Theo Bamboo Capital, hiện tại, công ty đã hoàn tất các thủ tục pháp lý đối với các dự án nhà máy điện gió BCG Wind Sóc Trăng có công suất giai đoạn 1 là 50 MW; dự án điện gió Khai Long 1, 2 và 3 với tổng công suất 300 MW tại Cà Mau; dự án điện gió Đông Thành 1,2 tại Trà Vinh có công suất 200 MW.
“Tham vọng” điện gió
Tổng công suất các dự án điện gió của BCG Energy đã hoàn thành thủ tục pháp lý để đủ điều kiện triển khai thi công khoảng 450 MW. Để đầu tư các dự án này Bamboo Capital cần khoảng 1,1 tỷ USD cho giai đoạn 2021 – 2023.
Thực hiện "tham vọng" điện gió, Bamboo Capital liên tục huy động vốn khủng để rót vào các dự án điện gió. |
Theo đó, Bamboo Capital đã huy động vốn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng để thực hiện “tham vọng” điện gió.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu phát triển các dự án điện khí LNG. Mục tiêu đến năm 2023, tổng sản lượng phát điện trong danh mục đạt 2.000 MW. Đồng thời, đưa các dự án năng lượng ra IPO ở thị trường quốc tế, nhằm huy động vốn giá rẻ từ nay đến 2025”, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo Capital thông tin.
Mới đây, Bamboo Capital đã công bố kế hoạch phát hành hơn 148,7 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, giá chào bán 12.000 đồng/cp trong thời gian tới. Nếu thành công, vốn điều lệ Bamboo Capital dự kiến sẽ tăng lên 4.463 tỷ đồng.
Theo đại diện của Bamboo Capital, mục đích huy động vốn là để nâng cao năng lực tài chính và tăng thêm nguồn vốn, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án điện gió.
Trước đó, tháng 1/2021, Bamboo Capital đã phát hành thành công 68 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và bất động sản.
Cũng liên quan tới hoạt động huy động vốn, vừa qua, ngày 31/12/2021, Bamboo Capital đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, lãi suất tính cho hai kỳ tính lãi đầu tiên là 11,5%/năm và là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.
Được biết, mục đích của đợt phát hành trái phiếu lần này nhằm huy động vốn bổ sung vốn lưu động để tài trợ các dự án điện mặt trời, dự án điện áp mái, dự án bất động sản, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và nhu cầu vốn thực hiện mua bán sáp nhập và thực hiện hợp tác đầu tư, đầu tư phát triển dự án.
Cụ thể, Bamboo Capital dự kiến sẽ sử dụng 247 tỷ đồng cho Công ty TNHH Điện gió Đông Thành 2 và cho Công ty cổ phần BCG Wind Sóc Trăng vay 253 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án điện gió đang triển khai tại Trà Vinh và Sóc Trăng. Thời gian giải ngân dự kiến trong quý I/2022.
Trong đó, Dự án Điện gió Đông Thành 2 công suất 120 MW có tổng mức đầu tư 207,3 triệu USD. Còn Công ty BCG Wind Sóc Trăng có công suất 50 MW, được xây dựng từ 2019 - 2020. Tổng mức đầu tư là 80,1 triệu USD.
“Đây là lần đầu tiên công ty phát hành trái phiếu ra công chúng để đầu tư trực tiếp vào các dự án cụ thể tại các công ty đang triển khai dự án. Vì thế mà dòng tiền được kiểm soát chặt chẽ, chi phí vốn cố định, lãi và thời gian phải trả lãi, thời gian thu hồi vốn đã được tính toán kỹ để đảm bảo hiệu quả đầu tư”, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Bamboo Capital cho biết.
Còn nhiều vướng mắc
Có thể thấy, công ty đang tập trung hoàn toàn nguồn vốn chủ yếu dành cho các dự án điện gió. Tuy nhiên, với dự án điện gió hiện nay, Quyết định 39 đã hết hạn vào 31/10/2021 và hiện Chính phủ chưa có quy định mới.
Trong khi đó, tất cả các dự án của BCG Energy thì không thể phát điện trước 31/10/2021 do chưa sẵn sàng về các trạm, đường dây dẫn nối. Bamboo Capital dự kiến đấu nối vào cuối quý II/2022, một phần còn lại vào năm 2023.
Như vậy, tương lai các dự án điện gió của Bamboo Capital vẫn đang “mờ mịt”, chờ Chính phủ, Bộ ngành xây dựng đưa ra quyết định mới về cơ chế điện cạnh tranh. Như vậy, việc Bamboo Capital huy động vốn lớn, đổ tiền khủng vào các dự án nhưng không thể nói trước được lãi lỗ ra sao.
Bên cạnh đó, BCG Energy đã huy động 1.000 tỷ đồng bằng hình thức phát hành trái phiếu cho 3 dự án: BCG Sóc Trăng Wind 50MW, Aurai Vũng Tàu 100MW và dự án điện gió ở Cà Mau nhưng cả 3 dự án này đều không được hưởng giá điện ưu đãi (FIT) nên rất có thể tình hình tài chính của BCG Energy sẽ không được “tươi sáng”.
Ngoài ra, các dự án Nhà máy điện gió Công Lý (Xuyên Mộc) của CTCP Aurai Vũng Tàu được trình Thường trực UBND tỉnh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào giữa tháng 6/2021 cho ý kiến, sau đó trình Bộ Công thương xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng nghĩa với việc dự án với tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng này vẫn đang “nằm im” chờ thủ tục, hồ sơ từ các cơ quan hữu quan.
Về tình hình tài chính, tháng 7/2015, cổ phiếu BCG lên sàn HoSE với vốn điều lệ 409 tỷ đồng. Trong 6 năm, quy mô vốn cũng như tổng nợ đi vay của công ty đã tăng mạnh.
Năm 2020, tổng tài sản của Bamboo Capital biến chuyển rõ rệt và đạt gần 35.371 tỷ đồng tại cuối tháng 9/2021, gấp hơn 8 lần sau 6 năm. Tuy nhiên, tính đến 30/9/2021, tổng nợ vay của doanh nghiệp này lên đến 12.913 tỷ đồng, gấp 2,8 lần con số đầu năm, chưa bao gồm hơn 1.370 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Riêng dư nợ vay dài hạn gần 10.951 tỷ đồng, gấp 4,3 lần so với đầu năm và chủ yếu là nợ trái phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BCG đã tăng từ giá 11.300 đồng/cp (12/7/2021) lên 30.200 đồng/cp (1/12/2021), tăng hơn 167% trong gần 5 tháng. Chốt phiên ngày 4/1/2022, cổ phiếu BCG đang giao dịch ở mức 24.200 đồng/cp.
Nhận định về giá cổ phiếu BCG, công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Theo Yuanta, đồ thị giá của BCG vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn, tuy nhiên xu hướng ngắn hạn của BCG vẫn duy trì ở mức giảm cho nên Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên quan sát cổ phiếu BCG.
Xu hướng trung hạn của BCG vẫn duy trì ở mức tăng. Bên cạnh đó, theo mô hình giá, đồ thị giá đang giao dịch quanh ngưỡng mục tiêu trung hạn 24.390 đồng/cp, do đó Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn nên ưu tiên vị thế nắm giữ.
Hải Giang