Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC), tháng 5/2024 ghi nhận 19 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị đạt 16.695 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 59.909 tỷ đồng. Trong đó có 6 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng (chiếm 14,8% tổng giá trị phát hành) và 58 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 51.031 tỷ đồng (chiếm 85,2%).
Các doanh nghiệp đã mua lại 9.178 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 5. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã mua lại trước hạn đạt 46.252 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 51% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 23.536 tỷ đồng).
42% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 69.627 tỷ đồng. |
Trong nửa cuối năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 163.860 tỷ đồng. Đáng chú ý, 42% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 69.627 tỷ đồng; tiếp đó là nhóm ngân hàng với gần 30.498 tỷ đồng (chiếm 19%).
Tại báo cáo về triển vọng ngành bất động sản nhà ở, CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) nhận định 130.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2024 là mức cao nhất trong 5 năm qua và sẽ gây rủi ro tái cấp vốn cho các chủ đầu tư. Đơn vị này dự báo các chủ đầu tư vướng vấn đề pháp lý và/hoặc thực hiện các dự án có tính đầu cơ sẽ gặp rủi ro chậm trả gốc, lãi trái phiếu và dòng tiền yếu.
Thực tế, số liệu 4 tháng đầu năm đã cho thấy, hơn một nửa lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi đến từ nhóm ngành bất động sản dân cư. Tỷ lệ chậm trả gốc lãi của nhóm này là 30%.
Cũng theo VIS Rating, trong 12 tháng tới, khoảng 19% lượng trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị là 221.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn. Ước tính 10% trong số này có rủi ro chậm trả lần đầu cao, tập trung chính ở nhóm ngành bất động sản dân cư.
Vừa qua, tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng về quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Xây dựng kịp thời rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án, nhất là với các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 để các doanh nghiệp hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp, qua đó góp phần ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm áp lực nợ trái phiếu năm nay và các năm tiếp theo.
Đỗ Kiều