Đà tăng của cổ phiếu CVT chủ yếu tập trung vào 18 phiên giao dịch của tháng 11. Trong đó, gây ấn tượng nhất phải kể đến 11 phiên giao dịch gần đây nhất, CVT ghi nhận tổng cộng 6 phiên tăng trần liên tiếp đưa thị giá thuận lợi chinh phục mốc 50.000 đồng/cp và chưa có dấu hiệu của sự điều chỉnh.
Lý giải đà tăng
Mức tăng này của CVT diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của CMC không quá thuận lợi khi những năm gần đây lợi nhuận doanh nghiệp gần như đi ngang, xoay quanh mốc 160 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, CMC chỉ đạt 84,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Cổ phiếu CVT leo dốc trong thời gian gần đây |
Do vậy, để lý giải về đà tăng của cổ phiếu CVT trong thời gian qua, tại nhiều diễn đàn dành cho các nhà đầu tư chứng khoán giả thiết về thương vụ M&A tại CMC đã được đặt ra.
Giả thiết này cũng hoàn toàn có cơ sở khi CTCP Gạch ốp lát Hòa Bình Minh thông báo mua vào 261.650 cp trong phiên 11/11, nâng số lượng cổ phần nắm giữ lên 282.090 cổ phiếu, tương đương 0,769% vốn điều lệ của CMC. Trước đó, nhóm cổ đông liên quan đến công ty này đã nắm giữ 9,827% vốn điều lệ của CMC.
Trong khoảng thời gian từ ngày 12 – 16/11, Gạch ốp lát Hòa Bình Minh tiếp tục mua vào tổng cộng hơn 2,65 triệu cổ phiếu CVT. Sau loạt giao dịch này, nhóm cổ đông lớn Gạch ốp lát Hòa Bình Minh nâng sở hữu lên 17,058% vốn điều lệ của CMC và trở thành cổ đông lớn nhất.
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu, ông Dương Quốc Chính – Chủ tịch HĐQT muốn bán 800.000 cổ phiếu. Ngoài ra còn có giao dịch của người nhà ban lãnh đạo của công ty.
Đáng chú ý nhất là việc thoái toàn bộ vốn CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinbankSC, mã: CTS) với khối lượng gần 4 triệu cổ phiếu, tương đương 10,9% vốn điều lệ của CMC.
Trước đó, hồi tháng 7 và 8/2018, VietinBank Securities đã trở thành cổ đông lớn nhất tại CMC sau khi liên tục nâng tỉ lệ sở hữu và nắm 10,9% cổ phần. Theo sau đó là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 10,33%. VietinBank Securities cũng có 2 đại diện trong HĐQT của CMC.
Song song với Gạch ốp lát Hòa Bình Minh, một nhóm cổ đông lớn khác cũng mua vào cổ phần của CMC. Mặc dù vậy, mục đích gia tăng tỷ lệ sở hữu của hai nhóm cổ đông này vẫn còn là một dấu hỏi.
Bên cạnh câu chuyện M&A, một yếu tố khác cũng có thể giúp CVT bứt phá là việc CMC có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng nhà máy CMC 1 hoặc bán chuyển nhượng. Được biết khu đất CMC 1 có diện tích hơn 7,5 ha tại phường Tiên Cát – Thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Khu đất này công ty được giao với thời hạn 50 năm.
Hòa Bình Minh là ai?
Như đã nói ở trên, CMC vừa có một cổ đông mới là CTCP Gạch ốp lát Hòa Bình Minh. Đây là thành viên của CTCP Tập đoàn Hòa Bình Minh, một tập đoàn hoạt động kinh doanh đa ngành, bao gồm vật liệu xây dựng.
Hòa Bình Minh chính thức tham gia phân phối các sản phẩm Gạch ốp lát từ năm 2015 với các thương hiệu CMC, Viglacera, Prime, Vitto, Hoàng Gia…Đồng thời cho ra mắt bộ sưu tập Sunrise, Vision mang thương hiệu độc quyền Hòa Bình Minh.
Bên cạnh đó, Hòa Bình Minh cũng là nhà phân phối thép Hòa Phát. Hòa Bình Minh cho biết sẽ hướng tới mở rộng và phát triển thành chuỗi trung tâm vật liệu xây dựng trong cả nước, phấn đấu trở thành đơn vị phân phối và dịch vụ dẫn đầu tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực phân phối xe máy, Hòa Bình Minh cũng sở hữu Hệ thống gần 20 cửa hàng Bán xe & Dịch vụ do Honda Ủy nhiệm (HEAD). Ngoài ra, công ty cũng phân phối ô tô Hyundai với việc sở hữu Hyundai Việt Trì và Hyundai Hà Đông.
Được biết, CTCP Tập đoàn Hòa Binh Minh được sáng lập bởi các thành viên trong gia đình vợ chồng doanh nhân Bùi Minh Lực-Nguyễn Thị Hiền. Đồng thời cũng là ông bà chủ của Tổng công ty Hoà Bình Minh – một hệ sinh thái tập hợp của 40 đơn vị/chi nhánh kinh doanh – dịch vụ thương mại hoạt động trên cả nước.
Trong “hệ sinh thái” này, vợ chồng doanh nhân Bùi Minh Lực chia nhau phần vốn góp và đại diện cho nhiều pháp nhân khiến hoạt động của các thành viên khá phân mảnh. Có nhiều thành viên ghi nhận doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận rất mỏng.
Ấn tượng nhất trong số đó phải kể tới Công ty TNHH Tổng Công ty Hoà Bình Minh khi ghi nhận tăng trưởng doanh thu nhanh chóng trong 4 năm gần đây.
Theo số liệu BCTC riêng lẻ, trong năm 2019, doanh thu thuần của công ty này đạt 3.849,6 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018 và cao gấp đôi so với năm 2016. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại báo lãi rất mỏng, chỉ vài tỷ đồng, trong giai đoạn 2016 – 2019.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Công ty TNHH Bình Minh, CTCP Đầu tư và Thương mại Hoà Bình Minh...
Với những phân tích trên, có lẽ cũng không bất ngờ khi CMC là "đối tượng" được Hòa Bình Minh lựa chọn để thâu tóm.
Minh Khuê