Theo quan sát, mặc dù vẫn còn cách xa 30% so với mức đỉnh cao cũ sát 80.000 đồng/cp hồi giữa năm 2022 (tính theo giá điều chỉnh), nhưng trong vài tháng trở lại đây, cổ phiếu MWG bắt đầu ghi nhận diễn biến khá tích cực.
“Hở room" ngoại diễn ra thường xuyên hơn
Từ cuối tháng 5/2023 đến cuối tháng 7/2023, thị giá MWG đã xác lập nhịp tăng ấn tượng với mức tăng lên tới gần 45% kèm thanh khoản gia tăng mạnh. Sau đó, cổ phiếu này có dấu hiệu đi ngang quanh vùng giá từ 51.000 – 54.000 đồng/cp trong tháng 8 và bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại trong những phiên gần đây. Chốt phiên 20/9, cổ phiếu MWG tăng lên mức 55.800 đồng/cp.
Từng được ví như một trong những "thỏi nam châm" thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhưng nay các quỹ ngoại lại liên tục bán ra hàng triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu. |
Điều đáng nói, trong lúc cổ phiếu giao dịch tích cực trở lại nhưng từ các thành viên Hội đồng quản trị Thế giới Di động như ông Đoàn Văn Hiểu Em, Đặng Minh Lượm đến các quỹ đầu tư Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd, Arisaig Asia Fund Limited, Dragon Capital… lại liên tục bán ra hàng triệu cổ phiếu MWG để giảm tỷ lệ sở hữu.
Trong một báo cáo vào giữa năm ngoái, Arisaig Partners (Singapore) đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của MWG, đặc biệt là Bách Hoá Xanh. Quỹ ngoại còn nhận định mảng bán lẻ bách hoá sẽ vươn lên đóng góp phần lớn vào doanh thu của MWG trong 5 năm tới. Đáng chú ý, Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners từng nhiều lần khẳng định việc đầu tư dài hạn vào Thế giới Di động và không có tư duy giao dịch cổ phiếu, nhưng sau khoảng 3 năm nắm giữ, quỹ ngoại này đã liên tục bán bớt cổ phiếu và giảm sở hữu tại doanh nghiệp hàng đầu ngành bán lẻ, lý do đưa ra là tái cơ cấu đầu tư.
Tính chung từ đầu tháng 8 tới nay, cổ phiếu MWG cũng lọt top chứng khoán bị bán ròng mạnh nhất bởi nhà đầu tư nước ngoài với giá trị hơn 500 tỷ đồng. Hơn nữa, cổ phiếu MWG còn ghi nhận tình trạng “hở room" ngoại diễn ra thường xuyên hơn.
Thống kê trong hơn một tháng qua, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MWG giảm rõ rệt, từ mức tối đa 49% đã giảm về sát ngưỡng 48,4%, tương ứng lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài có thể mua thêm lên tới gần 8,5 triệu đơn vị. Đây cũng là quãng “hở” room dài nhất trong nhiều năm trở lại đây của cổ phiếu đại gia ngành bán lẻ này. Dù vậy, thị trường lại không còn được chứng kiến cảnh “tranh mua” của nhà đầu tư ngoại nữa.
Khác với trước đây, cổ phiếu MWG từng được ví như một trong những thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Room ngoại của MWG thường xuyên được phủ kín 49% và hầu như chỉ hở ra do các hoạt động ESOP, nhưng sau đó đều nhanh chóng được lấp đầy. Nhiều giao dịch ghi nhận khối ngoại phải chấp nhận trả một mức giá chênh (premium) cao nhất thị trường, lên đến 40% so với thị giá để được sở hữu cổ phiếu MWG.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu kém mặn mà đối với MWG. Những giao dịch premium không còn xuất hiện, thậm chí các lệnh thỏa thuận trực tiếp trên sàn với biên độ tối đa +/-7% cũng gần như không còn xuất hiện.
Vì đâu nên nỗi?
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, dòng vốn ngoại đang có xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Thế giới Di động ít nhiều bị ảnh hưởng, nhất là những cổ phiếu được khối ngoại nắm giữ lượng lớn như MWG, dẫn tới xu hướng giảm sở hữu là điều dễ hiểu.
Mặt khác, “sức khỏe” kinh doanh nội tại của doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ này đang cho thấy sự giảm sút. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến khối ngoại kém “mặn mà” trong việc sở hữu “thỏi nam châm” đình đám một thời này.
Tại những mảng kinh doanh chính, doanh thu bán đồ điện tử tại các chuỗi Thế giới Di Động và Điện Máy Xanh hầu như chỉ đi ngang do ảnh hưởng từ sức mua sụt giảm cũng như áp lực cạnh tranh gay gắt.
Còn chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn đang khó khăn trên con đường tìm kiếm lợi nhuận sau 5 năm hoạt động. Trong khi đó, dù được xem là mảng hoạt động tiềm năng của Thế giới Di động nhưng Bách Hóa Xanh cũng đang gặp khó với mục tiêu hòa vốn.
Ngoài ra, Tập đoàn còn ghi nhận việc tạm dừng hoạt động nhiều chuỗi cửa hàng kinh doanh không hiệu quả như mô hình “shop in shop” bán kính mắt, đồng hồ; cửa hàng xe đạp, trang sức hay gần nhất là AVASport và chuỗi Bluetronics tại Campuchia. Bên cạnh đó, Tập đoàn phải tạm dừng kế hoạch mở mới cửa hàng thuốc An Khang trong khi số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh bị thu hẹp từ cuối năm 2021 khi đóng cửa những điểm bán kém hiệu quả.
Thực tế, những con số từ kết quả kinh doanh cũng phản ánh phần nào những khó khăn của “ông lớn” đầu ngành bán lẻ này. Trong 6 quý gần nhất, lãi ròng của Thế giới Di động đều sụt giảm so với quý trước. Gần nhất, trong quý II/2023, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 29,465 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, biên lãi gộp lại tiếp tục bị thu hẹp xuống chỉ còn 18,5%. Sau khi trừ các chi phí, Tập đoàn lãi ròng vỏn vẹn 17 tỷ đồng trong quý II, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 2014.
6 tháng đầu năm 2023, nếu xét theo chuỗi, doanh thu của hai chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh là 41,5 nghìn tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ; doanh thu chuỗi Bách hoá Xanh là 13,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7%.
Với chuỗi Bách hóa Xanh, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận lỗ 658,7 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế từ năm 2016 tới nay lên tới 8.053,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị khác cũng lỗ, riêng chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ 150,6 tỷ đồng, lũy kế từ năm 2019 tới nay đang lỗ 469,6 tỷ đồng.
Được biết, Thế giới Di động đã đề ra nhiều kế hoạch nhằm “cứu vãn” tình hình kinh doanh khởi sắc trở lại nhưng theo ý kiến nhiều chuyên gia, nửa cuối năm 2023, thị trường chưa thực sự vượt qua khó khăn do sức mua yếu vẫn duy trì, nền kinh tế chưa thực sự hồi phục như kỳ vọng. Cho nên, bức tranh tài chính cuối năm của Thế giới Di động rất có thể sẽ không cải thiện như kỳ vọng. Do đó, việc giá cổ phiếu MWG tăng nóng sẽ sớm gặp thách thức trong tương lai, vì vậy để hy vọng cổ phiếu này lấy lại “vị thế’ trong mắt khối ngoại có lẽ vẫn cần thời gian dài hơn nữa.
Hải Giang