Theo thông báo vừa phát đi, Hoàng Anh Gia Lai cho biết công ty có chủ trương phát hành cổ phiếu công ty con – công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã: HNG) – để trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu của công ty mẹ.
Việc phát hành khối lượng lớn cổ phiếu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của tất cả cổ đông, nhà đầu tư đang sở hữu hai mã cổ phiếu HAG, HNG.
Nếu chia cổ tức với tỷ lệ 15%, công ty sẽ phải chi lượng tiền mặt khoảng 1.185 tỷ đồng
Vì “kẹt” tiền mặt
Tháng 9/2015, HĐQT Hoàng Anh Gia Lai đã có Nghị quyết về trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%. Nhưng do giá cổ phiếu HAG giảm sâu tới 16%, thị giá xuống mức 13.000 đồng/CP ở hiện tại nên HĐQT đã xem xét, lựa chọn phương án trả cổ tức tối ưu hơn cho cổ đông.
Theo Hoàng Anh Gia Lai, phương án phát hành cổ phiếu công ty con HNG sẽ có lợi hơn cho cổ đông hiện hữu vì giá cổ phiếu này có diễn biến thuận lợi hơn. Dù hé mở kế hoạch trả cổ tức chưa từng có tiền lệ này, lãnh đạo HAG vẫn đang phải chờ đơn vị tư vấn đánh giá, xem xét cơ sở pháp lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Việc doanh nghiệp lớn, đang có lãi nghìn tỷ chọn cách trả cổ tức bằng cổ phiếu, mà là cổ phiếu của công ty khác, khiến cổ đông hoài nghi về thanh khoản, khả năng chi trả tiền mặt của Hoàng Anh Gia Lai.
Báo cáo tài chính quý III/2015 cho thấy, Hoàng Anh Gia Lai đang tăng nhanh quy mô nợ phải trả tới 46% so với đầu năm, lên tới 30.722 tỷ đồng. Trong đó có tới 17.646 tỷ đồng nợ dài hạn và 13.076 tỷ đồng nợ ngắn hạn, gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu. Vốn hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty chủ yếu hình thành từ đi vay nợ ngân hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…
Dù duy trì tốc độ tăng trưởng cao, song lợi nhuận sau thuế của Hoàng Anh Gia Lai 9 tháng qua chỉ đạt 1.342 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2014. Lãi cơ bản trên cổ phiếu giảm còn 1.447 đồng/CP (cùng kỳ trước là 1.925 đồng/CP)…
Nếu chia cổ tức với tỷ lệ 15%, công ty sẽ phải chi lượng tiền mặt khoảng 1.185 tỷ đồng, số tiền không hề nhỏ so với lợi nhuận làm ra.
Trường hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu HAG, với giá giao dịch ở mức 13.000 đồng/CP, Hoàng Anh Gia Lai sẽ phải phát hành khoảng 91,15 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 11,54% vốn điều lệ) để đảm bảo giá trị tương đương.
Trong diễn biến giá cổ phiếu HAG kém thuận lợi, việc phát hành khối lượng lớn tới 11,54% cổ phần sẽ là yếu tố pha loãng cổ phiếu, “dìm” giá xuống sâu hơn.
Các cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu HAG có thể nhìn thấy trước nguy cơ rủi ro thiệt hại về giá cổ phiếu. Hay nói một cách đơn giả là 1 đồng cổ tức nhận được sẽ bị “bốc hơi” so với thời điểm trước khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Trong khi lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai lo lắng cho quyền lợi tối ưu của cổ đông hiện hữu, thì các cổ đông ở công ty con HNG liệu có được đảm bảo?
Cổ đông nhỏ lẻ chịu thiệt?
Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra khả năng Hoàng Anh Gia Lai chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% (theo mệnh giá), tương ứng sẽ chia bằng cổ phiếu HNG với tỷ lệ 37% (theo giá trị). Hiện tại, cổ phiếu HAG giao dịch ở mức 13.000 đồng/CP, còn cổ phiếu HNG ở mức 31.000 đồng/CP, tức cao gấp 2,4 lần mã HAG.
Nhưng hệ số quy đổi này chỉ mang tính chất tương đối vì giá cổ phiếu liên tục thay đổi theo thị trường. Hơn nữa, cũng khó xác định một tỷ lệ quy đổi cổ phiếu làm hài lòng cổ đông của hai công ty này. Vì cổ đông nắm giữ cổ phiếu giá trị thấp hơn (cổ phiếu HAG) sẽ có lợi khi nhận cổ phiếu giá trị cao hơn (cổ phiếu HNG) và ngược lại với cổ đông bên sở hữu cổ phiếu giá trị cao sẽ chịu thiệt. Hiện nay, Hoàng Anh Gia Lai đang tham vấn ý kiến pháp lý để tiến hành việc phát hành cổ phiếu công ty con HNG nhằm “tạo tiền” để trả cổ tức cho công ty mẹ đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, cơ chế, phương thức phát hành, khối lượng, xác định giá cổ phần, tỷ lệ cổ tức… cũng như có đánh giá tác động của đợt phát hành (mức độ pha loãng) tới giá cổ phiếu hiện tại.
Về phía công ty con HNG, tổng giá trị đợt phát hành cổ phiếu lên tới hơn 1.000 tỷ đồng sẽ cần trình xin ý kiến ĐHCĐ chấp thuận. Thông thường, khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức, chia thưởng cho cổ đông hiện hữu, HNG sẽ tăng vốn điều lệ tương ứng.
Nếu đối tượng phát hành là cổ đông lớn – công ty mẹ HAG và các nhà đầu tư ngoài – một cách tự nhiên, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nhỏ lẻ tại HNG sẽ bị giảm đáng kể. Khi ấy, cổ đông lớn sẽ gia tăng quyền chi phối tại HNG mà không cần chi thêm tiền mặt, không lo nguy cơ HNG bị thâu tóm từ bên ngoài…
Vấn đề khó chỉ là Hoàng Anh Gia Lai sẽ tạo ra bao nhiêu lợi nhuận và còn dư tiền để chia cổ tức cho cổ đông sau khi trang trải gánh nặng nợ nần hay không?
Thu Hằng