Còn nhớ, tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên hồi đầu năm 2020, thị giá nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá thấp, đã có rất nhiều doanh nghiệp chi hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ. Động thái này được coi là một “đơn thuốc” khẩn cấp để cứu giá cổ phiếu, đồng thời tăng “kháng thể” cho doanh nghiệp nhằm phòng ngừa nguy cơ bị thâu tóm.
Do vậy, khi thị trường chứng khoán khởi sắc là thời điểm để các doanh nghiệp đã mua vào cổ phiếu quỹ từ năm 2020 thực hiện việc chốt lời, qua đó tăng vốn cho hoạt động kinh doanh.
Dồn dập bán cổ phiếu quỹ
Hồi đầu tháng 3 vừa qua, Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã: GEX) đã công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc thông qua kế hoạch bán cổ phiếu quỹ.
Theo đó, Gelex thông qua kế hoạch bán ra toàn bộ gần 6,3 triệu cổ phiếu quỹ đang sở hữu với mục đích để bổ sung vốn kinh doanh. Doanh nghiệp dự kiến sẽ hoàn thành bán cổ phiếu quỹ trong quý II/2021.
Cổ phiếu quỹ đã không còn là "của để dành" của doanh nghiệp. |
Trước đó, trong giai đoạn từ 23/4 đến ngày 22/5/2020, Gelex đã mua được gần 18,3 triệu cổ phiếu quỹ trên tổng số 29 triệu cổ phiếu đăng ký mua vào, với giá mua bình quân 16.414 đồng/cp.
Đến cuối năm 2020, Gelex đưa 12 triệu cổ phiếu quỹ ra bán cho người lao động nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, quyền lợi và khích lệ tinh thần làm việc của người lao động với giá bán 12.000 đồng/cp.
Tạm tính tại mức giá đóng cửa ngày 19/3 của cổ phiếu GEX là 23.700 đồng thì mỗi cổ phiếu quỹ mà Gelex nắm giữ có lãi 44,4%.
Tương tự, CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) cũng mới công bố thông tin về việc đưa 10 triệu cổ phiếu quỹ ra bán để tài trợ vốn lưu động và mở rộng quỹ đất. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ 9/3/2021 đến 7/4/2021. Đây là toàn bộ số cổ phiếu quỹ hiện Nam Long đang sở hữu.
Được biết đây là số cổ phiếu quỹ Nam Long mua vào giai đoạn tháng 4/2020 khi giá cổ phiếu giảm sâu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Hiện tại trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NLG đang tăng mạnh, giao dịch quanh mức 36.900 đồng/cp. Tạm tính với mức giá này, nếu giao dịch thành công Nam Long có thể thu về hơn 369 tỷ đồng từ số cổ phiếu quỹ nói trên.
Trước đó, CTCP Chứng khoán VNDirect (mã: VND) đã thực hiện kế hoạch bán 6 triệu cổ phiếu trong số 11,9 triệu cổ phiếu đang nắm giữ trong khoảng thời gian từ 22/2-22/3/2021.
Trong đợt mua lại gần nhất, từ ngày 14/11 đến 12/12/2020, VnDirect chỉ mua được hơn 7,9 triệu cổ phiếu trên tổng số 10 triệu cổ phiếu đăng ký, với giá mua vào bình quân 19.186 đồng/cp.
Với giá giao dịch những phiên gần đây đạt quanh ngưỡng 29.000 đồng/cp, tạm tính với thị giá này, nếu bán hết 6 triệu cổ phiếu quỹ, VNDirect sẽ thu về khoảng 174 tỷ đồng.
Thực tế, từ cuối năm trước, việc thị trường chứng khoán sôi động, cổ phiếu tăng giá mạnh nhiều doanh nghiệp như DIC Corp, Haxaco, Vinamilk, GTN Foods, Fecon… đã bán hết cổ phiếu quỹ và ghi nhận lợi nhuận lớn.
Bán xong khó mua
Có rất nhiều lý do để một doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ như họ dư thừa tiền mà không có những dự án tốt để đầu tư hay đơn giản chỉ là do nhận thấy giá cổ phiếu trên thị trường đang bị định giá thấp hơn so với giá trị nội tại, nên công ty quyết định mua lại cổ phiếu.
Mua lại cổ phiếu quỹ không chỉ để đầu tư kinh doanh, mà doanh nghiệp có thể dùng nó để thưởng cho các cán bộ nhân viên. Không chỉ thế, mua lại cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu thấp còn là một hình thức đầu tư được nhiều công ty sử dụng.
Ngoài ra, trong ngắn hạn, việc mua lại cổ phiếu quỹ có thể tác động tích cực đến giá cổ phiếu, làm cơ cấu cổ đông cô đặc hơn, qua đó làm giảm khả năng pha loãng thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) và có thể hưởng lợi từ thuế so với các hình thức phân phối lợi nhuận khác.
Có thể hiểu một cách ngắn gọn cổ phiếu quỹ được xem là “của để dành” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của trước đây, còn đối với hiện tại việc các công ty bán cổ phiếu vào thời điểm này cũng đi cùng với việc nếu họ muốn mua lại sẽ không còn dễ dàng như trước nữa.
Doanh nghiệp muốn mua cổ phiếu quỹ sẽ phải thực hiện theo Luật Chứng khoán mới, tức sẽ phải đăng ký giảm vốn điều lệ. Trường hợp này về bản chất, tương tự việc doanh nghiệp tự nguyện thu hẹp quy mô vốn của mình.
Trong khi trước đây, doanh nghiệp muốn mua lại cổ phiếu của chính mình chỉ cần công khai thông tin mục đích mua, số lượng cổ phiếu được mua, nguồn vốn mua và thời gian thực hiện.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 có quy định xử lý riêng số cổ phiếu quỹ doanh nghiệp đã mua trước ngày 1/1/2020, theo đó, các doanh nghiệp có thể giữ lại số cổ phiếu quỹ này mà không phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ ngay sau thời điểm 1/1/2020 và có thể bán ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ không được mua cổ phiếu quỹ mới cho đến khi xử lý xong số cổ phiếu quỹ đã mua.
Những quy định mới này có thể khiến doanh nghiệp cân nhắc kỹ trong việc mua cổ phiếu quỹ như một công cụ để bình ổn giá cổ phiếu hoặc để đầu tư “lướt sóng” như trước đây.
Minh Khuê