Ngày 25/5 tới, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) sẽ tổ chức đấu giá 5,665 triệu cổ phần, tương ứng 20% vốn điều lệ của CTCP In Trần Phú, với giá khởi điểm 11.800 đồng/cp.
Đây là số vốn nhà nước nắm giữ tại In Trần Phú sau khi cổ phần hóa năm 2015. Nếu diễn ra thành công, phiên đấu giá sẽ mang về cho ngân sách nhà nước ít nhất 66,8 tỷ đồng.
Thương hiệu không là tất cả
Theo kết quả đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần của CTCP In Trần Phú được HoSE công bố mới đây, có 8 nhà đầu tư đăng ký tham gia, trong đó có 6 nhà đầu tư cá nhân và 2 nhà đầu tư tổ chức.
Tổng số cổ phần được 8 nhà đầu tư này đăng ký mua đạt gần 11,9 triệu cổ phần, gấp đôi lượng cổ phần chào bán.
In Trần Phú hiện là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về công nghệ in trên giấy. In Trần Phú có lịch sử từ năm 1945, là đơn vị có tên tuổi trong ngành in.
Được thành lập với các sản phẩm chủ lực gồm in nhãn hàng, lịch block, sách báo…, danh sách các khách hàng của In Trần Phú đến nay gồm rất nhiều tên tuổi lớn như Coop-mart, MM Mega Market, BigC, Lotte, Thế giới Di động, Sabeco, VBL….
Năm 2015, In Trần Phú đã tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ 283,25 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước chỉ còn nắm giữ 20% cổ phần; 38,69% cổ phần được bán cho cổ đông chiến lược là công ty TNHH Đầu tư BĐS Phú Cường; chào bán công khai 38,69% cổ phần và số còn lại bán cho cán bộ công nhân viên.
Đáng chú ý, công ty TNHH Đầu tư BĐS Phú Cường – nhà đầu tư chiến lược của In Trần Phú cũng là cổ đông chính của BRG Group, tập đoàn nổi tiếng với những thương vụ đầu tư chiến lược vào Thăng Long GTC, Intimex…
Tại phiên IPO của In Trần Phú được tổ chức cuối năm 2015, có 17 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, trong đó có 3 nhà đầu tư tổ chức và 14 nhà đầu tư cá nhân. Tổng khối lượng cổ phần đặt mua là 29,58 triệu cổ phần, gấp 3 lần lượng chào bán.
Tuy nhiên, bất chấp sự tham gia của cổ đông chiến lược, cùng với thương hiệu lâu đời và công nghệ in được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam, nhưng In Trần Phú cũng không thoát khỏi sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường in ấn.
Điều này được thể hiện qua tình hình sản xuất – kinh doanh của công ty ngày càng đi xuống qua các năm.
Doanh thu năm 2015 của công ty đạt 409 tỷ đồng nhưng sang đến năm 2016 giảm xuống còn 352,5 tỷ đồng, tương đương mức giảm 13,7%. Đến năm 2017, con số này ghi nhận chỉ còn 320,8 tỷ đồng, giảm 31,7 tỷ đồng.
Về lợi nhuận, năm 2015, In Trần Phú báo lãi 8,8 tỷ đồng, nhưng năm 2016 chỉ còn 1,2 tỷ đồng, giảm 86,3%. Thậm chí, năm 2017, công ty báo lỗ 27 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của In Trần Phú qua từng năm đã phần nào cho thấy mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp này không phải là đích đến của những nhà đầu tư có thể sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn gấp nhiều lần giá chào bán để được sở hữu nốt phần vốn còn lại của Nhà nước tại đây.
Kết quả kinh doanh không mấy khả quan nhưng cổ phần của CTCP In Trần Phú vẫn đắt khách khi lượng đặt mua gấp 2 lần lượng chào bán. |
Hấp dẫn với “đất kim cương”
Điểm đáng chú ý của doanh nghiệp này là quyền sử dụng 6 lô đất theo hình thức thuê trả tiền hàng năm tại Tp.HCM với tổng diện tích trên 19.200m2.
Trong đó, có nhiều khu đất có vị trí “kim cương”, ở quận trung tâm, nằm ở những giao lộ của một vài tuyến đường lớn đã được chấp thuận làm dự án.
Trong 6 khu đất này có tới 4 khu đất nằm ở trung tâm quận 1, gồm khu đất số 71-73-75 Hai Bà Trưng rộng 475m2; khu đất số 6 Thi Sách rộng 5.075,6m2; khu đất số 31-33 Lê Thánh Tôn rộng 2.832m2; khu đất 35-37-39 Lý Tự Trọng rộng 840,7m2.
Ngoài ra còn lô đất 410,5m2 tại 442-444-446 Nguyễn Tất Thành, quận 4 và 9.569m2 tại 6A Đường số 1, Khu phố 2, quận Thủ Đức.
Đặc biệt, hai khu đất số 6 Thi Sách và Lê Thánh Tôn đã được cấp phép làm dự án bất động sản, đang được quản lý và thực hiện bởi hai công ty liên doanh của In Trần Phú là CTCP Dịch vụ và Thương mại Pioneer (sở hữu 26% vốn điều lệ) và CTCP Tư vấn và Thương mại dịch vụ Trí Minh (sở hữu 26% vốn điều lệ).
Bên cạnh đó, In Trần Phú còn sở hữu lô đất số 103-131 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất trả tiền một lần.
Việc sở hữu hàng chục nghìn m2 đất vàng cùng với việc sắp không chịu sự chi phối của cổ đông nhà nước, sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư khi tham gia vào phiên đấu giá.
Sẽ không quá bất ngờ nếu phiên đấu giá tới đây có nhà đầu tư sẵn sàng trả “cái giá trên trời” cho số cổ phần đấu giá này nhằm nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp.
Trước đây, bầu Thụy của ThaiGroup đã từng trả 274.200 đồng cho 1 cổ phần của khách sạn Kim Liên trong phiên thoái vốn của SCIC. Mức giá đấu này đã vượt tới 9 lần so với giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần và bỏ xa các đối thủ khác như Hanoitourist, REE, Cường Thịnh Thi, để sở hữu 52,43% vốn tại doanh nghiệp này.
Động lực chính của bầu Thụy không phải là hoạt động kinh doanh hay cơ sở vật chất của Khách sạn Kim Liên mà giá trị của công ty này ẩn ở 3,5ha đất án ngữ ngay cửa ngõ phía Nam của Hà Nội – nơi tọa lạc của khách sạn Kim Liên.
Câu hỏi ai sẽ là chủ sở hữu của lô cổ phần được chào bán sắp tới của In Trần Phú có lẽ sẽ phải chờ vài ngày nữa mới có thể khẳng định.
Tuy nhiên, nếu là một cổ đông chiến lược đã nắm sẵn trong tay lượng lớn cổ phần, việc BĐS Phú Cường chi thêm một khoản tiền để nắm 20% vốn còn lại, nắm quyền chi phối công ty là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Thùy Linh