Từ 20-24/5, khối ngoại tiếp tục có tuần giao dịch bán ròng mạnh với giá trị đột biến. Đà bán có sự đóng góp đáng kể bởi quỹ ETF ngoại lớn nhất trên thị trường là Fubon ETF, tập trung tại cổ phiếu bluechips. Tổng cộng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 5.352 tỷ đồng sau 5 phiên, trong đó bán ròng 5.074 tỷ đồng khớp lệnh và bán ròng 278 tỷ đồng thoả thuận.
Cổ phiếu FPT với giá trị bán ròng 667 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong danh sách mã cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất tuần. Nhiều ý kiến cho rằng khả năng cao khối ngoại đang tiến hành chốt lời khi giá cổ phiếu này tăng mạnh lên đỉnh lịch sử vào phiên 22/5 vừa qua (138.000 đồng/cp).
Riêng trong phiên 24/5, giao dịch mã FPT đặc biệt sôi động với hơn 13 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, kỷ lục trong lịch sử niêm yết gần 18 năm. Giá trị giao dịch tương ứng gần 1.800 tỷ đồng, cao nhất sàn chứng khoán. Trong đó, khối ngoại bất ngờ xả mạnh FPT với khối lượng bán ròng gần 2,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị xấp xỉ 350 tỷ đồng. Đà giảm sâu của cổ phiếu FPT cũng chính là “tác nhân” khiến VN-Index “lao dốc” trong phiên cuối tuần qua.
Cổ phiếu FPT liên tục vượt đỉnh thời gian qua. |
Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã "túc tắc" bán ròng cổ phiếu này từ giữa tháng 5 với khối lượng có chiều hướng tăng dần. Tính đến hết phiên 24/5, FPT đã hở room hơn 3,3 triệu cổ phiếu. Dữ liệu lịch sử cho thấy FPT hiếm khi hở room với khối lượng lớn, những lần hở room chủ yếu do hoạt động phát hành ESOP và thường được nhà đầu tư nước ngoài phủ kín ngay sau đó.
Về kết quả kinh doanh, 4 tháng đầu năm, FPT ước đạt 18.989 tỷ đồng doanh thu và 3.447 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 20,6% và 19,7% so với cùng kỳ 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 2.932 tỷ đồng, cũng tăng 19,7%.
Có thể thấy, những năm qua, kết quả kinh doanh FPT liên tục tăng trưởng đều đặn và phá đỉnh đã trở nên quen thuộc. Năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tập đoàn công nghệ này sẽ tiếp tục phá kỷ lục của năm trước. Đây cũng là lý do khiến không chỉ quỹ mở, các quỹ đóng quy mô hàng đầu thị trường Việt Nam như IPA Asset Management (IPAAM), VEIL, VOF – VinaCapital hay DCVFM VNDiamond ETF đều nắm lượng lớn cổ phiếu FPT trong danh mục.
Thời gian qua, cổ phiếu FPT luôn là cái tên gây chú ý với thị trường khi không ngừng đổ xô các kỷ lục về giá. Thậm chí, bất chấp VN-Index biến động mạnh, cổ phiếu này vẫn băng băng thẳng tiến xác lập kỷ lục.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu FPT đã ghi nhận mức tăng 37%. Giá trị vốn hóa cũng theo đó lập kỷ lục gần 167.000 tỷ đồng (~7 tỷ USD), gấp đôi so với một năm trước, qua đó đưa FPT vào top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thị trường.
Châu Anh