Mới đây, PVC-MS đã công bố Báo cáo tài chính quý III/2018 với lợi nhuận tiếp tục thua lỗ thêm 36 tỷ đồng. Nếu tính từ cuối năm 2017, đây là quý thứ tư liên tiếp công ty báo lỗ.
Doanh thu thuần quý III đạt 71,3 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng mạnh đạt 86,4 tỷ đồng khiến PVC-MS lỗ gộp hơn 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 22 tỷ đồng.
Các khoản chi phí vẫn ở mức cao khiến PVC-MS lỗ ròng hơn 36 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1 tỷ đồng.
Lỗ hàng chục tỷ đồng
Theo PVC-MS, nguyên nhân thua lỗ là tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, phần lớn các dự án thực hiện của công ty đều được chuyển tiếp từ năm trước, các dự án mới giá trị không nhiều, đơn giá thấp.
Ngoài ra, các dự án lớn như Long Sơn, Sao Vàng Đại Nguyệt triển khai chậm nên sản lượng, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, lợi nhuận giảm mạnh. Mặt khác, tình hình tài chính gặp khó khăn trong công tác thu hồi công nợ lớn từ dự án DKI của Bộ Quốc phòng, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 dẫn đến việc chi phí từ hoạt động tài chính tăng.
Lũy kế 9 tháng năm 2018, PVC-MS đạt 132,3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 82,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận con số âm gần 83 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 34,7 tỷ đồng.
Trong phần thuyết minh của Báo cáo tài chính, PVC-MS nhìn nhận ngành nghề hoạt động của công ty đang chứa đựng các rủi ro về sự biến động giá thị trường của các loại nguyên vật liệu dùng cho thi công. Những thay đổi về giá nguyên vật liệu thi công có thể ảnh hưởng lớn đến những lợi ích và nghĩa vụ kinh tế của công ty.
Sự thay đổi của thị trường cũng như các chính sách quản lý vĩ mô là rất khó dự đoán, vì vậy ban giám đốc không thể lượng hóa được sự ảnh hưởng của vấn đề này đối với các công trình đang thi công của công ty. Kết quả cuối cùng sẽ chỉ được xác định khi hoàn thành thi công và nghiệm thu bàn giao cho các chủ đầu tư.
Tính tới ngày 30/9/2018, tổng tài sản của PVC-MS đạt 1.543 tỷ đồng, giảm 12,3% so với đầu năm; trong đó, nợ phải trả gần 881,5 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản, nợ ngắn hạn 838 tỷ đồng, vượt tài sản ngắn hạn (794 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu (hơn 661,8 tỷ đồng).
Đáng chú ý, mặc dù thua lỗ hàng chục tỷ đồng nhưng PVC-MS vẫn có gần 22 tỷ đồng gửi ngân hàng, giảm hơn một nửa so với đầu năm; các khoản tương đương tiền là 182,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với đầu năm chỉ có 1,6 tỷ đồng.
Tại thuyết minh Báo cáo tài chính, PVC-MS cho biết, các khoản tương đương tiền phản ánh các khoản tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng.
Thời gian gần đây, giá dầu tăng mạnh tạo tiền đề nhóm cổ phiếu họ “P” bứt phá không ngừng, với tỷ lệ trung bình hơn 50% kể từ trung tuần tháng 7. Chưa dừng lại, nhiều dự báo còn khẳng định giá dầu sẽ tiếp tục tăng thời gian tới, hỗ trợ cho tình hình kinh doanh cũng như giao dịch cổ phiếu của nhiều đơn vị trong ngành.
Tuy nhiên, vẫn có những cổ phiếu của các doanh nghiệp họ “P” lầm lũi ngược dòng, trước diễn biến tăng của cổ phiếu toàn ngành.
Thực tế, sắc màu u ám của kết quả kinh doanh càng được khắc họa rõ nét khi cổ phiếu PXS thời gian qua liên tiếp giảm, thậm chí có thời điểm phá đáy nhiều năm.
Diễn biến giao dịch cổ phiếu PXS gần đây |
Cổ phiếu “chênh vênh”
Sau thời gian “lẹt đẹt” tại mức giá dưới mệnh giá, cổ phiếu PXS đã có bước tăng trưởng đột biến ghi nhận mức đỉnh 11.500 đồng/cp hồi đầu năm 2018 trước diễn biến khả quan chung của toàn thị trường.
Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh “u ám”, cổ phiếu PXS đã quay đầu giảm giá về điểm xuất phát quanh vùng giá 7.000 – 8.000 đồng/ cp và duy trì đến hết quý I/2018.
Từ kinh doanh sụt giảm sang thua lỗ, cổ phiếu PXS tiếp tục quay đầu giảm về mức “rau dưa” 5.000 – 6.000 đồng/ cp; trong tháng 7/2018, PXS thậm chí đã giảm về mức giá 4.500 đồng/cp, phá đáy một năm, giảm gần 61% so với mức đỉnh, trước khi hồi phục về mức 5.800 đồng/cp như hiện tại.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/10, ngay sau khi kết quả kinh doanh quý III/2018 được công bố, PXS đã có một phiên giảm sàn từ mức giá 5.750 đồng/cp xuống còn 5.360 đồng/cp.
Chỉ còn một quý kinh doanh nữa là năm 2018 sẽ kết thúc, với khoản lỗ lên tới gần 83 tỷ đồng, việc PVC-MS có thể báo cáo một năm kinh doanh “hòa vốn” cũng là điều không thể, chưa nói đến việc báo lãi.
Trước đó, trong một báo cáo, công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra nhận định, PVC-MS có thể lỗ trong năm 2018 với mức sụt giảm doanh thu đạt 22%, nhưng từ năm 2019, công suất hoạt động của công ty sẽ được lấp đầy.
Các hợp đồng mới từ các dự án Nhà máy lọc dầu Long Sơn, Sao Vàng Đại Nguyệt, Điện Gió tại Việt Nam và Đài Loan, cũng như các dự án ngoài khơi lớn như Khối B và Sư Tử Trắng giai đoạn 2 sẽ giúp cải thiện doanh thu và lợi nhuận gộp của PVC-MS.
Tuy nhiên, điều có thể dễ dàng nhận thấy ở PVC-MS là doanh thu và lợi nhuận phụ thuộc lớn vào các dự án công trình của công ty mẹ là Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PVC), dự án của công ty mẹ gặp khó khăn sẽ kéo theo sự khó khăn của công ty con.
Thực tế, kết quả kinh doanh của công ty mẹ PVC cũng không mấy khả quan khi trong nửa đầu năm 2018, PVC ghi nhận con số lỗ 6,6 tỷ đồng.
Thông thường, khi cổ phiếu đang ở vùng giá đáy, giới đầu tư cho rằng đây sẽ là thời điểm thích hợp để giải ngân, nhưng điều đó chỉ đúng với những doanh nghiệp đầu ngành, có triển vọng.
Trong bối cảnh diễn biến thị trường chứng khoán đang có nhiều biến động như hiện nay, các cổ phiếu không có “câu chuyện riêng” khó có thể tăng điểm.
Linh Đan