Báo cáo tài chính quý IV/2021 của HAGL Agrico cho thấy, doanh thu sụt giảm phân nửa chỉ còn 307 tỷ và đang kinh doanh dưới giá vốn khi lỗ gộp hơn 467 tỷ. Trừ đi các chi phí khiến doanh nghiệp bị lỗ sau thuế gần 816 tỷ đồng.
Năm 2021, HAGL Agrico thông báo sản lượng chuối đạt 75.612 tấn. (Ảnh: Int) |
Lũy kế cả năm 2021, HAGL Agrico thông báo sản lượng trái cây thu hoạch là 85.803 tấn, thấp hơn 19.704 tấn so với kế hoạch (105.507 tấn). Riêng sản phẩm chuối đạt 75.612 tấn và dứa là 2.669 tấn. Khai thác mủ cao su đạt kế hoạch 6.556 tấn.
Theo đó doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần bị giảm phân nửa về mức 1.199 tỷ đồng. Chi phí hoạt động lớn khiến công ty lỗ ròng hơn 1.119 tỷ đồng.
Như vậy, trong 6 năm hoạt động gần nhất thì HAGL Agrico đã có 3 năm thua lỗ nghìn tỷ đồng (2016, 2019 và 2021) và chỉ có 2 năm có lãi (2017 và 2020).
Do các mức lỗ quá lớn kéo dài nhiều năm dẫn đến mức lỗ luỹ kế đã lên đến 3.426 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu rơi xuống dưới 6.000 tỷ đồng.
Theo lý giải của công ty, kết quả tiêu cực trên do nhiều nguyên nhân như tiến hành rà soát và ghi nhận hạch toán lại các chi phí đã phát sinh từ năm 2020 về trước nhưng chưa hạch toán..
Các khoản này bao gồm: Trích lập dự phòng khoản phải thu phát sinh từ năm 2018 là 52 tỷ, thực hiện thanh lý hàng tồn kho trái cây chế biến đã sản xuất năm 2019; đánh giá lại và ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đang ghi nhận hàng tồn kho trên BCTC tồn đọng giai đoạn 2018-2020 vào giá vốn bán hàng trong niên độ 2021 là 427 tỷ đồng và công ty thực hiện đánh giá lại chênh lệch tỷ giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và ghi nhận lỗ chênh lệch là 230 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí khấu hao vườn cao su lớn với 17.506 ha, trong đó diện tích vườn cao su chưa đủ điều kiện kỹ thuật khai thác là 10.175 ha và diện tích cao su đủ điều kiện kỹ thuật đang khai thác thu hoạch là 7.331 ha.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của Covid-19 đã làm giá mua phân bón tăng 160%, bao bì đóng gói tăng 25%, chi phí vận chuyển đường biển tăng 20% so với năm 2020. Đồng thời, Covid-19 cũng làm tăng chi phí nhân công, dẫn đến nguồn lao động người địa phương bị hạn chế. Tình trạng thiếu công nhân dẫn đến tỷ lệ hủy tại vườn và xưởng đóng gói lên đến 21%.
Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản doanh nghiệp giảm đáng kể hơn 10.000 tỷ về mức trên 14.000 tỷ đồng, chủ yếu do giảm mạnh có các khoản phải thu, hàng tồn kho và tài sản cố định.
Đối ứng ở nguồn vốn thì tổng nợ phải trả cũng giảm từ 15.990 tỷ xuống 8.018 tỷ đồng. Dư nợ vay hiện vào mức 5.864 tỷ đồng.
Được biết, năm 2022, HAGL Agrico dự kiến sản lượng đạt 177.000 tấn, tương đương doanh thu 2.400 tỷ đồng.
Theo đó, công ty sẽ tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi và điện, nhà máy đóng gói chuối và các khu nhà công nhân; đồng thời hoàn thiện sân bay Nong Khang để bàn giao cho Chính phủ Lào. Tổng mức đầu tư dự kiến 898 tỷ đồng.
Đặc biệt, công ty sẽ làm việc với HAGL và BIDV để giải quyết công nợ giữa các bên, qua đó nhận lại giấy chứng nhận quyền sở hữu đất tại Lào và Campuchia thuộc sở hữu đã thế chấp trước đó để đảm bảo cho khoản vay trị giá 4.780 tỷ đồng.
Ngoài ra, HAGL thông báo sẽ tiếp tục ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây từ năm 2020 trở về trước nhưng chưa hạch toán, ước tính lỗ riêng cho khoản này lên đến 2.400 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HNG đã có phiên hồi phục nhẹ sau chuỗi 3 phiên giảm giá liên tiếp. Chốt phiên ngày 25/2, cổ phiếu HNG giao dịch ở mức 9.120 đồng/cp (+0,6%).
C.Giang