Chốt phiên 9/10, thị giá YEG tăng trần lên mức 16.350 đồng/cp, cao nhất trong vòng gần một năm. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu này đã tăng gần 80%.
Chốt phiên 9/10, YEG tăng trần lên mức 16.350 đồng/cp. |
Tuy nhiên, về kết quả kinh doanh, ngày 20/9 vừa qua, HoSE đã nhận được Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của Yeah1. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong 6 tháng đầu năm là âm 196,92 tỷ đồng, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối tới ngày 30/6/2021 là âm 184,08 tỷ đồng.
Theo đó, HoSE tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu YEG và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu YEG sau khi có Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 được kiểm toán.
Trước đó, ngày 5/4/2021, HoSE ra quyết định chuyển cổ phiếu của YEG từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2019 là âm 385,33 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 181,59 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 219,28 tỷ đồng.
Ngược thời gian, YEG từng là một cổ phiếu “đại náo” thị trường. Năm 2018, cổ phiếu này được niêm yết chính thức trên HoSE với giá tham chiếu 250.000 đồng/cp. Ngay trong ngày chào sàn, cổ phiếu YEG đã tăng trần 20% và sau đó có những phiên tăng đột biến lên mức 350.000 đồng/cp.
Sau sự cố Youtube năm 2019, cổ phiếu cũng như kết quả kinh doanh của Yeah1 đã lao dốc không phanh, khiến thị giá của YEG chỉ còn trên dưới 10.000 đồng/cp.
Trở lại hiện tại, cổ phiếu YEG liên tục gây chú ý với thị trường thời gian gần đây được cho là liên quan đến câu chuyện tăng vốn điều lệ.
Được biết, ngày 16/10 tới, Yeah1 sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản về việc tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, thời gian lấy ý kiến từ ngày 20/10 đến ngày 30/10. Dù vậy, tờ trình chi tiết vẫn chưa được Yeah1 tiết lộ.
Trong tháng 9, Yeah1 đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 45 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Số tiền huy động được 450 tỷ được công ty dùng 137 tỷ đồng thanh toán tiền góp vốn và/hoặc thanh toán nợ vay đối với Công ty TNHH 1Production; 23 tỷ đồng thanh toán tiền góp vốn và/hoặc thanh toán nợ vay Công ty TNHH Yeah1 Up; 290 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Trong đợt chào bán riêng lẻ này, Chủ tịch HĐQT Lê Phương Thảo đã mua 4,2 triệu cổ phiếu; thành viên HĐQT Yeah1 gồm ông Chế Đoàn Viên mua 3,7 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Khánh Hoà mua 3,7 triệu cổ phiếu, ông Đào Phúc Trí mua 3,5 triệu cổ phiếu YEG… Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm. Vốn điều lệ Yeah1 sau phát hành đã tăng lên mức 755 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó, vào ngày 15/9, ông Đào Phúc Trí đã bán ra 344.296 cổ phiếu YEG để giảm sở hữu từ 5,04% về còn 4,59% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn. Đây là lượng cổ phiếu YEG mà cá nhân này nắm giữ trước khi thực hiện quyền mua trong đợt phát hành riêng lẻ. Cùng ngày, CTCP Unicorn Venture - tổ chức liên quan đến ông Đào Phúc Trí, cũng đã bán toàn bộ 100.000 cổ phiếu YEG nắm giữ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Viết Cường - một nhà đầu tư cá nhân, đã bán ra 100.000 cổ phiếu YEG, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,97% và không còn là cổ đông lớn từ ngày 2/10. Đáng chú ý, cá nhân này chỉ mới trở thành cổ đông lớn của Yeah1 từ ngày 29/9 sau khi mua vào 86.196 cổ phiếu YEG.
Châu Anh