Phiên giao dịch ngày 26 và 27/2, cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera – CTCP "bùng nổ" với khối lượng bán ròng lần lượt lên tới gần 28 triệu đơn vị và 17 triệu đơn vị, tại mức giá quanh 20.000- 21.600 đồng/cp trong phiên thoả thuận.
Tại mức giá 21.600 đồng/cp, cổ phiếu VGC đã ghi nhận mức tăng 32,5% so với thời điểm cuối tháng 11/2018 và trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Bí ẩn hai bên mua – bán
Về giao dịch thỏa thuận khủng 27,75 triệu cổ phiếu VGC được nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài bán ra trong phiên giao dịch ngày 26/2, phía mua vào được tiết lộ là NĐT trong nước.
Hơn 27 triệu cổ phiếu này được chia thành 10 giao dịch, khối lượng thấp nhất là 500.000 cổ phiếu và cao nhất là gần 8,5 triệu cổ phiếu/ giao dịch. Tất cả 10 giao dịch đều được chốt ở mức giá 20.000 đồng/cp, tương đương tổng giá trị đạt 540 tỷ đồng.
Phiên giao dịch ngày 27/2, VGC tiếp tục bị bán ròng hơn 17 triệu cổ phiếu, chiếm 94% tổng lượng giao dịch thỏa thuận trên HNX với tổng giá trị đạt hơn 370 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong hai phiên, khối ngoại đã bán ròng tới 44,75 triệu cổ phiếu VGC, giá trị lên tới gần 963 tỷ đồng.
Hiện, bên bán cũng như bên mua chưa được công bố nhưng thị trường đang đồn đoán bên bán nhiều khả năng là Dragon Capital, bởi theo cập nhật đến tháng 10/2018, quỹ ngoại này đang nắm giữ 9,96% cổ phần Viglacera, tương đương 44,67 triệu cổ phần và là cổ đông ngoại lớn nhất tại Viglacera.
Về phía NĐT nội nhận chuyển nhượng VGC trong phiên ngày 26/2, nhiều nhận định cho rằng rất dễ có khả năng là người trong nội bộ.
Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ sở nào để khẳng định người mua có liên quan đến Viglacera hay không, vì theo thông tin mới nhất trên HNX không có đăng ký mua nào của lãnh đạo, cổ đông nội bộ và người có liên quan trong khoảng thời gian vừa qua.
Gần đây nhất chỉ có ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu VGC để nâng số lượng nắm giữ từ mức 708.000 cổ phiếu (0,16%) trước đó với mục đích đầu tư. Thời gian thực hiện giao dịch mua là từ 22/2 đến 21/3 nhưng lại theo phương thức khớp lệnh.
Với diễn biến tăng giá tích cực thời gian qua của VGC, có thể nhìn nhận rằng NĐT ngoại này đã chọn được "thời điểm vàng" để bán ra cổ phiếu. Đà tăng của VGC được cho là đến từ nhiều nguyên nhân nhưng nổi bật nhất là kỳ vọng thoái vốn của Bộ Xây dựng.
Trong năm 2018, Bộ Xây dựng đã từng đăng ký bán hơn 80 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tỷ lệ 36% với mức giá tối thiểu 26.100 đồng/cp nhưng không thành công khi giá VGC giảm sâu về mức 16.000 đồng/cp (tháng 11/2018).
Giới đầu tư kỳ vọng thương vụ này sẽ tái khởi động trong năm 2019 trước diễn biến thuận lợi về giá của VGC như hiện nay sẽ đạt và vượt mức giá mục tiêu của Bộ Xây dựng. Hiện, Bộ Xây dựng vẫn đang nắm giữ gần 242 triệu cổ phiếu VGC tương đương 53,97% vốn điều lệ của Viglacera.
Hơn nữa, giới đầu tư đang trông chờ "sóng" chuyển sàn VGC lên HoSE khi vào tháng 1/2019, HoSE đã chấp thuận cho Viglacera niêm yết 448 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng giá trị theo mệnh giá cổ phần là 4.483 tỷ đồng.
Khối ngoại lặng lẽ "xả hàng" đúng thời điểm VGC bứt phá |
VGC đã "hết thời"?
Vậy, nguyên nhân nào đã khiến một cổ phiếu mang nhiều kỳ vọng về một tương lai có thể đạt được mức giá cao hơn nữa lại bị khối ngoại lặng lẽ "xả" mạnh?
Còn nhớ trong phiên IPO của Viglacera diễn ra hồi năm 2017, trước sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu ngành hạ tầng, khu công nghiệp (KCN), khối ngoại đã mua vào 109/120 triệu cổ phần VGC, tương đương 91,65% tổng số cổ phần chào bán.
Trong đó, nhà đầu tư tích cực mua nhất chính là nhóm Dragon Capital đã chi gần 1.000 tỷ đồng để mua thêm 59,5 triệu cổ phiếu VGC nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 76 triệu cổ phiếu, tương đương 17,82% vốn.
Tại thời điểm đó, lý giải vì sao Dragon Capital lại chịu chi một số tiền lớn như vậy để sở hữu cổ phần tại Viglacera, giới chuyên gia cho rằng đó là do hoạt động của tổng công ty đã có sự cải thiện mạnh mẽ, liên tiếp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ sau khi cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, năm 2018 vừa qua, trái ngược hoàn toàn với sự bứt phá của cổ phiếu, kết quả kinh doanh của Viglacera lại có sự sụt giảm đáng kể.
Trong đó, doanh thu thuần ghi nhận hơn 9.012 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 667 tỷ đồng, chỉ bằng 76% so với năm 2017.
Tại thời điểm cuối 2018, tổng tài sản của Viglacera chỉ tăng nhẹ lên hơn 16.489 tỷ đồng, trong khi tổng quy mô nợ lên tới 9.568 tỷ đồng, với nợ ngắn hạn chiếm hơn quá nửa, khoảng 4.517 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 6.921 tỷ đồng.
Hiện, Viglacera đầu tư rất nhiều dự án xây dựng cơ bản dở dang như: Dự án KCN Yên Phong mở rộng (457 tỷ đồng), Dự án KCN Đông Mai 375 tỷ đồng, Dự án KCN Đồng Văn (365 tỷ đồng)…
Trong khi đó, việc chuyển sàn niêm yết sang HoSE hy vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho cổ phiếu niêm yết, nhưng không phải cổ phiếu nào chuyển sàn cũng thành công.
Đồng thời, việc thoái vốn tại VGC được giới phân tích nhìn nhận sẽ không hề dễ dàng, ngoại trừ kịch bản bên bán đã xác định được NĐT sẽ mua lượng lớn cổ phần từ trước khi phiên khớp lệnh diễn ra.
Đó có thể là những nguyên nhân khiến VGC trở nên hết hấp dẫn trong mắt khối ngoại?
Linh Đan