Trong lúc nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán bị chỉnh mạnh theo nhịp chung của chỉ số VN-Index thì cổ phiếu thép lại nằm trong số ít các nhóm cổ phiếu đi ngược dòng khi có mức tăng giá khá mạnh.
Đồng loạt “xanh tím”
Ngay trong phiên ngày 14/12, trong khi thị trường “đỏ lửa”, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đã bật tăng trần lên mức 37.600 đồng/cp với thanh khoản khoảng 9,8 triệu đơn vị sau khi giảm 16 “giá” từ mức đỉnh là gần 51.000 đồng/cp về hơn 35.000 đồng/cp. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/12, cổ phiếu HSG đang đứng ở mức giá 37.500 đồng/cp, giảm nhẹ 0,3% so với phiên trước đó.
Về tình hình kinh doanh, mặc dù quý III/2021 lợi nhuận ròng của Tập đoàn Hoa Sen đã giảm từ mức đỉnh trong quý II, song chỉ tiêu vẫn đạt tăng trưởng rất mạnh (108% YoY) so với cùng kỳ năm trước do sản lượng xuất khẩu tăng 40%, bù đắp cho sản lượng trong nước giảm 30%.
Cổ phiếu thép ngược dòng thị trường, đồng loạt "xanh tím". (Ảnh: Int) |
Tương tự, cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim cũng “mặc áo tím” với giá 40.550 đồng/cp cùng thanh khoản 9,4 triệu cổ phiếu. Chốt phiên ngày 15/12, cổ phiếu NKG tiếp tục giữ vững sắc xanh, tăng 0,4% ở mức 40.700 đồng/cp bất chấp VN-Index tiếp tục giảm điểm trên diện rộng. Trước đó, cổ phiếu NKG đã giảm 19 “giá” so với đỉnh (56.000 đồng/cp xuống còn 37.000 đồng/cp).
Trong quý III/2021, lợi nhuận ròng của Thép Nam Kim đã tăng trưởng mạnh (634%) so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu tăng 123% YoY nhờ sản lượng xuất khẩu mạnh mẽ và giá bán trung bình tăng.
Trong khi đó, cổ phiếu HPG của “ông lớn” Thép Hòa Phát cũng tăng mạnh trở lại sau chuỗi ngày giảm điểm và đi ngang (từ mức 58.000 đồng về 45.300 đồng/cp) với màu xanh ở mức 47.700 đồng/cp. Chốt phiên ngày 15/12, cổ phiếu HPG vẫn giữ vững sắc xanh khi đóng cửa ở mức giá 47.800 đồng/cp.
Với việc triển khai đầu tư hệ thống nhà máy với mục tiêu đón đầu làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc, sớm trở thành thương hiệu điện lạnh, hàng gia dụng số 1 Việt Nam và hướng ra xuất khẩu, quý III/2021, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 38.900 tỷ đồng, tăng 56% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, một số cổ phiếu thép khác cũng có mức bật tăng ấn tượng như TLH (+4,7%), SMC (+4,8%), TVN (+8,1%), TIS (+6,8%). Tuy nhiên đến phiên ngày 15/12, các cổ phiếu này điều chỉnh giảm nhưng xét về mặt bằng chung vẫn là nhẹ so với thị trường.
Theo các công ty chứng khoán, cổ phiếu thép bật mạnh lại là do chiết khấu cổ phiếu đã trở nên hấp dẫn và kết quả kinh doanh quý IV vẫn được đánh giá tốt. Mặc dù giá thép giảm nhưng vẫn tăng 40-60% so với cùng kỳ. Đồng thời, áp lực margin (vay ký quỹ) từ các cổ phiếu thép đã hết khi nhiều nhà đầu tư sử dụng margin mua ở vùng cao đã bị công ty chứng khoán cảnh báo tuần trước.
"Về thị giá của NKG, HSG và HPG đã giảm lần lượt là 27.5%, 27% và 17.5% trong 1 tháng vừa qua. Chúng tôi đánh giá thị giá hiện tại của NKG, HSG và HPG đã chiết khấu đủ hấp dẫn và khó có sự giảm mạnh như năm 2018 khi các công ty ngành thép hiện nay đều rất thận trọng trong việc đầu tư mới, do đó áp lực nợ dài hạn là không đáng kể", Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nhận định.
Kỳ vọng mới cho các nhà đầu tư
Theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới (Worldsteel), việc bao phủ vaccine trên toàn thế giới kỳ vọng sẽ giúp nhu cầu thép tăng thêm 2,2%, lên mức 1.896,4 triệu tấn trong năm 2022.
Hiện tại, giá thép trong nước có xu hướng ổn định nhưng giá thép thành phẩm cũng như giá thép nguyên liệu trên thế giới duy trì ở mức cao. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp thép phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và chưa có chu trình khép kín, nên khi giá thép tăng sẽ gây áp lực lên chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.
Mới đây, trong báo cáo triển vọng ngành thép năm 2022, MAS cho biết, giá quặng sắt sàn Thượng Hải đã giảm gần 60% so với đỉnh USD201/tấn tháng 5/2021, về mức USD88/tấn vào tháng 10/2021, làm giảm áp lực giá thép xây dựng nội địa và giá thép sau khi điều chỉnh có khả năng kích thích lại thị trường xây dựng.
Theo đó, MAS cũng kỳ vọng các công ty thép sẽ có sự hồi phục tốt về sản lượng nhất là trong quý IV vì thường là mùa cao điểm của thị trường xây dựng trong và ngoài nước nhưng sẽ có sự phân hóa về tăng trưởng.
Với các công ty sản xuất tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim sẽ tích cực hơn nhờ tỷ trọng xuất khẩu/doanh thu các sản phẩm chủ lực đạt gần 60%. Trong khi đó, các công ty sản xuất thép xây dựng nội địa như Tập đoàn Hoà Phát hay CTCP Thép Pomina (POM) sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn nhưng tác động sẽ không quá tiêu cực nhờ chính sách mở cửa của chính phủ bắt đầu từ tháng 10/2021.
Tuy nhiên, trong năm 2022, MAS cho rằng các công ty xuất khẩu sẽ khó duy trì biên lợi nhuận gộp lớn như năm 2021 do không còn yếu tố đầu cơ trong giá HRC (thép tấm cuộn cán nóng). Do đó, dự phóng biên lợi nhuận gộp sẽ giảm từ 1-2% cho toàn ngành thép trong năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, nhìn về dài hạn, cổ phiếu ngành thép vẫn được giới đầu tư tin tưởng vào dư địa tăng nhờ đà hồi phục kinh tế cùng gói hỗ trợ kích thích quy mô lớn kỳ vọng sớm được triển khai. Song, cổ phiếu thép sẽ có sự phân hoá nhất là khi giá thép biến động. Nhà đầu tư nên cân nhắc các doanh nghiệp có tiềm lực tốt, biên lợi nhuận gộp cao để lựa chọn cổ phiếu. Nếu giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ tốt vẫn có triển vọng phát triển, bởi doanh thu tăng trưởng sẽ bù lại được chi phí. Những doanh nghiệp xuất hàng tới các thị trường EU, Mỹ sẽ có biên lợi nhuận tốt hơn nhờ giá trị hàng hóa cao.
“Định giá cổ phiếu không phản ánh chính xác ngành thép. Nhà đầu tư cần nhìn vào câu chuyện tăng trưởng của từng ngành để có lựa chọn cơ hội đầu tư . Nhóm cổ phiếu ngành thép đang có mức thấp hơn mặt bằng chung của thị trường. Tiềm năng của nhóm cổ phiếu này còn lớn”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét.
Hải Giang