Kể từ mức đáy hồi cuối tháng 11/2023, nhiều cổ phiếu thuộc lĩnh vực bán lẻ đều đang phục hồi và tích lũy với mức tăng ấn tượng, đặc biệt là MWG của Thế Giới Di Động (TGDĐ).
Cổ phiếu MWG lên “đỉnh”
Tính từ vùng đáy, cổ phiếu MWG đã tăng khoảng 50% lên mức 52.800 đồng/cp, vốn hóa hơn 77.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngành bán lẻ đang được nhà đầu tư quan tâm. (Hình minh họa) |
Đáng chú ý, không chỉ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nội, mà khối ngoại sau giai đoạn gần một năm “thờ ơ” đã rục rịch quay lại gom cổ phiếu này. Thống kê trong 9/10 phiên gần nhất, khối ngoại đều mua ròng cổ phiếu MWG, giá trị ngày một tăng, chỉ tính riêng phiên 9/4 ghi nhận mua ròng gần 300 tỷ. Tại thời điểm cuối phiên 9/4, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại TGDĐ là 44,55%, tăng khoảng 1 điểm phần trăm so với cuối tháng 3.
Tổng cộng có tới hơn 15 triệu cổ phiếu MWG đã được khối ngoại "gom" ròng trong giai đoạn chưa tới 2 tuần qua, tương ứng số tiền chi ra khoảng 800 tỷ đồng chỉ tính theo thị giá trên sàn.
Nhờ hút tiền trở lại, thị giá MWG đang âm thầm lên đỉnh 7 tháng, chốt phiên 9/4 đạt 52.800 đồng/cp, tương ứng mức tăng 23% kể từ đầu năm 2024, thanh khoản theo đó cũng cải thiện mạnh với hàng chục triệu đơn vị được sang tay, tổng giá trị trên nghìn tỷ mỗi phiên.
Động lực cho cổ phiếu MWG được cho là xuất phát từ tình hình kinh doanh của TGDĐ đang có những tín hiệu khởi sắc. Mặc dù 2024 vẫn được dự báo tiếp tục là một năm nhiều thách thức với ngành bán lẻ, nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế cao gấp 14 lần năm trước lên 2.400 tỷ được lãnh đạo doanh nghiệp nhấn mạnh không phải là con số cao và là trong tầm tay.
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của cổ đông mới. CDH Investments (thông qua Green Bee 2 Private Limited) thông báo đã hoàn tất mua vào 5% cổ phần tại CTCP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh (Đầu tư Bách Hóa Xanh) - công ty con của TGDĐ. CDH không phải cái tên xa lạ với Việt Nam khi từng đầu tư vào TGDĐ, sau đó thành công thoái vốn từ cách đây gần 10 năm và tới nay mới trở lại. Sau thương vụ trên, TGDĐ vẫn sẽ là cổ đông chi phối của Đầu tư Bách Hóa Xanh, bên cạnh sự tham gia của CDH Investments và ban quản lý công ty. Sự nhập cuộc của CDH cho thấy ngành bán lẻ Việt Nam đang được đánh giá là thị trường tiềm năng.
Cũng nhờ động lực tăng giá từ triển vọng kinh doanh tăng trưởng trở lại, sau khi chạm đáy ngày 27/10/2023 ở vùng giá 57.800 đồng/cp, cổ phiếu MSN (Masan Group) đã bước vào giai đoạn tích luỹ cuối tháng 2/2023, rồi bắt đầu hút dòng tiền và tăng tốc trong thời gian gần đây với thanh khoản cải thiện. Giá cổ phiếu thiết lập nền giá cao hơn vùng tích luỹ trước đó, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với đỉnh 105.000 đồng/cp đã thiết lập hồi cuối năm 2022.
Hay như việc giá vàng tăng mạnh, liên tục “phá đỉnh cũ, lập đỉnh mới” cũng khiến cổ phiếu PNJ của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận liên tục tăng mạnh và gia nhập câu lạc bộ thị giá “3 chữ số”.
Trong khi đó, mặc dù FPT Retail báo lỗ ròng gần 330 tỷ đồng trong năm 2023 nhưng cổ phiếu FRT vẫn được nhà đầu tư nội, ngoại ưu ái, liên tục tăng mạnh, trở thành tâm điểm của thị trường với động lực tăng trưởng dài hạn từ Nhà thuốc Long Châu.
