CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) vừa có giải trình về kết quả kinh doanh riêng công ty mẹ niên độ tài chính 2017-2018 trước và sau kiểm toán. Theo đó, một số khoản mục trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh sau kiểm toán có sự điều chỉnh, trong khi doanh thu vẫn giữ nguyên.
Nguyên nhân của sự chênh lệch khá lớn của lợi nhuận trước và sau thuế là do giá vốn hàng bán sau kiểm toán tăng 21,75 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp giảm 21,68 tỷ đồng.
Lợi nhuận "bốc hơi"
Ngoài ra, doanh thu tài chính sau kiểm toán tăng gần 4 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng 13,45 tỷ đồng do trích lập dự phòng đầu tư dài hạn vào CTCP Hoa Sen Du Long; chi phí bán hàng cũng tăng gần 13 tỷ đồng do khoản trích trước chi phí vận chuyển; chi phí quản lý doanh nghiệp (DN) tăng 20,18 tỷ đồng do dự phòng thuế hơn 36 tỷ đồng, giảm khoản trích trước lương tháng 12 gần 15,92 tỷ đồng qua quỹ khen thưởng.
Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sau kiểm toán giảm 64,23 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận trước thuế điều chỉnh giảm 64,23 tỷ đồng từ mức 637,96 tỷ đồng trước kiểm toán xuống 573,74 tỷ đồng sau kiểm toán.
Mặc dù kinh doanh không mấy hiệu quả, nhưng Hoa Sen vẫn công bố kế hoạch kinh doanh cho niên độ tài chính 2018-2019 đầy tham vọng với mục tiêu tăng sản lượng tiêu thụ lên 2 triệu tấn/năm.
Với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, Hoa Sen dự kiến đạt 500 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 22% so với niên độ tài chính 2017 – 2018. Kế hoạch này dựa trên giả định giá thép cán nóng trong niên độ 2018 – 2019 là 470 USD/tấn.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ CTCK Bản Việt (VCSC), để đạt được kế hoạch này, Hoa Sen sẽ phải thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động và giảm chi phí lãi vay trong năm 2019.
Thực tế, nhìn vào hoạt động kinh doanh của Hoa Sen cho thấy lợi nhuận của công ty không ngừng sụt giảm, quý cuối cùng của niên độ 2017- 2018 kết thúc bằng con số lỗ đậm hơn 100 tỷ đồng đã khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Tính chung cả năm, Hoa Sen vẫn có lãi nhưng đối với một DN đầu ngành, con số lãi của công ty trước kiểm toán đã có thể coi là "hẩm hiu", chưa kể đến sau kiểm toán "bốc hơi" thêm gần 60 tỷ đồng.
Tính đến quý III/2018, tổng dư nợ vay của Hoa Sen đã lên đến hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn hơn 12.000 tỷ đồng, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản lên gần 78%.
Sẽ không có gì đáng nói nếu sự tăng trưởng của Hoa Sen tương ứng với số nợ vay, nhưng trên thực tế, công ty đang bước lùi trong tăng trưởng, hàng tồn kho cao và các khoản phải thu ngất ngưởng.
Cổ phiếu về mức giá "trà đá"?
Nợ vay không những kéo lợi nhuận của Hoa Sen giảm sút mà thị giá cổ phiếu HSG cũng gặp vận đen khi lao dốc mạnh từ đầu năm và đang giao dịch ở ngưỡng giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Sau những phiên khởi sắc cuối năm 2018, giá cổ phiếu HSG đã quay đầu đi xuống, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/1/2019 tại mức 6.260 đồng/cp, giảm gần 75% so với mức đỉnh đã đạt được trong năm 2018 (hơn 24.000 đồng/cp – giá đã điều chỉnh).
Thông thường, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu luôn song hành cùng kết quả kinh doanh của DN. Nếu quan sát có thể thấy, cổ phiếu HSG cũng luôn phản ứng rất mạnh trước mỗi thông tin mà Hoa Sen đưa ra liên quan đến kết quả kinh doanh, mỗi đợt giảm đều khá dài hạn.
Sự chênh lệch số liệu mới đây nhất của Hoa Sen có thể bắt đầu cho một đợt giảm mới của cổ phiếu công ty, bởi không chỉ riêng với HSG mà bất kỳ mã cổ phiếu của DN nào điều chỉnh kết quả kinh doanh theo xu hướng giảm đều khiến thị trường chú ý nhiều hơn.
Thị trường thường nhạy cảm hơn với sự trung thực của lãnh đạo DN, bất chấp lý do bào chữa luôn là "do khách quan". Trong quá trình hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán, không ít trường hợp DN cố tình vi phạm để "làm đẹp báo cáo". Ranh giới giữa sự cố tình và yếu tố khách quan là rất khó phân biệt.
Đối với tình trạng của cổ phiếu HSG hiện tại, khoảng cách từ mức giá hơn 6.000 đồng/cp xuống 5.000 đồng/cp rồi dưới 5.000 đồng/cp là không quá xa nếu không nhận được niềm tin từ các nhà đầu tư.
Trước đó, phiên giao dịch ngày 26/12/2018, cổ phiếu HSG đã có một phiên giảm sàn xuống còn 5.960 đồng/ cp. Điểm "cứu vớt" duy nhất của HSG chính là thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao với hàng triệu đơn vị vẫn được khớp lệnh mỗi phiên.
Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ mới đây cũng tiến hành tăng sở hữu tại các công ty bất động sản như CTCP Hoa Sen Yên Bái, CTCP Hoa Sen Quy Nhơn, CTCP Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Du Long nhằm "giải đen" cho công ty.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia chứng khoán, nhìn vào khối nợ "khủng" và bảng cân đối tài sản của Hoa Sen, các nhà đầu tư hầu hết đều muốn tháo chạy khỏi cổ phiếu này, ngay cả khi nâng sở hữu tại các DN bất động sản.
Ngoài ra, ông Vũ cũng đã mua vào thành công 4 triệu cổ phiếu HSG, có thể coi là biện pháp "cứu giá". Thế nhưng, cùng thời điểm ông Vũ mua vào thì công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen do chính ông làm chủ tịch cũng thông báo đã bán thỏa thuận 4 triệu cổ phiếu HSG.
Nhà đầu tư trên thị trường đồn đoán rằng đây là hành động "lấy từ túi trái bỏ sang túi phải" của ông Vũ. Từ đây, họ cũng kháo nhau về sự "may mắn" của ông Vũ khi chốt lãi đúng đỉnh và quay lại mua vào sau khi cổ phiếu mất quá nhiều giá trị.
Linh Đan