Kể từ đầu năm đến nay, trong khi hầu hết các mã cổ phiếu nhóm ngành thép đều tăng trưởng thì thị giá cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Tôn Hoa Sen) đã giảm 29,7%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/4, cổ phiếu này đang giao dịch tại mức giá 16.750 đồng/cp, giảm 3,2% so với phiên trước đó. Ngày 01 đến 24/4, thị trường chứng khoán có 17 phiên giao dịch, thì HSG có 13 phiên giảm giá.
Nợ vay tăng mạnh
Theo BCTC hợp nhất niên độ tài chính 2016- 2017, doanh thu thuần của HSG đạt 26.149 tỷ đồng, tăng 46,2% so với năm 2016, tuy nhiên lãi gộp chỉ tăng nhẹ gần 5,8% do giá vốn tăng cao.
Lợi nhuận trước thuế đạt 1.642 tỷ đồng, giảm 13,8% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.331 tỷ đồng, giảm 11,5% so với năm cũ. Tính đến 30/9/2017, tổng tài sản của HSG đạt 21.438 tỷ đồng, tăng 74,1% so với năm trước. Trong đó, phải thu của khách hàng tăng lên 1.827 tỷ đồng từ mức 1.097 của năm trước.
Tăng mạnh nhất nguyên giá tài sản cố định, đạt 9.400 tỷ đồng, tăng 48,4% so với năm trước. Bên cạnh đó, chi phí dở dang dài hạn tăng 1.039 tỷ đồng, lên mức 1.333 tỷ đồng.
Một trong những vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm hơn cả là nợ vay của HSG. Theo đó, nợ phải trả của HSG tính đến ngày 30/9/2017 đã tăng gần 99%, lên 16.268 tỷ đồng.
Trong đó, nợ ngắn hạn tăng 98,7% lên 13.427 tỷ đồng, chiếm 82,5% tổng nợ phải trả; nợ dài hạn đạt 2.340 tỷ đồng, cũng tăng gấp đôi so với năm trước. Các khoản vay nợ của HSG chủ yếu đến từ ngân hàng.
Với vốn chủ sở hữu đạt 5.169 tỷ đồng, nợ vay của HSG đã gấp 3,1 lần, trong khi lượng tiền và các khoản tương đương tiền của HSG chỉ đạt 292,3 tỷ đồng.
Khoản mục nợ vay tiếp tục được tăng mạnh trong quý I niên độ tài chính 2017-2018. Tính đến ngày 31/12/2017, nợ phải trả của HSG đã tăng thêm 2.349 tỷ đồng lên 18.608 tỷ đồng, chỉ trong 3 tháng.
Trong 15.466 tỷ đồng nợ ngắn hạn, có tới 13.916 tỷ đồng được đến từ vay nợ ngân hàng; tương tự với nợ dài hạn là 3.141 tỷ đồng thì nợ vay ngân hàng là 3.136 tỷ đồng.
Đi kèm với xu hướng tăng nợ vay là tỷ suất lợi nhuận và giá cổ phiếu đều giảm. Cụ thể, lợi nhuận quý I niên độ tài chính 2017-2018 của HSG giảm 22,1% chỉ còn 401,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 24,2% xuống còn 333,4 tỷ đồng.
Chi phí lãi vay trên báo cáo kết quả kinh doanh đã tăng gần 3 lần từ 65 tỷ đồng lên 171 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 4.400 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen trong quý I/2018 giảm xuống dưới 15% so với mức cơ sở cao 18,1% trong quý I /2017 và 16,3% trong quý IV/2017.
Thực tế, nợ phải trả tăng mạnh sẽ khiến doanh nghiệp chịu thêm chi phí lãi vay trong tương lai, việc vay ngân hàng quá lớn, trong khi lượng tiền mặt tại doanh nghiệp không đáng kể thể hiện năng lực quản lý tài chính của doanh nghiệp là không tốt.
Số liệu hàng tồn kho cũng khiến các nhà đầu tư phải lưu ý trên báo cáo tài chính của HSG |
Ẩn số hàng tồn kho
Ngoài khoản nợ phải trả tăng khủng mà theo HSG lý giải đó là chiến lược “lấy nợ vay tạo lập lợi thế cạnh tranh”, số liệu hàng tồn kho cũng khiến các nhà đầu tư phải lưu ý trên báo cáo tài chính của HSG.
Tại BCTC hợp nhất niên độ tài chính 2016-2017, hàng tồn kho của HSG đã tăng gần gấp đôi, lên 8.871 tỷ đồng từ con số 4.821 tỷ đồng của năm 2016. Con số này tiếp tục tăng mạnh trong quý I niên độ tài chính 2017-2018, đạt 9.035 tỷ đồng.
Tại thuyết minh BCTC năm tài chính 2017, HSG đã dùng lượng hàng tồn kho có giá trị ghi sổ là 2.981 tỷ đồng để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng.
Đáng chú ý, thường xuyên xuất hiện ở phần giao dịch với các bên liên quan trong BCTC của HDG là công ty TNHH Đầu tư Hoa Sen – cổ đông lớn sở hữu 25% vốn của HSG. Công ty này do ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT HSG sở hữu.
Tại BCTC niên độ tài chính 2016-2017, Hoa Sen ghi nhận giao dịch bán hàng hóa cho công ty này với quy mô hơn 4.100 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2016 và nghiệp vụ mua hàng hóa gần 2.900 tỷ đồng, gấp 3 lần. Trong quý đầu tiên của năm tài chính 2018, các giao dịch phát sinh cũng đạt lần lượt gần 1.500 tỷ và 680 tỷ đồng.
Được biết, Đầu tư Hoa Sen là đơn vị phân phối sản phẩm cho HSG. Do đó, việc HSG phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng mua lại hàng hóa của doanh nghiệp này là vô cùng bất hợp lý, việc này khiến hàng tồn kho của HSG tăng mạnh.
Hay nói cách khác, HSG bán hàng cho Đầu tư Hoa Sen, sau đó mua lại chính mặt hàng mà mình bán ra từ Đầu tư Hoa Sen. Trên thực tế, việc mua đi bán lại hàng hóa với cùng một đơn vị sẽ làm tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhưng thực chất số tiền này đều nằm hết tại hàng tồn kho.
Lưu ý là thông thường các doanh nghiệp sản xuất hay sử dụng hàng tồn kho như là một nơi giấu các khoản lỗ, hoặc thâm hụt tài chính của mình. Câu chuyện gần nhất có thể dẫn làm ví dụ đã xảy ra tại Gỗ Trường Thành với khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng chỉ lộ ra khi tập đoàn Vingroup tiếp quản sau khi mua lại doanh nghiệp này.
Tại BCTC kiểm toán cũng chỉ thể hiện được giá trị giao dịch, mà không ghi rõ được số lượng, giá vốn hàng bán, giá trị hàng hóa được tính thế nào. Có hay không chuyện trục lợi cá nhân trong các giao dịch này bởi đối tượng giao dịch là cổ đông lớn đồng thời cũng có liên quan đến chủ tịch.
Thùy Linh