Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Hapro, doanh thu thuần quý này đạt 94 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu doanh thu cho thấy sự suy giảm của doanh thu thành phẩm hàng hóa (giảm 34%, đạt 54 tỷ đồng) và sự tăng trưởng của doanh thu cung cấp dịch vụ (tăng 62%, đạt 39 tỷ đồng) trong khi doanh thu bất động sản không đổi (436 triệu đồng). Dù doanh thu giảm, song lợi nhuận gộp lại tăng 21%, đạt 28 tỷ đồng.
Hapro tiếp tục nối dài chuỗi quý thua lỗ. |
Trong quý, Hapro có doanh thu tài chính 6 tỷ đồng, giảm 57%; chi phí tài chính 14 tỷ đồng, tăng 16%; chi phí bán hàng 11 tỷ đồng, giảm 17% và chi phí quản lý đạt 23 tỷ đồng, tăng 15%. Kết quả, công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 13,6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ thuần 8 tỷ đồng).
Khoản lợi nhuận khác 293 triệu đồng “không bõ” khiến kết quý 3 tháng đầu năm, Hapro báo lỗ trước thuế 13,3 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 7 tỷ đồng; lỗ sau thuế 13,4 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 7,1 tỷ đồng – đánh dấu quý lỗ thứ 2 liên tiếp và là quý lỗ thứ 9 trong 13 quý gần nhất.
Năm 2023, Hapro đặt mục tiêu doanh thu 660,71 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 11,06 tỷ đồng. Như vậy, kết quý I/2023, công ty mới chỉ hoàn thành 14% mục tiêu doanh thu và “chạy ngược vạch xuất phát” đối với mục tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Hapro đạt 2.943 tỷ đồng, giảm 7 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản phải thu đạt 899 tỷ đồng, chiếm 30% tổng tài sản và tăng thêm 9 tỷ đồng. Tài sản dở dang đạt 774 tỷ đồng, tăng thêm 7 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại ngày 31/3/2023 đạt 693 tỷ đồng, tăng 0,8% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm 66%, đạt 458 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Hapro rất lớn, đạt 2.250 tỷ đồng, giảm 13 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty đang có khoản lỗ lũy kế khoảng 20 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HTM liên tục không có giao dịch, chốt phiên 28/4 giảm về mức 15.100 đồng/cp.
Châu Anh