Lần họp này và lần 1 trước đó đều thất bại, song cổ đông không chịu ra về trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” của JVC và kém minh bạch công bố thông tin. Tại ĐHCĐ bất thường lần 2, số cổ đông còn mặn mà đến họp chỉ có 72 người, đại diện cho 47,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết nên cuộc họp này đã bị thất bại.
Nghi vấn “chế biến” số liệu
Sau biến cố của nguyên Chủ tịch Lê Văn Hướng, Công ty JVC gặp khủng hoảng trầm trọng về hoạt động kinh doanh, nguồn vốn, trả nợ… và giá cổ phiếu JVC trên sàn cũng lao dốc, mất hơn 70% thị giá.
Dù đại diện công ty liên tục khẳng định “hoạt động của JVC đã dần ổn định từ tháng 9”, song nhiều cổ đông nghi ngờ sức khoẻ tài chính đang có dấu hiệu bất ổn.
Cổ đông - Quỹ Dragon Capital chất vấn HĐQT công ty 4 vấn đề “nóng” về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, tại thời điểm 31/3/2015, báo cáo tài chính (BCTC) ghi nhận khoản tiền mặt hơn 490 tỷ đồng nhưng đến ngày 1/4 đã giảm xuống còn 430 tỷ đồng, tức có hơn 60 tỷ đã “biến mất” đi đâu?
Bà Hồ Thị Bích Ngọc – Thành viên HĐQT kiếm Kế toán trưởng giải thích rằng, chênh lệch khoản mục tiền mặt tại ngày 30/3 và 01/04 thực tế là 2 con số giữa BCTC hợp nhất và riêng lẻ. Tại BCTC hợp nhất quý 1/2015, số liệu khoản mục tiền và tương đương tiền hơn 490 tỷ hoàn toàn trùng khớp. Khoản tiền này đã được đưa vào tài khoản của công ty sau kiểm kê, nhưng chủ nợ đã buộc JVC phải giảm dư nợ vay về 0 đồng và thanh toán cho các dự án đầu tư liên kết. Do đó, số dư tiền mặt bị giảm mạnh.
![]() |
Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật đang rất căng thẳng về dòng tiền
Vấn đề thứ 2 mà Quỹ Dragon Capital đề cập là JVC đã trả trước cho người bán gần 500 tỷ đồng, khiến dòng tiền hoạt động bị âm rất lớn. Các khoản chi trước này không được thuyết minh rõ ràng, trong khi công nợ ngân hàng, nợ thuế, nhà cung cấp cũng rất lớn và cấp thiết hơn.
Theo bà Ngọc, khoản mục trả trước người bán bao gồm: tiền JVC trả trước cho các bên cung cấp khi thực hiện các dự án liên kết như Quảng Bình, Bến Tre hay Hải Phòng. Đây đều là những dự án thực hiện trong quý 1/2015 và dự kiến sẽ đem lại dòng tiền trong quý 2 và 3 năm nay. “Công ty đã trả trước tiền nên trong quý 2 và 3 khi các nhà cung cấp bàn giao sản phẩm, khoản mục trả trước này sẽ giảm xuống. Trong số này còn có phần góp vốn vào Trung tâm kỹ thuật cao, giừo chưa quyết toán nên còn treo trên khoản mục này”- Bà Ngọc lý giải.
Dragon Capital còn chất vấn về khoản mục tài sản ngắn hạn khác tăng hơn 70 tỷ đồng mà không có thuyết minh cụ thể và kết quả kinh doanh quý 2/2015.
Kế toán trưởng Hồ Thị Bích Ngọc mong cổ đông thông cảm vì công ty sơ suất chưa công bố đầy đủ BCTC riêng và hợp nhất quý 1/2015. Phần thuyết minh BCTC sẽ được công bố bổ sung ngay sau cuộc họp để cổ đông nắm rõ tình hình tài chính của JVC.
“Tài sản ngắn hạn tăng mạnh một phần cũng do hiện tại JVC phải tự tài trợ 100% tiền bảo lãnh thầu, bảo lãnh thực hiện dự án. Hiện hoạt động Công ty đang dần cải thiện nên một số ngân hàng đã làm việc với JVC, sẵn sàng cho vay. Khi có ngân hàng đứng ra bảo lãnh thì JVC sẽ giảm được phần tiền này”- Bà Ngọc nói, cho hay, trong quý 2/2015, JVC có doanh thu hơn 100 tỷ đồng và hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận.
Củng cố quản trị điều hành
Tình hình tài chính, nguồn tiền, công nợ, quản trị doanh nghiệp và số phận tương lai của công ty là những vấn đề cổ đông chất vấn. Mới đây, nhóm cổ đông lớn Nhật Bản đã rút người đại diện khỏi vị trí điều hành sau hơn 2 tháng hỗ trợ và hiện, chưa có người đủ năng lực “chèo lái” JVC vượt qua khó khăn.
Trong khi, tân chủ tịch Lê Văn Giáp, người thân tín với ông Lê Văn Hướng chưa thể hiện được năng lực điều hành, khiến nhiều cổ đông nghi ngại. Do đó, tại cuộc họp này, một số cổ đông đã kiến nghị bầu thêm 2 thành viên HĐQT hoặc bầu lại toàn bộ HĐQT để đảm bảo minh bạch. Vì nhóm cổ đông DI Asian Industrial Fund sở hữu gần 30% cổ phần sẽ dễ dàng trúng cử.
Bà Hồ Bích Ngọc cho rằng, nhiệm kỳ của HĐQT là 2011 – 2016 nên đến năm 2016 mới tiến hành bầu lại. Việc bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT trong năm nay, nếu nhóm cổ đông nào sở hữu trên 5% vốn thì đều có thể đề cử đại diện.
Về đề xuất nới “room” ngoại lên 100% của một cổ đông, nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, đại diện JVC cho biết, ĐHCĐ thường niên năm 2014 đã thông qua việc để HĐQT chủ động thực hiện nới “room” ngoại khi có nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến JVC.
Liên quan đến việc Vietinbank yêu cầu JVC trả nợ trước hạn, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Hồ Bích Ngọc khẳng định, “công ty không có bất cứ vi phạm hay khởi kiện gì, chỉ do là khi có sự cố xả ra, tiền có sẵn trên tài khoản của ngân hàng nên họ cắt hết để phòng tình huống xấu nhất thôi” . Còn câu hỏi về việc JVC có mất khả năng thanh toán hay không và thay đổi mục đích sử dụng vốn phát hành 700 tỷ đồng, bà Ngọc bỏ ngỏ không trả lời.
Thu Hằng