Đây cũng là phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này kể từ khi chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 240.000 đồng/cp, tương ứng mức định giá chưa đến 350 triệu USD trong trạng thái “nằm im bất động” trong vòng 1 tháng cho đến khi bắt đầu có giao dịch khớp lệnh vào đầu tháng 2 này.
Cổ phiếu VNZ tăng kịch trần 4 phiên liên tiếp với thanh khoản vẫn đều chằn chặn chỉ 100 đơn vị. (Ảnh: Int) |
Như vậy, chỉ sau 4 phiên giao dịch, thị giá cổ phiếu VNZ đã tăng hơn gấp đôi, trở thành cái tên đầu tiên trên sàn chứng khoán có thị giá vượt nửa triệu đồng và cũng là cổ phiếu “đắt đỏ” nhất trên sàn hiện nay, “thế chân” VCF của Vinacafe Biên Hoà.
Theo đó, giá trị vốn hóa thị trường của VNG cũng tăng thêm 9.700 tỷ, lên mức 18.300 tỷ đồng (~780 triệu USD). Nếu so với 2 doanh nghiệp công nghệ lớn trên sàn chứng khoán thì con số này chỉ bằng 1/5 vốn hóa của Tập đoàn FPT (FPT), nhưng gấp 3 lần giá trị của CMC Group (CMG).
Và với hơn 3,5 triệu cổ phiếu VNZ đang nắm giữ (tỷ lệ 9,837% vốn), khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Lê Hồng Minh - CEO VNG cũng tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng từ đầu tháng 2, vượt mức 1.800 tỷ đồng.
Được biết, Công ty cổ phần VNG (trước đây là Vinagame) thành lập từ năm 2004. Hiện, VNG là công ty Internet và công nghệ hàng đầu Việt Nam, chuyên phát hành trò chơi trực tuyến; cung cấp các sản phẩm công nghệ như dịch vụ đám mây, cổng thanh toán điện tử (ZaloPay) hay nền tảng di động Zalo...
Dù cổ phiếu đang trong đà tăng “nóng” nhưng nhìn về kết quả kinh doanh của “kỳ lân” công nghệ này lại không được sáng cho lắm.
Năm 2022, VNG lỗ ròng tới 1.315 tỷ đồng, trong đó lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 858 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của VNG.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VNG đạt mức 9.092 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn tăng gấp 2,2 lần lên 4.313 tỷ đồng, chủ yếu do tăng gần 910 tỷ chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án VNG Data Center -trung tâm dữ liệu mới với quy mô tủ rack lớn nhất Việt Nam vừa được VNG khai trương giữa tháng 12/2022.
Năm 2022, VNG rót thêm hơn 1.000 tỷ vào các startup, nhưng trong danh mục, chỉ có khoản đầu tư vào Dayone là ghi nhận lãi trong năm. Tính đến 31/12/2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào Tiki đã bị “ăn mòn” toàn bộ, bởi khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư (510 tỷ đồng). Các khoản đầu tư khác vào Telio, Funding Asia, và Ecotruck cũng đều lỗ.
Ngoài ra, VNG còn ghi nhận khoản lỗ của cổ đông không kiểm soát 457 tỷ đồng nhiều khả năng đến từ khoản đầu tư vào CTCP Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay. Thời điểm 31/12, khoản đầu tư vào Zion ghi nhận hơn 2.963 tỷ đồng, tăng 1.082 tỷ đồng sau một năm. Hiện tại, VNG đang nắm giữ 69,98% cổ phần của Zion.
Châu Anh