Theo báo cáo tài chính quý IV/2021 của FPT Retail, công ty đạt doanh thu thuần 8.477 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 417 tỷ đồng gấp 39,4 lần. Lợi nhuận sau thuế lên 335 tỷ đồng, tăng 32,8 lần cùng kỳ.
Hoàn thành tới 462% kế hoạch lợi nhuận
FPT Retail cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu học tập và làm việc online tăng cao trong đại dịch, doanh thu mảng điện thoại, laptop cao gấp 8 lần cùng kỳ, dẫn tới doanh thu quý IV tăng mạnh.
Đặc biệt, chuỗi nhà thuốc Long Châu mở thêm 200 cửa hàng mới, nâng tổng số lên 494 cửa hàng, đóng góp 1.400 tỷ đồng cho doanh thu công ty trong quý IV, gấp 3,9 lần cùng kỳ. Đây cũng là quý ghi nhận chuỗi nhà thuốc bắt đầu có lợi nhuận dương.
Kết quả kinh doanh FRT. (Ảnh: Int) |
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần FPT Retail tăng 53,4% lên 22.495 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần. Lợi nhuận sau thuế là 444 tỷ đồng, tăng 44,4 lần so với 2020.
Với kết quả này, công ty đã hoàn thành tới 462% kế hoạch lợi nhuận trong năm 2021 đặt ra từ đầu năm.
Ông Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail khẳng định, chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng mới và quan trọng cho FPT Retail không chỉ trong năm 2022 mà còn trong trung và dài hạn với doanh thu ổn định khi người dân ngày càng chú ý chăm sóc sức khoẻ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp.
Theo kế hoạch, để đạt mục tiêu tăng thị phần bán lẻ lên 30% trong mảng phân phối dược phẩm, công ty sẽ tăng lên 550 cửa hàng trong năm 2022. Dự kiến, chuỗi nhà thuốc này sẽ mang lại cho FRT Retail 5.206 tỷ đồng doanh thu trong năm 2022.
Theo đó, FPT Retail nâng kế hoạch doanh thu thuần 2022 lên 27.000 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận trước thuế cũng tăng 30% lên 720 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2021.
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là nợ phải trả của công ty trong năm 2021 đã tăng mạnh gần gấp đôi lên 9.062 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay ngắn hạn.
“Trong quá trình mở rộng thị trường, có thể nợ vay của công ty này sẽ còn tiếp tục tăng lên mức cao hơn và trở thành gánh nặng tài chính cho công ty, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh cuối năm nay”, một chuyên gia phân tích nêu ý kiến.
Chưa kể, FRT Retail cũng phải đối diện với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các “ông lớn” ngành bán lẻ trong mảng phân phối dược phẩm.
Chẳng hạn như hệ thống phân phối bán lẻ của Pharmacity, hệ thống nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động. Hay như Masan cũng đang có động thái “nhón chân” vào lĩnh vực tiềm năng này khi hợp tác với chuỗi Phano Pharmacy để thử nghiệm mô hình siêu thị mini tích hợp cả ki-ốt cà phê, trà sữa, nhà thuốc, dịch vụ tài chính.
Trong lĩnh vực bán buôn, Digiworld, nhà phân phối chuyên về các sản phẩm công nghệ cũng tuyên bố sẽ tập trung nhiều hơn vào dược phẩm trong năm 2022 sau 5 năm tham gia thị trường. Công ty còn đặt mục tiêu lọt vào 3 nhà phân phối dược phẩm lớn nhất tại Việt Nam.
Cổ phiếu tăng “miệt mài”
Kể từ đầu tháng 2 đến nay (từ 7 đến 25/2), thị giá cổ phiếu FRT đã tăng hơn 42%. Tính rộng hơn, trong vòng một năm qua giá cổ phiếu này đã tăng hơn 250%.
Đặc biệt, trong phiên ngày 24/2, trong khi cả sàn chứng khoán chìm trong “sắc đỏ”, cổ phiếu FRT là một trong số ít cổ phiếu tăng trần hiếm hoi lên 124.700 đồng/cp. Chốt phiên ngày 25/2, cổ phiếu FRT giao dịch ở mức 125.000 đồng/cp (+0,2%). Giá này đã vượt đỉnh cũ 104.500 đồng/cp thiết lập cuối năm 2021.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng mới và quan trọng cho FPT Retail không chỉ trong năm 2022 mà còn trong trung và dài hạn. (Ảnh: Int) |
Đáng chú ý, cổ phiếu FRT đã tăng liên tục không dừng từ phiên giao dịch 17/2 ngay sau khi Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid - 19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Đồng thời, FPT Long Châu, trực thuộc FPT Retail cũng lập tức ký hợp đồng phân phối 1 triệu viên thuốc trị Covid -19 với mức giá 300.000 đồng/liệu trình.
Theo đó, hệ thống nhà thuốc này sẽ bán hai loại thuốc điều trị Covid-19 là Molravir 400 của Boston Việt Nam và Molnupiravir Stella 400 của Stellapharm trên hệ thống gần 500 nhà thuốc trên cả nước. Đây cũng là đơn vị đầu tiên phân phối thuốc đặc trị Molnupiravir.
Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, hoạt động kinh doanh này dự kiến sẽ mang lại cho FRT lợi nhuận không nhỏ trong năm nay. Đây sẽ là “ngòi nổ” đẩy thị giá cổ phiếu FRT tăng mạnh trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch vẫn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, làm suy giảm nhu cầu khám bệnh của người dân do tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện, tác động đến doanh thu kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ).
Ngược lại điều này lại góp phần làm cho kênh OTC (bán thuốc không cần kê đơn, chủ yếu ở các tiệm thuốc tư nhân) phát triển. Giá thuốc kênh OTC cũng không bị ràng buộc về luật đấu thầu sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Đồng thời, các cửa hàng bán lẻ dược phẩm sẽ hưởng lợi lớn từ nhu cầu lớn về các sản phẩm phục hồi sau tiêm vaccine hay hỗ trợ điều trị cho F0.
“Những yếu tố trên kỳ vọng sẽ mang đến mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022 cho ngành chăm sóc sức khỏe. Điều này được đánh giá là sẽ có cơ hội tăng giá tích cực, tạo nên sức hút của cổ phiếu các công ty kinh doanh dược phẩm, trong đó cổ phiếu FRT sẽ mang lại kỳ vọng lớn cho các nhà đầu tư”, một chuyên gia nhận định.
Hải Giang