việt Nam.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Mirae Asset nhận định, CPI của Việt Nam sẽ tăng dần và lợi suất trái phiếu cũng như lãi suất ngân hàng sẽ tăng dần lên.
Thực tế, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại cũng đang "rục rịch" tăng, kể cả Big4.
Mới nhất, BIDV đã công bố biểu lãi suất huy động áp dụng từ tháng 6 với lãi suất ở các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) tăng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 5,6%/năm. Trước đó, Vietcombank cũng đã công bố biểu lãi suất huy động cho hình thức gửi trực tuyến trên website, cộng thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, hầu hết cũng đều đã tăng lãi suất, thậm chí Techcombank - ngân hàng duy trì mức lãi suất thấp nhất thị trường trong năm 2020-2021 cũng vừa tăng mạnh. Theo đó, nhà băng này đã tăng thêm 0,3% lãi suất gửi tại quầy cho những người gửi kỳ hạn 36 tháng, một số kỳ hạn ngắn khác cũng được tăng thêm từ 0,3-0,45%; và một số sản phẩm tiết kiệm online khác được cộng thêm lãi suất 0,3%.
Chung xu hướng, VPBank cũng tăng thêm 0,3% lãi suất đối với các kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng, qua đó đưa lãi suất tiền gửi các kỳ hạn này lên 6,4%/năm. Trong trường hợp người gửi tiền trên 300 triệu đồng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ được tăng thêm từ 0,3-0,5% lãi suất đối với gửi tại quầy.
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lãi suất huy động tăng như SCB, SHB, KienlongBank...
Nhìn chung, mức tăng lãi suất hiện nay vẫn ở mức khá nhẹ, song không thể phủ nhận tiền cũng đã đắt lên và khi tiền đắt lên mặc dù về kinh tế thực sự tốt, nhưng trong giai đoạn mới, việc đầu tư trên sàn chứng khoán không còn dễ như trước.
“Thị trường hiện không còn vốn rẻ”, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS) đánh giá.
Đầu tư nhóm ngành nào?
Theo ông Quan Đức Hoàng, Giám đốc quỹ Green Fund, thông thường trong những lần Fed tăng lãi suất thì thị trường khó khăn hơn, không còn dòng tiền rẻ như 2020-2021 nữa, mà sẽ trở nên thận trọng hơn, nhưng cơ hội đối với cổ phiếu vẫn có.
Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, khi lạm phát và lãi suất tăng, cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều tiền mặt sẽ được hưởng lợi.
Chẳng hạn, việc lãi suất rục rịch tăng cũng là một tín hiệu tích cực cho cổ phiếu ngành bảo hiểm. Bởi nguồn thu nhập của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu đến từ việc đầu tư trái phiếu và lãi suất gửi ngân hàng. Vì vậy, khi lãi suất tăng, các công ty trong ngành sẽ có cơ hội hưởng lợi đáng kể.
Mặc dù không phải nhóm ngành nổi bật trên thị trường, nhưng trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng, thời gian qua, cổ phiếu bảo hiểm liên tục thu hút dòng tiền tìm đến, bất chấp những nhịp rung lắc của thị trường. Thậm chí, nhiều cổ phiếu bảo hiểm vẫn lập đỉnh mới. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như MIG (Bảo hiểm Quân đội), AIC (Bảo hiểm hàng không), ABI (Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp), BVH (Tập đoàn Bảo Việt)...
Bên cạnh xu hướng tăng lãi suất, cổ phiếu bảo hiểm còn được kỳ vọng với nhiều câu chuyện hấp dẫn đang chờ đợi như thoái vốn nhà nước hay nới room ngoại. Hơn nữa, SSI Research cho rằng, việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022 sẽ giúp các hoạt động bán hàng hồi phục, qua đó thúc đẩy doanh thu phí bảo hiểm.
Hay như nhóm bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) cũng có những lợi thế riêng nhờ “của nả” khá dư dả từ những khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ. Khoản tiền này đã giúp các doanh nghiệp KCN có dòng tiền về đều đặn, nhờ đó duy trì lượng tiền và tiền gửi ổn định trong khi không cần phải vay nợ nhiều.
Có thể kể đến như CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) có khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn lên đến 10.598 tỷ đồng vào cuối quý I/2022. Nhờ đó, không khó để công ty duy trì lượng tiền và tiền gửi trên 4.000 tỷ đồng như những quý gần đây. Tương tự, CTCP KCN Nam Tân Uyên (NTC) cũng có gần 3.100 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện và số dư tiền và tiền gửi 1.450 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2022. Có thể thấy, các khoản lãi tiền gửi đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Nam Tân Uyên cũng như hầu hết các doanh nghiệp BĐS KCN khác.
Không chỉ vậy, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) còn cho rằng, tiềm năng BĐS KCN rất lớn với hai phân khúc chính sẽ được khai thác, bao gồm cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng xây sẵn nhờ tốc độ phát triển của thương mại điện tử và làn sóng FDI vào Việt Nam.
Ngoài ra, một số mã cổ phiếu đơn lẻ cũng được các chuyên gia đánh giá cao khi đều nắm giữ một lượng lớn tiền mặt lên đến hàng nghìn tỷ trong khi vay nợ rất ít, hay có các khoản tiền gửi khổng lồ. Tiêu biểu như bộ đôi cổ phiếu đầu ngành phân bón DPM (Đạm Phú Mỹ) và DCM (Đạm Cà Mau); VEA (VEAM Corp); SCS (Saigon Cargo Service)…
Đáng chú ý, trên sàn chứng khoán hiện có nhiều "đại gia tiền mặt" quen thuộc với nhà đầu tư, có thể kể đến như HPG (Hòa Phát), ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam), GAS (PV Gas), BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn), FPT (Tập đoàn FPT)... Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đều đang vay nợ rất lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Do đó, rất khó đánh giá chính xác tác động của việc lãi suất tăng là tích cực hay tiêu cực đối các doanh nghiệp này.
Nhìn chung, trong giai đoạn tiền không còn rẻ như hiện nay, việc đầu tư không còn dễ dàng như trước, việc lựa chọn cổ phiếu dường như đang trở nên rất khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn “sớm nắng chiều mưa”. Do đó, để đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu ngành nào, nhà đầu tư cũng nên thận trọng trước khi “xuống tiền”. Và cũng nên phòng trường hợp có những biến động bất định, phải có lượng tiền phù hợp và quản trị danh mục phù hợp.
Hải Giang