Trong nửa cuối tháng 4, nhiều ngân hàng như Vietcombank, MB, VIB, SHB… đều trình ĐHCĐ thường niên xem xét thông qua kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Mục đích tăng vốn nhằm giúp ngân hàng cải thiện “sức khoẻ” tài chính, đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn Basel II ngày càng khắt khe.
Lo chỉ số CAR quá yếu
Ngày 21/4, ĐHCĐ của Ngân hàng Sài Gòn- Hà Nội (SHB) đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 11.197 tỷ đồng vì mức vốn hiện tại khá “khiêm tốn”, chỉ 9.485,9 tỷ đồng.
Cụ thể, SHB sẽ tăng vốn từ việc chia cổ tức năm 2015 là 7,5% bằng cổ phiếu (tương ứng giá trị 711 tỷ đồng) và sáp nhập công ty Tài chính Vinaconex Viettel (vốn 1.000 tỷ đồng).
Chia sẻ với cổ đông, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch SHB nhấn mạnh: “Nhiều cổ đông thích nhận tiền mặt nhưng nên nhìn dài hạn hơn, ngân hàng cần tăng vốn, tăng năng lực cạnh tranh để có nền tảng phát triển bền vững”. Hiện, hệ số an toàn vốn CAR của SHB ở mức 11,4% cao hơn mức quy định 9% tại Thông tư 36 và các chỉ số khác vẫn được đảm bảo…
Tương tự, trước đó, ngày 15/4, cổ đông của Vietcombank cũng chấp thuận kế hoạch tăng vốn từ mức 26.650 tỷ đồng hiện tại lên gần 39.575 tỷ đồng ngay trong năm 2016.
Vietcombank sẽ phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% dành cho các cổ đông hiện hữu, sau đó, phát hành 10% cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Nguồn vốn tăng thêm sẽ được dùng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chi nhánh, hạ tầng công nghệ, góp vốn vào dự án cũng như mở rộng hoạt động tín dụng, phục vụ kế hoạch M&A…
Đợt phát hành này cũng là cơ hội nới “room” sở hữu nước ngoài tại Vietcombank lên 30%, trong khi sở hữu nhà nước sẽ giảm từ 77,14% xuống mức 70%. Dự kiến, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ cho tối đa 10 NĐT tổ chức nước ngoài, gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu…
Cho rằng tăng vốn là xu hướng tất yếu, ông Nghiêm Xuân Thành- Chủ tịch Vietcombank – còn chỉ rõ: Hiện ngân hàng đang thí điểm áp dụng chuẩn Basel II khiến hệ số an toàn vốn (CAR) có nguy cơ bị giảm mạnh. Hiện, CAR của Vietcombank ở đúng mức 9% theo quy định và nếu không tăng vốn thì tỷ lệ này sẽ giảm rất nhanh.
Với nguồn thặng dư vốn hơn 9.000 tỷ đồng, Vietcombank cũng dư dả để thực hiện phát hành cổ phiếu và lựa chọn thêm đối tác nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, có hỗ trợ hiệu quả…
Cùng chung bài toán an toàn vốn, ngân hàng Quốc tế VIB hiện nằm trong nhóm nhà băng có hệ số CAR ở mức cao đạt 17-18% và đang thí điểm chuẩn Basel II với hệ số CAR đạt mức 13%. Dù vậy, VIB vẫn sẽ trình ĐHCĐ năm nay cho tăng vốn từ 4.850 tỷ đồng lên mức 5.644 tỷ đồng (tức tăng thêm 794 tỷ đồng).
VIB tiếp tục chính sách chia cổ tức tiền mặt là 8,5% và chia cổ phiếu thưởng là 16,5% để tăng vốn. Trước đó, VIB cũng đã chia cổ phiếu thưởng với giá trị 600 tỷ đồng để tăng vốn trong năm 2015.
![]() |
Nhiệm vụ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu vẫn cần được ưu tiên, tập trung nguồn lực và nâng cao năng lực tài chính
Dùng vốn đúng mục đích?
Với việc tăng vốn điều lệ, các ngân hàng đang cho thấy nỗ lực chủ động cải thiện các chỉ số an toàn vốn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và kiểm soát rủi ro hiệu quả hơn. Trên thực tế, nhu cầu tăng vốn điều lệ càng cấp thiết hơn ở những ngân hàng đang cần mở rộng hoạt động kinh doanh.
Đơn cử: ngân hàng Quân Đội sẽ trình ĐHCĐ thường niên năm 2016 (ngày 29/4 tới) phương án chia cổ tức đợt hai của năm 2015 với tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu, tương ứng gần 81,56 triệu cổ phần (giá trị 815,6 tỷ đồng). Trước đó, MB đã trả cổ tức đợt một bằng tiền mặt là 5%.
Cùng với việc hoàn thành hoán đổi 31,18 triệu cổ phần công ty Tài chính Sông Đà (nhận sáp nhận) vào ngày 5/4 vừa qua, vốn điều lệ của MB sắp tới sẽ tăng lên mức 17.127,4 tỷ đồng.
Số tiền tăng vốn hơn 1.127 tỷ đồng được MB phân bổ như sau: Đầu tư xây dựng trụ sở, chi nhánh (947,5 tỷ đồng), còn lại bổ sung vốn khác gần 180 tỷ đồng.
Khi ngân hàng minh bạch tài chính, sử dụng vốn hiệu quả, các cổ đông cũng thông cảm và chấp nhận cho ngân hàng “mượn” vốn kinh doanh trước mắt. Tuy nhiên, cổ đông khó chấp nhận những ngân hàng có lịch sử chây ỳ khất nợ cổ tức do làm ăn kém hiệu quả, hoặc ngân hàng có lãi nhưng chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu suốt 3-5 năm liền.
Đáng nói, một số cổ đông bày tỏ bức xúc về việc ngân hàng chỉ xin ý kiến ĐHCĐ chấp thuận tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu mà không công bố phương án sử dụng vốn cụ thể. Điều này càng khiến cổ đông lo ngại tiền của mình không được sử dụng đúng mục đích, thậm chí, nghi ngờ ngân hàng báo lợi nhuận “ảo”, không có lãi thực để trả cổ tức.
Các lãnh đạo ngân hàng chia sẻ rằng dù lợi nhuận cải thiện tích cực hơn song nhiệm vụ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu vẫn cần được ưu tiên, tập trung nguồn lực và nâng cao năng lực tài chính. Ngân hàng cố gắng đảm bảo quyền lợi của cổ đông khi vẫn trích lợi nhuận chia cổ tức, dù tỷ lệ thấp, trong khi còn một số nhiều ngân hàng nợ xấu lớn, thua lỗ, cắt cổ tức triền miên…
Phương Nga