Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – mã: VGI), đơn vị phụ trách hoạt động đầu tư viễn thông quốc tế của Tập đoàn Viettel được coi là doanh nghiệp (DN) nòng cốt trong chiến lược toàn cầu hóa của Viettel.
Từ đầu năm đến nay, nhiều mã cổ phiếu "họ" Viettel cùng với VGI là VTP (Viettel Post), VTK (Tư vấn thiết kế Viettel), CTR (công trình Viettel) đều ghi nhận mức tăng trưởng hàng chục phần trăm, thậm chí gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn.
Cổ phiếu tăng hơn 77%
Đà tăng trưởng mạnh mẽ này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang diễn biến thuận lợi với mức tăng gần 10% của chỉ số Vn-Index, thậm chí có phiên đạt mức tăng trưởng hơn 13%.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, yếu tố quan trọng đến từ ngành nghề kinh doanh hạ tầng viễn thông, logistics giàu tiềm năng tăng trưởng và là "của hiếm" trên sàn chứng khoán đã khiến nhóm cổ phiếu "họ" Viettel bứt phá.
Cổ phiếu VGI bước vào năm 2019 với mức giá 13.200 đồng/cp, đến phiên 25/3 giao dịch tại mức giá 23.400 đồng/ cp, tương đương tăng 77% chỉ trong gần 3 tháng. Nếu tính tại mức giá 26.000 đồng/cp của phiên giao dịch ngày 21/3, VGI đã ghi nhận mức tăng gần 97%.
Trong hai phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán đã có sự điều chỉnh đáng kể, VGI cũng không nằm ngoài diễn biến chung với hai phiên điều chỉnh liên tiếp về mức giá 23.400 đồng/ cp như hiện tại.
Trước đó, hơn 2,24 tỷ cổ phiếu VGI chính thức chào sàn UPCoM ngày 25/9/2018 với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/ cp và đã nhanh chóng tăng kịch biên độ 40% lên 21.000 đồng/cp, rơi vào tình trạng "cháy hàng".
VGI tiếp tục duy trì đà tăng mạnh ở những phiên kế tiếp, thậm chí có thời điểm được giao dịch với mức giá hơn 31.000 đồng/ cp (phiên giao dịch 28/9).
Tuy nhiên, ngay sau đó, VGI đã bị bán ra mạnh và liên tiếp sụt giảm về vùng giá dưới 20.000 đồng/cp, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018 tại mức giá 13.400 đồng/cp, giảm 56,8% so với mức giá đỉnh.
Tại thời điểm đó, VGI đã khiến nhiều nhà đầu tư "dở khóc dở cười" với đà lao dốc không có dấu hiệu của đáy. May mắn là VGI đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2019.
Về thanh khoản, ngoại trừ phiên chào sàn với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,8 triệu đơn vị, VGI luôn duy trì tại mức vài trăm nghìn đơn vị/phiên, phải bước vào tháng 3/2019 thì những phiên giao dịch có khối lượng đạt hơn 1 triệu đơn vị mới lại xuất hiện.
Viettel Global vừa thông báo chốt danh sách cổ đông để tham dự Đại hội đồng cổ đông dự kiến diễn ra vào ngày 26/4/2019. Đây là kỳ họp đầu tiên kể từ khi Viettel Global niêm yết hơn 2,24 tỷ cổ phiếu VGI trên sàn UPCoM.
Nhìn vào mức tăng của cổ phiếu VGI, nhiều người sẽ đoán rằng Viettel Global chắc hẳn là sẽ có kết quả kinh doanh đáng ngưỡng mộ với những con số tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, nhìn lại biến động giá của cổ phiếu VGI, thời điểm lao dốc của cổ phiếu này khá "khớp" với kết quả kinh doanh thua lỗ của Viettel Global trong năm 2018 chỉ mới được công bố vào cuối tháng 2/2019.
Cổ phiếu VGI tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2019 |
Đằng sau con số "có cánh"
Theo BCTC hợp nhất quý IV/2018, doanh thu thuần của công ty chỉ đạt 4.430 tỷ đồng, sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán giảm 36% và mạnh tay cắt giảm các chi phí nên quý IV/2018, công ty vẫn báo lãi trước thuế 16,5 tỷ đồng và ghi nhận quý đầu tiên có lãi sau 9 tháng làm ăn thua lỗ.
Lũy kế cả năm 2018, doanh thu thuần công ty đạt 16.861 tỷ đồng, cùng với doanh thu tài chính là hơn 1.729 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, công ty lỗ ròng 800 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ của năm 2017.
Kết quả kinh doanh sa sút đã khiến cho số lỗ luỹ kế đến cuối năm 2018 của Viettel Global tiếp tục tăng vượt mốc 5.073 tỷ đồng, tức lỗ thêm hơn 1.621 tỷ đồng so với năm trước.
Những con số đáng thất vọng này sở dĩ đến từ quá trình đầu tư và phát triển hệ thống ở thị trường nước ngoài trong giai đoạn đầu đã "ngốn" khoản chi phí khổng lồ.
Nếu Viettel Global không sớm khắc phục tình trạng thua lỗ, cải thiện doanh thu và lợi nhuận thì sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công ty mẹ Viettel (sở hữu gần 99% vốn Viettel Global) khi hợp nhất BCTC.
Không chỉ ghi nhận con số lũy kế "khủng" , Viettel Global còn phải đối mặt với rủi ro về áp lực nợ vay. Tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của Viettel Global đạt 58.014 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.
Tuy nhiên, nợ phải trả ghi nhận 32.970 tỷ đồng (tương đương hơn 1,43 tỷ USD), chiếm gần 57% tổng tài sản. Trong khi nợ vay ngắn hạn có dấu hiệu giảm nhẹ từ gần 22.000 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 17.235 tỷ đồng thì nợ vay dài hạn lại thay đổi tăng 36,2 lên 15.734 tỷ đồng chiếm 57,3% tỷ trọng tổng nợ vay.
Tổng quy mô vay và nợ thuê tài chính của công ty đến hết năm 2018 lên tới 19.605 tỷ đồng, bằng tới 60% nguồn vốn chủ sở hữu công ty. Do đó, công ty phải chịu áp lực cân đối tài chính cho hơn 3.487 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả.
Ngoài ra, Viettel Global cũng phải đối mặt với những rủi ro về chính trị, chính sách khác nhau ở mỗi quốc gia, hơn nữa các khoản đầu tư vào viễn thông thường lớn và thời gian thu hồi vốn khá dài khoảng 5-10 năm.
Linh Đan