Tham vọng mới của các “ông lớn”
Trong năm 2024, đa số các công ty chứng khoán dự báo kinh tế phục hồi, trong đó điểm sáng đến từ ngành tiêu dùng, bán lẻ hàng hóa nhờ dòng tiền đổ vào lĩnh vực sản xuất.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành bán lẻ hàng hóa sẽ có nhiều động lực tăng trưởng nhờ sự trở lại của khu vực sản xuất. Không chỉ vậy, lãi suất thấp thường là điểm neo giúp niềm tin tiêu dùng phục hồi, lạm phát trong nước vẫn tiếp tục trong tầm kiểm soát.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ phía cầu của Chính phủ gồm giảm thuế VAT được duy trì, cải cách tiền lương toàn diện hơn trong năm 2024 sẽ giúp tiền lương khu vực công tăng cũng có thể thúc đẩy tiêu dùng tích cực hơn.
Thực tế, nổi bật trong nhóm doanh nghiệp tiêu dùng, cổ phiếu MSN đang được nhiều công ty chứng khoán đánh giá cao với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Chuyên gia khuyến nghị mua cổ phiếu MSN với giá mục tiêu tăng 12% so với mức giá hiện tại.
Theo khảo sát tại trung tâm phân tích của 3 công ty chứng khoán lớn, SSI Research dự báo lợi nhuận của Masan tăng 177,4%, lên 1.161 tỷ đồng, trong khi BSC Research dự báo tăng 204,1%, lên 204,1 tỷ đồng, BVSC Research dự báo tăng 294,4%, lên 1.651 tỷ đồng.
Trong khi đó, sau một năm cạnh tranh khốc liệt về giá trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng suy yếu, các doanh nghiệp bán lẻ đã lạc quan hơn với mục tiêu kinh doanh trong năm 2024.
Tuy vậy, các doanh nghiệp hàng công nghệ đều cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức do những diễn biến vĩ mô khó lường. Do đó, TGDĐ, FPT Retail, Digiworld (DGW), Petrosetco (PET) hay nhiều nhà bán lẻ công nghệ khác đều cho biết sẽ tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, kinh doanh thêm mặt hàng, dịch vụ khác...
Chẳng hạn, TGDĐ thông tin các chuỗi kinh doanh sẽ chỉ giữ lại những điểm bán hiệu quả, tập trung tăng chất lượng phục vụ, đồng thời tiếp tục tinh gọn đội ngũ nhân sự. TGDĐ cho biết sẽ rà soát toàn bộ hoạt động, chủ động thay đổi cách làm mới...
Với FPT Retail, doanh nghiệp cũng sẽ xem xét đánh giá hoạt động của từng cửa hàng FPT Shop, đóng một số cửa hàng không hiệu quả. Đồng thời kinh doanh thêm mặt hàng, dịch vụ khác như đồ gia dụng, tivi, điều hòa... Đặc biệt, tập trung phân khúc bán hàng online với đa nền tảng.
Ban lãnh đạo Digiworld cũng cho biết sẽ mở rộng ra nhiều mảng kinh doanh khác như phân phối máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh thương hiệu Xiaomi; phân phối độc quyền nhãn hàng Poly chuyên cung cấp các thiết bị hỗ trợ việc học trực tiếp; chuỗi cầm đồ Vietmoney…
Với Petrosetco, doanh nghiệp này nhận định năm 2024 là thời điểm thay mới thiết bị của các sản phẩm điện thoại, laptop sau vùng đỉnh năm 2021. Do đó, HĐQT công ty định hướng trong năm nay bên cạnh chiến lược gia nhập ngành hàng mới sẽ phát huy tốt những nhãn hàng chủ lực.
Theo SSI Research, doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ điện thoại và điện máy sẽ phục hồi 5% so với cùng kỳ trong năm 2024, sau khi giảm mạnh khoảng 20-25% trong năm 2023. Mức tăng trưởng sẽ mạnh hơn trong nửa đầu năm 2024 dựa trên mức nền so sánh thấp. Tuy nhiên, nhóm phân tích nhấn mạnh đà tăng trưởng sẽ giảm dần trong nửa cuối năm.
"Cuộc chiến giá cả đã hạ nhiệt trong quý III/2023. Tuy nhiên, mức tồn kho của các nhà bán lẻ trong quý III khác nhau khi chuỗi Điện Máy Xanh, Thegioididong.com ghi nhận lượng hàng tồn kho giảm, trong khi lượng hàng tồn kho của FPT Shop vẫn ở mức cao", SSI Research thông tin.
Hải Giang