Theo dữ liệu từ tradingeconomics.com, giá thép thanh vằn tại thị trường Trung Quốc tiếp tục đà tăng lên trên 4.200 CNY/tấn, cao hơn 22% so với đáy hồi cuối tháng 10/2022. Giá HRC còn tăng mạnh hơn với 41% kể từ đáy hồi trung tuần tháng 12, lên trên 930 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất của cả 2 mặt hàng này trong gần 8 tháng kể từ đầu tháng 7 năm ngoái. Yếu tố thúc đẩy đà tăng của mặt hàng này đến từ nhu cầu mạnh mẽ của nước tiêu thụ thép hàng đầu là Trung Quốc.
Doanh nghiệp báo lỗ kỷ lục
Trong nước, thống kê cho thấy, xuất khẩu thép từ nửa đầu tháng 2 năm nay đã tăng vọt gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu cũng đã tăng mạnh hơn 63,5%.
Có thể thấy, đó là những tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp thép. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, trái với kỳ vọng, đà tăng của nhóm cổ phiếu thép lại chững rõ rệt trong thời gian gần đây.
Cổ phiếu thép đang có diễn biến đi ngược với các thông tin tiêu cực và tích cực. |
Trước đó, theo quan sát từ ngày 15/11/2022 đến ngày 3/2/2023, chỉ số VN-Index đã tăng 18,1% lên 1.077,15 điểm. Theo đó, nhóm cổ phiếu thép trên thị trường cũng sớm tạo đáy từ giữa tháng 11 và hồi phục mạnh mẽ. Sau khoảng hơn 2 tháng, phần lớn cổ phiếu nhóm thép đều đã tăng hàng chục %.
Cụ thể, cổ phiếu HSG (Tập đoàn Hoa Sen) đã tăng 100% từ 7.350 đồng/cp lên 14.700 đồng/cp; cổ phiếu NKG (Thép Nam Kim) tăng 90,5% từ 7.400 đồng/cp lên 14.100 đồng/cp; cổ phiếu TLH (Thép Tiến Lên) tăng 61,6% từ 4.220 đồng/cp lên 6.820 đồng/cp; cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát) tăng 41,3% từ 12.500 đồng/cp lên 21.300 đồng/cp.
Đáng chú ý, trong khi cổ phiếu ghi nhận đà hồi phục rõ rệt thì cũng là thời điểm hàng loạt doanh nghiệp thép báo cáo lỗ kỷ lục trong quý IV/2022, sau khi ghi nhận mức lỗ hàng trăm tỷ đồng trong quý trước đó.
Đơn cử, trong quý IV/2022, “anh cả” ngành thép Hòa Phát đạt doanh thu 26.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế âm gần 2.000 tỷ đồng, tiếp tục tăng so với quý III.
Một doanh nghiệp lớn tương tự là Hoa Sen cũng báo cáo quý I niên độ tài chính 2022-2023 (1/10/2022-31/12/2022) lỗ 680,2 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 638,3 tỷ đồng, tức giảm 1.318,5 tỷ đồng và luỹ kế 2 quý liên tiếp lỗ 1.567,18 tỷ đồng.
Tại Thép Nam Kim, công ty kinh doanh dưới giá vốn trong quý IV/2022 khi ghi nhận lỗ 356,35 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 452,35 tỷ đồng, luỹ kế cả năm xoá bỏ toàn bộ lợi nhuận kiếm được trong 9 tháng đầu năm 2022 và ghi nhận lỗ 66,71 tỷ đồng trong năm tài chính.
Trong khi đó, Thép Tiến Lên ghi nhận lỗ 114,24 tỷ đồng trong quý IV/2022. Luỹ kế cả năm chỉ còn lãi 7,54 tỷ đồng, giảm 98,3% và hoàn thành được 2,5% kế hoạch lãi 300 tỷ đồng trong năm tài chính.
Khả năng hồi phục mong manh
Nhìn vào đà chững lại của cổ phiếu thép trong thời gian gần đây khi xuất hiện những tín hiệu đáng mừng về giá thép, giới phân tích cho rằng, sau giai đoạn tăng mạnh, áp lực chốt lời đã phần nào kìm chân nhóm cổ phiếu này.
Bên cạnh đó, định giá không còn quá hấp dẫn như giai đoạn xuống đáy trước đó cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến khả năng hút tiền của nhóm thép. Điển hình như cổ phiếu HPG, P/B đã tăng từ mức thấp kỷ lục dưới 1 lên 1,3 lần, khiến một trong những động lực đẩy cổ phiếu này hồi nhanh tại vùng đáy là khối ngoại đã mua ròng chậm lại.
Chưa kể, mức độ hưởng lợi từ xu hướng tăng của giá thép đối với các doanh nghiệp thép cũng cần phải đánh giá lại bởi lượng tồn kho thấp vào cuối năm ngoái.
Mặt khác, giá các loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt, than cốc cũng đều tăng mạnh thời gian qua. Điều này được đánh giá sẽ ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép.
Theo Chứng khoán KB (KBSV), từ đầu năm đến nay, giá bán thép tăng 6% nhưng không giúp Hòa Phát cải thiện biên lãi gộp, thậm chí còn suy giảm. Đồng thời dự phóng sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát trong quý I/2023 sẽ đạt 1,45 triệu tấn, giảm 42% so với cùng kỳ. Doanh thu dự phóng giảm 44% so với cùng kỳ, còn 24.588 tỷ đồng. Biên lợi nhuận thấp, đạt 3% so với 23% cùng kỳ năm trước.
“Hòa Phát chưa thể thoát cảnh thua lỗ với lợi nhuận sau thuế dự phóng âm 130 tỷ đồng, giảm 102% so với cùng kỳ”, KBSV dự báo.
Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, các nhà máy thép dùng lò hồ quang điện tại Việt Nam sẽ gặp khó do lạm phát chi phí đẩy nếu giá bán thép không sớm điều chỉnh tăng.
Đáng chú ý, công ty chứng khoán này còn cho biết, Hoa Sen đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi gặp khó gấp đôi so với các doanh nghiệp cùng ngành do hoạt động ở cả hai phân khúc sản xuất và bán lẻ.
Thực tế, trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, Hoa Sen cũng thừa nhận, xuất khẩu thép vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn khi ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các động thái thắt chặt tiền tệ, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành.
Không chỉ vậy, sau khi ghi nhận lỗ 2 quý liên tiếp, Hoa Sen đã đặt kế hoạch mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 100 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2022-2023, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép vẫn khó dự báo bởi biến động giá nguyên liệu. Lợi nhuận các doanh nghiệp này sẽ khá thất thường và có thể phân hóa mạnh, phụ thuộc vào độ linh động trong chính sách tồn kho của từng doanh nghiệp.
Ngoài ra, thị trường bất động sản được dự báo sẽ còn trầm lắng và tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn là dấu hỏi lớn có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép xây dựng trong nước. Trong khi đó, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với khối lượng xuất khẩu có thể không đáng kể do giá thép trung bình của Việt Nam vẫn cao hơn so với giá thép Trung Quốc.
“Dự báo lợi nhuận sẽ trở nên khó khăn hơn cho các nhà đầu tư quan tâm đến cố phiếu thép”, VDSC lưu ý.
Hải Giang