Tại kỳ công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2018, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành điện đã công bố con số lợi nhuận tăng trưởng âm.
Lý giải nguyên nhân tình trạng kinh doanh "bết bát" trong kỳ, hầu hết các DN đều cho biết mưa lớn khiến sản lượng điện sụt giảm, doanh thu thấp, trong khi vẫn phải chịu nhiều loại chi phí.
Lợi nhuận giảm… vì mưa
Mới đây, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã: PPC) đã công bố BCTC quý III/2018 với doanh thu thuần trong kỳ đạt 1.260 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 3 quý đầu năm 2018.
Doanh thu giảm kéo lãi gộp giảm 6%, đạt 170 tỷ đồng, cũng là mức thấp nhất trong 3 quý (quý I: 266 tỷ đồng, quý II: 347 tỷ đồng).
Trong kỳ, mặc dù doanh thu từ hoạt động tài chính giảm gần một nửa nhưng chi phí tài chính lại ghi âm 3,6 tỷ đồng, nên kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 163 tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý III/2017.
Doanh thu sụt giảm nhưng Nhiệt điện Phả Lại vẫn làm ăn có lãi, trong khi đó, CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (mã: BTP) lại "ngậm ngùi" báo lỗ 19,3 tỷ đồng trong quý III, trong khi hai quý đầu năm đều có lãi.
Trong quý III, Nhiệt điện Bà Rịa đạt 206 tỷ đồng doanh thu, giảm 44% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt 50 triệu đồng, trong khi chi phí tài chính là 15,7 tỷ đồng và chi phí quản lý là 7,9 tỷ đồng.
Tương tự, kết thúc quý III, CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (mã: NBP) ghi nhận doanh thu giảm 11%, đạt hơn 139,5 tỷ đồng; lãi gộp đạt gần 2,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt gần 8,9 tỷ đồng.
Chi phí tăng mạnh khiến Nhiệt điện Ninh Bình ghi nhận khoản lỗ ròng 3,6 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ, Nhiệt điện Ninh Bình cho biết, trong quý III, do mưa nhiều ở phía Nam nên sản lượng điện thấp hơn 11,53 triệu kWh so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, công ty vẫn phải chịu các khoản chi phí cố định như khấu hao, lãi vay, chi phí phân bổ sửa chữa tài sản cố định, chênh lệch tỷ giá.
Mùa mưa cũng khiến CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả – TKV (mã: NCP) ghi nhận thêm khoản lỗ 102 tỷ đồng do doanh thu giảm 10,2% trong khi giá vốn cùng chi phí tài chính tăng lần lượt 5% và 65% so với cùng kỳ năm trước.
Khoản lỗ này góp phần nâng lỗ lũy kế 9 tháng của Nhiệt điện Cẩm Phả lên 303 tỷ đồng.
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã: HND) cũng lý giải quý III là giai đoạn mùa mưa, giá thị trường thấp, cộng thêm việc tách tổ máy số 4 thực hiện đại tu nên sản lượng điện phát không cao, dẫn đến công ty bị lỗ 148 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 106 tỷ đồng.
Mưa khiến lợi nhuận DN bị bào mòn cũng đồng nghĩa với việc "cuốn trôi" cả thị giá cổ phiếu.
Diễn biến thất thường của cổ phiếu PPC trong thời gian qua |
Kéo giảm giá cổ phiếu
Trong tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu PPC đã có 4 phiên giảm giá liên tiếp, hiện đang giao dịch tại mức giá 17.200 đồng/ cp, vốn hóa thị trường đạt 5.514 tỷ đồng.
Thực tế, đây là mức giá PPC đã duy trì trong nhiều tháng qua, tuy nhiên, hồi cuối tháng 9, PPC đã có một đợt bứt phá mạnh lên 20.300 đồng/cp trước khi giảm về "vạch xuất phát" như hiện tại, tương đương giảm 15,3%.
Tương tự, cổ phiếu BTP cũng đang giao dịch theo chiều hướng giảm kể từ đầu tháng 10 tới nay. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/10, giá đóng cửa của cổ phiếu BTP là 12.100 đồng/cp, không có biến động so với phiên trước đó.
Thế nhưng, nếu tính từ mức giá 12.900 đồng/cp hồi đầu tháng, BTP đã ghi nhận mức giảm đạt 6,2%, thanh khoản trung bình đạt dưới 10.000 đơn vị.
Không có biến động nhiều về giá trong tháng 10, nhưng nếu tính đầu quý III tới nay, cổ phiếu NBP đã giảm 8% từ mức giá 15.000 đồng/cp xuống 13.800 đồng/cp như hiện tại.
Đáng chú ý, NBP dường như không thu hút được giới đầu tư khi khối lượng giao dịch lẹt đẹt quanh mức vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên, thậm chí nhiều phiên giao dịch không có thanh khoản.
Lợi nhuận sụt giảm cùng áp lực nợ vay, cổ phiếu HND cũng lao dốc từ vùng giá 13.300 đồng/ cp hồi cuối tháng 8 về mức dưới mệnh giá như hiện tại, tương đương giảm 25,5%.
Ngay cả "ông lớn" POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cũng không nằm ngoài đà giảm của nhóm ngành khi mất tới 17,4% kể từ đầu tháng 10 tới nay.
Trước diễn biến như hiện tại, câu hỏi đặt ra là từ nay tới cuối năm, khi chỉ còn hơn hai tháng nữa là năm 2018 sẽ kết thúc, cổ phiếu ngành điện có còn cơ hội bứt phá.
Theo nhận định của một chuyên gia chứng khoán, các cổ phiếu ngành điện hiện vẫn chịu rủi ro bởi các yếu tố như: chính sách và các quy định điều tiết từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); sản lượng huy động phụ thuộc mạnh vào thời tiết; giá khí và than có xu hướng tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng chào giá phát điện của nhóm nhiệt điện; trượt tỷ giá các khoản vay ngoại tệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro vẫn có những thuận lợi cho ngành như hợp đồng điện dài hạn đảm bảo lợi nhuận các nhà máy điện, chuyển rủi ro biến động giá nguyên vật liệu vào giá bán điện, đảm bảo sản lượng điện huy động qua các năm.
Nhà đầu tư còn được hưởng lợi từ cổ tức hấp dẫn và gia tăng theo thời gian khi áp lực nợ vay của các DN giảm dần.
Theo đó, ngày 13/11 tới là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức bằng tiền bổ sung từ lợi nhuận còn lại đến ngày 31/12/2017 với tỷ lệ 10,9% (1 cổ phiếu nhận 1.090 đồng) của Nhiệt điện Ninh Bình. Thời gian thanh toán 29/11/2018.
Hay như trường hợp của Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Phả Lại 1 sẽ được nâng cấp trong giai đoạn 2019-2022 để nâng cao hiệu suất và cắt giảm chi phí, cải thiện khả năng chào giá trên thị trường điện; đồng thời được hoàn nhập khoản dự phòng từ Nhiệt điện Quảng Ninh.
Linh Đan