Trong phiên giao dịch sáng ngày 14/2, cổ phiếu nhóm dầu khí đã trở thành tâm điểm của thị trường khi có phiên giao dịch đầy khởi sắc, trong khi đa số các nhóm cổ phiếu bị bán mạnh trên diện rộng, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Sắc tím trong thị trường “đỏ lửa”
Cụ thể, trước phiên giao dịch ngày 14/2, giới đầu tư tiếp tục đón nhận thông tin gây sốc về giá dầu trên thị trường thế giới. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 được giao dịch ở mức 93,87 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 3 được giao dịch ở mức tăng 0,59%, lên 95 USD/thùng.
Thậm chí, trong một dự báo mới được công bố, JPMorgan cảnh báo giá dầu có thể leo lên mức 150 USD/thùng. Điều này gần như sẽ "chặn đứng" đà tăng trưởng toàn cầu và khiến lạm phát tăng vọt lên hơn 7%, gấp hơn 3 lần so với mục tiêu của hầu hết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
Giá dầu tăng cao ủng hộ cho nhóm cổ phiếu dầu khí toả sáng. |
Thông tin giá dầu trên dường như đã “ủng hộ” cho nhóm cổ phiếu dầu khí trở thành “ngôi sao sáng” của thị trường. Nhờ đó, lệnh bán của nhóm ngành này nhanh chóng bị lực cầu mạnh mẽ từ bên mua “nhấn chìm” bất chấp thị trường “đỏ lửa”.
Mặc dù trong phiên chiều 14/2, một số cổ phiếu dầu khí cực mạnh buổi sáng cũng tụt giá dưới áp lực tâm lý chung như PVD (PV Drilling) chỉ tăng 0,49%; PLX (Petrolimex) tăng 1,35%, song “ông lớn” đại diện ngành dầu khí là GAS (Tổng công ty khí Việt Nam - CTCP) vẫn hùng dũng tiến lên tăng 4,5%, trở thành mã có tác động tốt nhất, đóng góp gần 2,5 điểm tăng cho thị trường.
Không chỉ vậy, GAS còn tiếp thêm sức mạnh cho hàng loạt mã dầu khí khác như PSH (CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu), PVG (CTCP Kinh doanh LPG Việt Nam), ASP (CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha), CNG (CTCP CNG Việt Nam),... thi nhau khoe “sắc tím”.
Thực tế, đà tăng của nhóm này chỉ mới xuất hiện trong 3 tháng gần đây. Trong năm 2021, khi thị trường chứng khoán nói chung khởi sắc với nhiều đợt sóng, dầu khí chưa từng được nhắc đến. Một phần vì thế giới vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nhu cầu với dầu thô chưa đột biến dẫn tới giá dầu ít được chú ý.
Theo một số chuyên gia phân tích, trong bối cảnh căng thẳng tại Ukraine, thị trường dầu chịu ảnh hưởng mạnh. Hiện tại, dầu đã tăng giá lên vùng cao nhất kể từ năm 2014 với kỳ vọng đà tăng sẽ còn tiếp diễn vì nguồn cung bị thắt chặt.
Bên cạnh đó, khả năng Nga bị áp dụng lệnh trừng phạt làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng của nguồn cung dầu thô. Trong ngắn hạn, giá dầu tăng có thể có tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu dầu khí.
Cơ hội đầu tư cả ngắn và dài hạn
Các tổ chức lớn trên thế giới đều có dự báo khá lạc quan về triển vọng của giá dầu năm 2022. Nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại là động lực chính khiến giá dầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao.
Theo OPEC, tổng số giàn khoan đang hoạt động trong năm 2021 đã vượt năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với năm 2019. Lý do là bởi các hoạt động đầu tư đã chuyển hướng sang nhiên liệu xanh. Vì vậy, tình trạng dư cung có thể không xảy ra trong ngắn hạn, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu.
Tuy nhiên, giá dầu luôn nhạy cảm với tin tức biến thể Covid-19 mới, do đó vẫn còn rủi ro từ đại dịch tới giá dầu. Yếu tố hỗ trợ giá dầu là nhu cầu tăng, đặc biệt từ ngành hàng không (từ việc các quốc gia phục hồi/mở cửa trở lại). Ngoài ra, bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bất ổn chính trị cũng đẩy giá dầu tăng trong ngắn hạn.
Tại Việt Nam, nếu giá dầu ổn định và duy trì trên 60-70 USD/thùng sẽ là điều kiện thuận lợi để các công ty trong nước khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới.
Cập nhật một số dự án lớn cho thấy, Dự án LNG Thị Vải – dự án LNG đầu tiên tại Việt Nam – đã hoàn thành trên 90% tiến độ xây dựng kho chứa LNG trong giai đoạn 1. Với Tổng công ty khí Việt Nam đóng vai trò là nhà đầu tư kho chứa và đường ống, Việt Nam có thể nhập khẩu LNG lần đầu tiên vào tháng 11/2022 để bù đắp cho sản lượng thiếu tại bể ngoài khơi Nam Côn Sơn. LNG sẽ là nguồn nguyên liệu chính cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 dự kiến bắt đầu từ năm 2023.
Hay như dự án Block B cho thấy, Chính phủ vẫn ưu tiên siêu dự án này. Một trong những động thái tích cực là tài trợ dự án Nhà máy điện Ô Môn III qua nguồn vốn ODA, theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP và Luật Đầu tư 2020. Quyết định tài trợ dự án nhà máy điện này có thể mở đường cho dự án Block B và Ô Môn nhận quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối năm 2022. Nếu như dự án sẽ khởi công trong 2022-2023 và cho dòng khí đầu tiên vào 2025, Tổng công ty khí Việt Nam, PV Drilling và Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) sẽ là những công ty hưởng lợi từ siêu dự án từ năm 2023.
Đánh giá về tác động của giá dầu đến lợi nhuận của các công ty dầu khí, một số chuyên gia phân tích cho rằng, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Tổng công ty Khí Việt Nam (tăng/giảm doanh thu và biên lợi nhuận, và nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá điện khí ở mức cao), cũng như Petrolimex và Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL) (tăng/giảm doanh thu và lãi/lỗ hàng tồn kho) và CTCP Lọc - Hoá dầu Bình Sơn (BSR) (tăng/giảm biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho). Trong khi đó, đối với các công ty dầu khí upstream (PV Drilling và Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam ), giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng của công ty trong ngắn hạn do các công ty này dựa vào các dự án mang tính chất dài hạn hơn.
Nhận định về giá cổ phiếu ngành dầu khí thời gian tới, SSI Research cho rằng, giá dầu và giá cổ phiếu ngành dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với nhau. Giá dầu tăng sẽ đem lại cơ hội đầu tư cả ngắn và dài hạn.
“Độ “nhạy” của giá cổ phiếu với giá dầu là rất cao. Với chiến lược đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu có mức độ tương quan lớn nhất với giá dầu như BSR, PVD, PVS và OIL”, SSI Research khuyến nghị.
Hải Giang