Trong những phiên giao dịch gần đây, khi thị trường giao dịch sôi động, nhiều nhóm cổ phiếu liên tục tăng trưởng, đi lên. Tuy vẫn còn những nhóm cổ phiếu bị lãng quên như: thực phẩm, đồ uống, còn những cổ phiếu ngành cấp nước thì gần như bị lãng quên.
Ít nên dễ quên?
Nhiều chuyên gia cho rằng nhà đầu tư chủ yếu quan tâm tới các nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, ngành dệt may…Đây là những nhóm cổ phiếu được hưởng lợi nhiều từ việc ký kết TPP và sự khởi sắc của nền kinh tế. Còn nhóm cổ phiếu ngành cấp nước bị lãng quên là do số mã niêm yết ít, không tạo ra sóng ngành, nên chẳng mấy ai quan tâm.
Thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh cấp nước có doanh thu và lợi nhuận rất ổn định. Theo báo cáo của các công ty trong ngành nước, 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu rất tốt, mức tăng trưởng cao. Điều này chứng tỏ lợi nhuận ổn định, khả năng sinh lời tốt, chỉ số định giá hấp dẫn.
Cổ phiếu ngành này chẳng bao giờ tăng trưởng đột biến, nhiều mã chỉ tăng nhẹ, hoặc có khi còn sụt giảm như NTW. Mã cổ phiếu NTW và TDW đều có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trong khi BTW, BWA và CLW lại không mấy khả quan.
Theo công bố của CLW và TDW, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015, lần lượt đạt 632 tỷ đồng (tăng 7.82%) và 387 tỷ đồng (tăng 12.01%). Tuy nhiên, lợi nhuận của CLW và TDW không khả quan khi chỉ đạt 13.2 tỷ đồng (giảm 1.55%) và 17.8 tỷ đồng (giảm mạnh 38.62%).
Hiện nay, nhiều công ty ngành nước đang trên đà tăng trưởng, hoạt động giao dịch sôi động, mang lại cơ hội mới cho nhóm cổ phiếu ngành nước. Các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành nước có chỉ tiêu lợi nhuận gộp khá hấp dẫn. Điều này giúp cho hoạt động an toàn hơn nếu có những tác động do chi phí sản xuất gia tăng.
Mới đây nhất là CTCP Cấp thoát nước Bình Định (mã chứng khoán BDW) đã được Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chấp thuận cho hơn 12,4 triệu cổ phiếu BDW được đăng ký giao dịch trên HNX. CTCP cấp thoát nước Bình Định được phép giao dịch 12.410.800 cổ phiếu phổ thông mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cũng là động cơ để kéo doanh nghiệp khác lên sàn.
Các cổ đông lớn cũng đang tích cực thâu tóm doanh nghiệp ngành nước như: công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP), đã hoàn tất giao dịch mua 151 nghìn cổ phần CTCP Bình Hiệp, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,63%. Đại diện DNP cho biết, EPS năm 2014 đạt con số 10.708 đồng/cổ phiếu nên tiềm năng tăng trưởng cao. Kế hoạch 2015 của Bình Hiệp được đề ra với các chỉ tiêu doanh thu và LNST lần lượt là 47,5 tỷ đồng và 14,2 tỷ đồng.
Theo thống kê, lượng tiền và tương đương tiền đầu tư ngắn hạn của các doanh nghiệp ngành nước chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu tài sản của công ty._Có thế thấy hầu hết các cổ phiếu trong ngành đang duy trì mức P/E và P/B khá hấp dẫn so với mặt bằng chung của thị trường.
Triển vọng kinh doanh của nhóm cổ phiếu được dự báo có nhiều thay đổi và bứt phá. Doanh thu cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành sẽ được hưởng lợi từ việc điều chỉnh giá bán nước. Cụ thể, giá nước sạch tại Hà Nội đã được điều chỉnh tăng 20% từ đầu tháng 10/2015. Trong khi đó, từ đầu năm 2015, Sawaco cũng đã trình lộ trình tăng giá nước tại Tp.HCM ở mức 10.5%/năm từ 2015-2019. Việc thoái vốn nhà nước ở những doanh nghiệp này, giúp tư nhân tham gia nhiều hơn.
Bản thân các doanh nghiệp ngành nước cần phải tái cấu trúc triệt để, mở rộng đầu tư, tạo ra sự tăng trưởng ổn định, bền vững thì mới có thể phát triển được
Thay đổi để bứt phá
Có rất nhiều lợi thế nhưng hiện tại nhóm cổ phiếu này vẫn không mấy thu hút dòng tiền, cũng như những nhà đầu tư lớn. Mặc dù, ngành này đang có yếu tố tích cực, nhưng nhóm cổ phiếu này không nhận được sự quan tâm trên thị trường khi hầu hết đều có giao dịch khá nhỏ giọt.
Những yếu tố đang có như chỉ tiêu sinh lợi tốt, cơ cấu vốn an toàn và chỉ số định giá tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung của thị trường hiện tại không đủ để hấp dẫn nhà đầu tư.
Các chi tiêu sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tổng tài sản (ROA) cũng duy trì ở mức khả quan. Hầu hết các doanh nghiệp ngành nước đều có mức ROE trên mốc 15%, khá hấp dẫn nếu so với mức lãi suất ngân hàng hiện tại.
Hầu hết các doanh nghiệp ngành nước đều sử dụng khá ít nợ vay. Mặc dù không giúp tối ưu hoá kết quả lợi nhuận nhưng điều này giúp cho hoạt động trở nên an toàn hơn.
Ngành cấp nước được coi là ngành thiết yếu, có tính ổn định cao nhưng khó có sự bứt phá về tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Do đó, nhóm cổ phiếu này chỉ phù hợp với các nhà đầu tư thích sự ổn định, nắm giữ để nhận cổ tức.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, yếu tố nhóm ngành, vị thế của doanh nghiệp, giữ vai trò quan trọng trên thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp ngành nước đang bị liệt vào thế yếu, ít được giới thiệu, quảng cáo, PR, lộ ra những điểm yếu về thanh khoản rất thấp nên không thể hấp dẫn giới đầu tư.
Hơn nữa, doanh nghiệp ngành nước cũng “an phận thủ thường”, không bon chen vào lĩnh vực nóng như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng nên cả đời ít ai nhắc tới. Muốn được nhà đầu tư biết đến, các doanh nghiệp ngành nước cần có sự thay đổi chính mình, nắm bắt cơ hội phát triển mới, vượt qua thử thách ngắn hạn.
Lê Thuận