Công ty dự kiến phát hành 640.974 cổ phiếu ESOP cho nhân viên với mức giá 30.000 đồng/cp. Mục đích nhằm thu hút và giữ nguồn nhân tài cho công ty, tưởng thưởng cho sự đóng góp, khuyến khích thành tích công việc xuất sắc và gắn lợi ích người lao động với lợi ích dài hạn của công ty. Đối tượng tham gia chương trình bao gồm Ban Tổng Giám đốc, người lao động và các công ty thuộc VNG.
Trên thị trường, cổ phiếu VNG đang được giao dịch với mức giá 359.100 đồng/cp, gấp 12 lần giá ESOP. Mức giá này đã giảm khoảng 7,5% so với hồi đầu tháng 12 và giảm 43% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 7/2024, nhưng vẫn là cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tạm tính theo thị giá hiện tại, lượng cổ phiếu ESOP sắp phát hành có giá trị khoảng 230 tỷ. Và lãnh đạo, nhân viên VNG sau khi hoàn tất mua cổ phiếu ESOP, lượng cổ phiếu về tài khoản sẽ ngay lập tức được nhân giá trị tới 12 lần.
Tuy nhiên, cần lưu ý là số lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế giao dịch trong vòng một năm.
![]() |
Cổ phiếu VNG đang được giao dịch với mức giá 359.100 đồng/cp, đắt nhất sàn chứng khoán. |
Theo danh sách được công bố kèm theo, Phó Tổng Giám đốc Vương Quang Khải là người được mua nhiều nhất với hơn 134.000 cổ phiếu (giá trị thị trường hơn 48 tỷ); Giám đốc điều hành phụ trách game Bùi Minh Phương được mua 41.600 cổ phiếu, Giám đốc dự án Nguyễn Văn Thông được mua 36.200 cổ phiếu, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Thành được mua 34.000 cổ phiếu.
Được biết, VNG có truyền thống phát hành cổ phiếu ESOP ưu đãi cho nhân viên. Trước đó, năm 2023, công ty phát hành gần 1,9 triệu cổ phiếu ưu đãi cho người lao động với giá bán 10.000 đồng/cp.
Về tình hình kinh doanh, luỹ kế cả năm 2024, VNG ghi nhận 9.505 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ.
Đóng góp chủ yếu vẫn đến từ mảng trò chơi trực tuyến với gần 6.440 tỷ đồng, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet cũng tăng gần gấp đôi lên 1.835 tỷ đồng, mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến 933 tỷ đồng.
Dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã giảm mạnh, song doanh nghiệp vẫn phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào các công ty liên kết và tài sản suy giảm giá trị. Kết quả, VNG báo lỗ ròng 1.018 tỷ đồng. Như vậy, VNG đã có 3 năm liên tục lỗ sau thuế trên 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, VNG đặt kế hoạch doanh thu 11.069 tỷ đồng, lãi sau thuế 150 tỷ đồng trong năm 2024.
VNG là một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, từng đặt cược lớn vào thương mại điện tử với hy vọng mở rộng hệ sinh thái và tạo ra cú hích tăng trưởng. Tuy nhiên, hai thương vụ đầu tư lớn vào Telio và Tiki Global đã không mang lại kết quả như mong đợi. Cả hai khoản đầu tư đều đi vào ngõ cụt, để lại khoản lỗ nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 của YouNet ECI, Shopee và TikTok Shop chiếm đến 93,6% thị phần, khiến những nền tảng như Tiki gần như “đuối sức” trong cuộc đua này.
Sự hụt hơi của Tiki là minh chứng cho thực tế rằng một sàn thương mại điện tử nội địa khó có thể trụ vững trước sức ép của các nền tảng nước ngoài với nguồn lực tài chính khổng lồ và chiến lược “đốt tiền” để chiếm lĩnh thị trường.
Chia sẻ trong một “tâm thư” cuối năm ngoái, Nhà sáng lập VNG, ông Lê Hồng Minh, đã nhìn lại quá trình đầu tư của công ty với một góc nhìn thực tế hơn: “Tập thể VNG bị cuốn theo ‘cơn sốt công nghệ’ giai đoạn ấy và đặt niềm tin rằng tất cả những khoản đầu tư của mình sẽ thành công. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải đối diện với sự thật rằng phần lớn các khoản đầu tư sẽ không dễ dàng tăng trưởng như kỳ vọng.
Đầu năm 2023, VNG đã phải cắt giảm hàng loạt nhân sự, rất nhiều dự án thử nghiệm và ‘thắt lưng buộc bụng’ trước tất cả khoản chi phí phát sinh. Tổng kết lại, VNG đã mất một khoản tiền lớn đầu tư không hiệu quả trong 5 năm trước đó, và để lại nhiều kinh nghiệm thương đau”.
Châu Anh