Mấy tháng qua, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46), Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ trách nhiệm trong điều hành tại PVC, gây ra thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng.
Đại án này liên quan tới trách nhiệm của hàng loạt lãnh đạo của PVC và công ty thành viên. Trong đó, ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch PVC bỗng dưng “đi đâu không ai biết” hơn một tháng qua.
Khởi tố dàn lãnh đạo cấp cao
Đến tối 16/9, Bộ Công an chính thức truy nã quốc tế ông Thanh vì bỏ trốn ngay sau khi bị khởi tố (ngày 15/9) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng ngày 16/9, C46 cũng quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 lãnh đạo cấp cao của PVC cùng tội danh “Cố ý làm trái…” gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC, hai nguyên phó TGĐ Nguyễn Mạnh Tiến và Trương Quốc Dũng, nguyên Kế toán trưởng Phạm Tiến Đạt. Các bị can này được cho có liên quan đến việc PVC đầu tư, kinh doanh thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Riêng bị can Trịnh Xuân Thanh đặc biệt gây chú ý về con đường quan lộ suôn sẻ, thăng tiến nhanh chóng. Từng giữ vị trí Chủ tịch PVC từ tháng 2/2009 đến tháng 5/2013, điều hành doanh nghiệp thua lỗ lớn, nhưng ông Thanh đã được Bộ Công Thương điều động về làm Phó chánh văn phòng bộ này vào tháng 8/2013. Đến tháng 5/2015, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được thuyên chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Ở bộ máy nhân sự của PVC, hai nhân sự cấp cao là ông Trần Minh Tuấn và Nguyễn Tiến Mạnh cùng được bổ nhiệm chức vụ cao hơn là Phó Tổng Giám đốc PVC vào ngày 17/8/2015. Thế nhưng, chỉ hơn một năm sau, Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ án, ngày 16/9, ông Tiến bị khởi tố, bắt tạm giam. Còn ông Tuấn cũng “vội vã” xin từ nhiệm theo “nguyện vọng cá nhân” giữa lúc 4 lãnh đạo của PVC đã bị khởi tố, liệu có là sự rút lui ngẫu nhiên?
Dưới thời điều hành của ông Trịnh Xuân Thanh, PVC – một tổng công ty lớn và được Tập đoàn dầu khí Việt Nam ưu ái, giao cho nhiều gói thầu xây lắp lớn lại liên tục làm ăn thua lỗ.
Được ưu ái, vẫn lỗ “khủng”
Trong giai đoạn 2011-2013, kết quả kinh doanh, tài chính của PVC có những diễn biến đáng ngạc nhiên. Cụ thể, năm 2011, PVC báo cáo lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 477,8 tỷ đồng, chỉ bằng 38% kế hoạch đề ra. Song sau khi kiểm toán, lợi nhuận đã bị giảm còn 299,4 tỷ đồng do điều chỉnh tăng giá thành ở một số công trình xây lắp của đơn vị thành viên. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng giảm mạnh xuống còn gần 196 tỷ đồng.
Đến đầu năm 2014, số liệu lỗ lãi trong năm 2011 của PVC tiếp tục “nhảy múa” sau khi kiểm toán yêu cầu điều chỉnh hồi tố thì công ty mẹ bị lỗ 19 tỷ đồng và năm 2012 ghi nhận lỗ tới 1.338 tỷ đồng.
Sau khi rà soát lại số liệu, có sự nhầm lẫn kỹ thuật nên PVC điều chỉnh lại thì lợi nhuận sau thuế năm 2011 công ty mẹ là lãi 590 triệu đồng. Nhờ đó, cổ phiếu PVX đã “thoát” khỏi diện cảnh báo.
Trong năm 2012-2013, PVC tiếp tục báo lỗ “khủng” lần lượt 1.823 tỷ đồng và 3.200 tỷ đồng, tức âm cả vốn chủ sở hữu… Thời điểm này, tổng công ty đã mất cân đối về tài chính, sa lầy vào bất động sản, đặc biệt là có tình trạng đầu tư vốn vào nhiều dự án không đúng mục đích, không theo kế hoạch được phê duyệt…
Với tình trạng thua lỗ nghìn tỷ hai năm liên tục, cổ phiếu PVX có nguy cơ bị huỷ niêm yết và chỉ còn ngang giá “trà đá”.
Tính đến hết 31/3/2016, PVC ghi nhận lỗ luỹ kết 1.766 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu thực còn 2.379 tỷ đồng so với trên sổ sách 4.000 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tăng lên tới 14.505 tỷ đồng, vượt gấp 6,1 lần vốn chủ sở hữu thực, cho thấy mức độ căng thẳng tài chính đáng sợ của PVC.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao PVC dưới sự điều hành của Trịnh Xuân Thanh vẫn “ung dung” lỗ nghìn tỷ nhiều năm, mà không có sự vào cuộc điều tra, truy trách nhiệm kịp thời?
Sau khi rút khỏi PVC, ông Trịnh Xuân Thanh đã để lại một doanh nghiệp bết bát, âm vốn, lỗ luỹ kế 3.075 tỷ đồng cuối năm 2013… HĐQT đã phải cầu cứu Bộ chủ quản, xin chấp thuận phương án là PVN “gánh” nợ cho PVC thông qua tái cơ cấu các khoản nợ, phân bổ trích lập dự phòng cho các năm sau.
Thu Hằng