PYN Elite Fund vừa công bố báo cáo kết quả hoạt động đầu tư tháng 7/2022 với giá trị tài sản ròng (NAV) nhích nhẹ 0,85% so với tháng 6 trước đó. Như vậy, sau 5 tháng lỗ liên tiếp, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan này đã ghi nhận hiệu suất dương nhờ vào sự tăng trưởng của 3 cổ phiếu ACV, MBB (MB) và CTG (VietinBank). Trong đó, xét theo giá điều chỉnh, cổ phiếu ACV là mã tăng trưởng cao nhất (+8%).
Giới phân tích cho rằng, sau giai đoạn trầm lắng vì hoạt động kinh doanh đình đình trệ do dịch Covid, cổ phiếu hàng không nói chung, cổ phiếu ACV đang có dấu hiệu bứt tốc trở lại nhờ những thông tin tích cực sau "mở cửa bầu trời”. Không chỉ vậy, với mức lãi đột biến trong quý II/2022 được cho là “chất xúc tác” thúc đẩy đà tăng cho cổ phiếu của “đại gia” sân bay.
Mức lãi đột biến trong quý II/2022 được cho là “chất xúc tác” thúc đẩy đà tăng cho cổ phiếu ACV (Ảnh: Int) |
Báo cáo tài chính mới đây cho thấy, trong quý II/2022, doanh thu thuần của ACV đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Lãi gộp cũng tăng lên 1.622 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp cũng trở về mức bình thường 47%.
Không chỉ vậy, nhờ chênh lệch tỷ giá (đồng Yên Nhật bị mất giá), doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng gấp đôi lên 1.900 tỷ đồng, Ngoài ra, doanh nghiệp còn lãi 76 tỷ đồng từ các công ty liên doanh liên kết, tăng 445% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với việc tích cực cắt giảm chi phí, lãi ròng sau thuế trong quý II của doanh nghiệp tăng lên gần 2.600 tỷ đồng, cao gấp 8 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là quý lãi kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán (2016), đồng thời cao hơn cả hai năm dịch COVID-19 (2020 và 2021) cộng lại.
Lũy kế bán niên, “đại gia” sân bay đã thu được 5.500 tỷ đồng và lãi ròng sau thuế 3.500 tỷ đồng, tương đương tăng lần lượt 62% và 190% so với 6 tháng đầu năm 2021, vượt xa kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của ACV ở mức 55.900 tỷ đồng, tăng khoảng 900 tỷ (~2%) so với đầu năm. Tương tự, vốn chủ yếu sở hữu cũng tăng 8% lên 40.600 tỷ đồng. Theo đó, các khoản nợ phải trả cũng giảm hơn 12% xuống còn khoảng 15.200 tỷ đồng.
Giải trình với các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, ông Vũ Thế Phiệt , Tổng giám đốc ACV cho rằng, thị trường hàng không, đặc biệt trong nước, được hồi phục. Bên cạnh đó, dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát và người dân không còn thực hiện hạn chế đi lại, giãn cách xã hội như trước. Đồng thời, các chuyến bay quốc tế cũng dần được kết nối trở lại đã giúp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội.
Mặc dù kết quả kinh doanh đã thoát khỏi nỗi “ám ảnh” thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhưng áp lực vẫn đè lên ACV khi bị gánh khoản nợ xấu hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm, chủ yếu từ các hãng hàng không lớn.
Cụ thể, ACV đang phải chịu khoản nợ xấu lớn nhất từ Bamboo Airways với giá trị hơn 653 tỷ đồng, Vietjet (hơn 635 tỷ đồng), Pacific Airlines (hơn 379 tỷ đồng), Vietnam Airlines (hơn 300 tỷ đồng), Air Mekong (~ 26 tỷ đồng) và các khách hàng khác.
Theo ACV, 2.000 tỷ đồng nợ xấu là các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi.
Thực tế, mặc dù “bầu trời” đã rộng mở, thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng nhưng không phải doanh nghiệp hàng không nào cũng báo lãi.
Điển hình như quý II, công ty mẹ của Vietnam Airlines (VNA) báo lỗ 2.243 tỷ đồng. Mức lỗ hợp nhất ở mức 2.568 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty mẹ Vietnam Airlines lỗ 4.685 tỷ đồng, lỗ hợp nhất là 5.254 tỷ đồng. Tính đến 30/6, hãng hàng không quốc gia này lỗ luỹ kế khoảng 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 4.914 tỷ đồng, tăng 2.700 tỷ so với thời điểm kết thúc 3 tháng đầu năm.
Một số ý kiến cho rằng, so với cùng kỳ, Vietnam Airlines đã giảm lỗ gần một nửa nhưng do giá nhiên liệu vẫn cao, thị trường hàng không quốc tế ảm đạm nên dự báo Vietnam Airlines sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Vietnam Airlines cũng cho biết một thông tin, tính đến tháng 6/2022, tình hình tài chính của Pacific Airlines – doanh nghiệp Vietnam Airlines sở hữu tỷ lệ 68,85% (tính đến ngày 31/12/2021) đang rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn, đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động. Điều này mang tới khả năng ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty mẹ Vietnam Airlines.
Tương tự, do đẩy mạnh mảng non-airlines, CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) báo cáo doanh thu quý II tăng lên gần 85 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Nhưng do các chi phí như bán hàng, quản lý, lãi vay vẫn ở mức cao khiến doanh nghiệp này vẫn lỗ 6 tỷ đồng, ghi nhận quý lỗ thứ 9 liên tiếp từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020.
Luỹ kế bán niên, doanh nghiệp chuyên cung cấp suất ăn hàng không lỗ 43,6 tỷ đồng. Tính đến 30/6, NCS ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 115 tỷ đồng.
Nhận định về lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng không 6 tháng cuối năm, SSI Research cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận chưa thể mạnh do khách quốc tế là nguồn lợi nhuận chính của tất cả các công ty trong ngành (sân bay, dịch vụ hàng không, hãng hàng không).
Bên cạnh đó, triển vọng giá dầu tăng trong năm nay có thể làm giảm biên lợi nhuận các hãng hàng không, đặc biệt trong mùa thấp điểm. Đặc biệt, cơ cấu vốn với nợ vay/chi phí thuê cao cũng là vấn đề lớn cần giải quyết để ngành phục hồi bền vững hơn.
Như vậy, mặc dù đại diện ACV cho biết đã dành hơn 576 tỷ đồng vào cuối quý II vừa qua để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu nêu trên, tương đương tăng 16% so với đầu năm, song nhìn chung lợi nhuận 6 tháng cuối năm của các doanh nghiệp hàng không dự báo khó khăn vẫn sẽ kéo dài. Do đó, những khoản nợ xấu của ACV khả năng vẫn khó có thể thu hồi, rất có thể sẽ gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của “đại gia” sân bay trong thời gian tới.
Hải Giang