CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã: HAG) và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết rất đồng tình với "cuộc hôn nhân" môn đăng hộ đối này. Trong đó Thaco theo Thủ tướng là "chú rể" đầy rẫy đam mê, còn HAGL là "cô dâu" có quyết tâm lớn, như vậy "cuộc hôn nhân" này kỳ vọng sẽ vực dậy Tập đoàn nông nghiệp cũng như nền nông nghiệp Việt Nam.
"Đại gia chống lưng"
Theo cam kết thỏa thuận đầu tư, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cơ cấu toàn diện HAGL, trong đó có cơ cấu nợ và thu xếp vốn để thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Từ tháng 3/2018, ông Trần Bá Dương đã ứng cho CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – mã: HNG) các khoản tiền để phát triển thêm diện tích trồng cây ăn trái và thanh toán các khoản nợ đến hạn là 1.577 tỷ đồng.
Ngày 3/8/2018, Thaco đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với HAGL để đầu tư vào 2 công ty là HAGL Agrico và CTCP HAGL Myamar Center.
Đối với HAGL Agrico, thông qua hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi, Thaco và nhóm cổ đông của Thaco sở hữu 35% HNG với tổng số vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Song song đó, CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% HAGL Myamar với số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Cùng ngày, công ty đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc phân phối 221.688 trái phiếu chuyển đổi cho Thaco với tổng trị giá phát hành 2.216,9 tỷ đồng. Đây là lượng còn lại trong đợt chào bán 221.710 trái phiếu chuyển đổi của HNG cho cổ đông hiện hữu trong tháng 6/2018.
Trong đó, 1.137 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư trồng mới và chăm sóc các vườn cây ăn trái trong kế hoạch đầu tư 2018 và 1.080 tỷ đồng dự kiến để cơ cấu tài chính.
Tính đến cuối quý II/2018, tổng nợ phải trả của HNG đạt 18.428 tỷ đồng, đã giảm 3.710 tỷ đồng so với đầu năm, những vẫn chiếm 62% nguồn vốn. Trong đó, vay ngắn hạn là 1.694 tỷ đồng, còn vay dài hạn là 10.757 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, HNG đã giảm được 41,1 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 1.670 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Nguyên nhân khiến nợ vay giảm mạnh là do HNG đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 119,7 triệu cổ phiếu để hoán đổi 1.197 tỷ đồng nợ thành vốn cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 3/2018.
Mới đây, CTCP Hoàng Anh Gia Lai cũng công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai ý kiến cổ đông phát hành cổ phiếu trong năm 2018.
Theo đó, HAG dự kiến sẽ phát hành 185 triệu cổ phiếu (tương đương 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành) với giá 7.200 đồng/ cp thông qua chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Đây được xem là một trong những bước đi cuối cùng của việc hợp tác đã báo trước kết quả.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2018 của HAGL đã giảm 83% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, nợ vay vẫn cao gấp 1,27 lần vốn chủ sở hữu, chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) vẫn chiếm 61% lợi nhuận gộp, dù một lượng lớn lãi vay cũng đã được vốn hóa.
Thị giá của bộ đôi HAG và HNG đã có chuyển biến tích cực |
Cổ phiếu sẽ ổn định?
Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, tổng số tiền Thaco đầu tư vào các công ty Hoàng Anh Gia Lai trong tương lai khoảng 22.000 tỷ đồng, xấp xỉ một tỷ USD, đem lại hi vọng về tương lai "hết nợ" của HAGL.
Cũng theo ông Đoàn Nguyên Đức, sau thời gian mạnh dạn chuyển hướng sang trồng cây ăn trái với diện tích lên đến 12.000 ha, công ty đã bắt đầu thu hoạch và xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD mỗi năm. Mặc dù có tín hiệu khả quan nhưng HAGL vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sâu, đối diện với nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn.
Dù đã lần lượt bán đi tài sản lớn như bất động sản, khoáng sản, thủy điện, mía đường…, nhưng cấu trúc tài chính, kết quả kinh doanh của HAG, HNG không được cải thiện nhiều.
Trên thị trường chứng khoán, trong hai tháng vừa qua, kể từ khi xuất hiện tin đồn một đối tác lớn sẽ đầu tư vào HAGL, thị giá của bộ đôi HAG và HNG đã có chuyển biến tích cực.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/8, cổ phiếu HAG ghi nhận mức giá 7.430 đồng/cp, tăng hơn 60% trong hơn hai tháng qua; thị giá cổ phiếu HNG đạt 15.500 đồng/cp, đạt mức tăng hơn 120% cũng chỉ trong hơn 2 tháng, gấp 3 lần kể từ đầu năm.
Hầu hết trong những phiên giao dịch thời gian qua, bộ đôi cổ phiếu HAG và HNG đều đạt được mức thanh khoản lớn lên tới vài chục đơn vị, thậm chí còn nhiều phiên giao dịch "cháy hàng", dư mua trần hàng triệu đơn vị.
Mặc dù chưa rõ, nhưng việc "thò tay" vào hoạt động kinh doanh của HAGL, bắt buộc sẽ đưa tới kết quả người của Thaco sẽ tham gia vào Ban quản trị của công ty.
Trên thực tế, HAGL và Thaco là hai tập đoàn kinh tế lớn có những thế mạnh của riêng mình. HAGL có lợi thế về quỹ đất rộng lớn lên đến 80.000 ha nằm trong vùng tam giác phát triển kinh tế của 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia.
Thaco có những thế mạnh như tài chính, cơ khí, tự động hoá và có chương trình quản trị doanh nghiệp tốt, có kinh nghiệm xây dựng nhà máy, quản lý sản xuất trên quy mô lớn.
Với dòng tiền mạnh mẽ "chống lưng" cùng làn gió mới về quản trị có thể sẽ giúp HAGL biến giấc mơ nông nghiệp trở thành hiện thực, đồng thời về dài hạn cũng sẽ góp một phần vào doanh thu của Thaco.
Tuy nhiên, hiệu quả của quá trình tái cơ cấu phải cần thời gian đủ dài để chứng minh và đem lại kết quả thực tiễn.
Linh Đan