Trong quý III/2023, Dabaco ghi nhận doanh thu đạt 2.709,25 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 12,46 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ.
Kinh doanh lao dốc, giá cổ phiếu ngược chiều
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Dabaco ghi nhận doanh thu đạt 8.496 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 18,56 tỷ đồng, giảm 91,9%.
Thậm chí, xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, Dabaco ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm tới 371,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 21,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 378,5 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 442,5 tỷ đồng, chủ yếu là tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh và đầu tư.
Diễn biến tích cực của cổ phiếu DBC diễn ra hầu như cùng với giai đoạn giá heo hơi phục hồi. |
Theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2012 tới năm 2022, Dabaco liên tục duy trì dòng tiền kinh doanh dương và năm âm gần nhất là năm 2011 với giá trị âm 438,84 tỷ đồng. Như vậy, với giá trị âm trong 9 tháng đầu năm là 371,4 tỷ đồng, đây là giá trị âm kỷ lục từ năm 2012 tới nay.
Được biết, năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu đạt 24.562 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm tiêu thụ nội bộ. Còn mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần con số đã đạt được trong năm 2022 (5 tỷ đồng). Như vậy, với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, Dabaco mới hoàn thành 3,3% so với kế hoạch lãi 569 tỷ đồng. Nếu không có sự cải thiện đột biến trong các tháng cuối năm 2023, kế hoạch của “ông lớn” ngành chăn nuôi này sẽ lại chỉ “nằm trên giấy”.
Trước đó, năm 2022, doanh thu thuần của Dabaco đạt 11.558 tỷ, tăng gần 7% song lãi giảm 824 tỷ so với năm 2021 xuống còn hơn 5 tỷ đồng. So với mục tiêu đề ra, tập đoàn chỉ đạt hơn 51% chỉ tiêu doanh thu và rất nhỏ so với mục tiêu lợi nhuận năm (918 tỷ).
Doanh nghiệp kinh doanh “lao dốc” nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DBC lại gây bất ngờ. Từ tháng 5 tới giai đoạn cuối tháng 9, giá cổ phiếu DBC bật tăng mạnh mẽ. Từ đó đến nay, do ảnh hưởng của thị trường chung, cổ phiếu DBC cũng bị điều chỉnh giảm, một phần cũng vì đà tăng nóng trước đó. Song tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu DBC vẫn ghi nhận mức tăng hơn 28%.
Đáng chú ý, diễn biến tích cực của cổ phiếu DBC diễn ra cùng với giai đoạn giá heo hơi phục hồi. Ngược thời gian, có thể dễ dàng nhận thấy, điểm đặc trưng là giá cổ phiếu DBC trong một số khoảng thời gian khá dài diễn biến gần như đồng pha với giá heo hơi trên thị trường, nhưng khác nhau về biên độ dao động.
Quan sát 3 năm trở lại đây, đầu năm 2020, giá heo hơi lao dốc nhưng tăng trở lại vào tháng 4 và chạm đỉnh kỷ lục 100.000 đồng/kg vào tháng 5 do nguồn cung bị thắt chặt. Trong thời gian này, giá cổ phiếu DBC đã tăng rất mạnh, từ mức khoảng 6.600 đồng/cp (tính theo giá điều chỉnh) mở phiên đầu tháng 4/2020 lên mức 16.750 đồng/cp kết phiên cuối tháng 5/2020, thậm chí tăng đến mức 22.950 đồng/cp vào cuối phiên 8/6/2020, tức là tăng gấp hơn 3 lần chỉ trong vòng hơn 2 tháng. Sau đó, giá cổ phiếu DBC hạ nhiệt và chững lại cho tới cuối tháng 11/2020 trong bối cảnh giá heo hơi suy giảm trong cùng khoảng thời gian.
Mặc dù mức độ đồng pha không cao như năm 2020, nhưng trong năm 2022 cũng ghi nhận một số khoảng thời gian có sự đồng pha khá rõ nét giữa diễn biến giá cổ phiếu DBC và giá heo hơi. Tiêu biểu là giá heo hơi đã tăng mạnh từ cuối tháng 6, đạt đỉnh trong tháng 7, sau đó hạ nhiệt trong tháng 8 nhưng vẫn giữ ở mức cao so với mặt bằng chung trước đó. Giá cổ phiếu DBC cũng tăng mạnh từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8. Sau giai đoạn này, giá heo hơi và giá cổ phiếu DBC cùng lao dốc nhanh chóng.
Dĩ nhiên không phải lúc nào giá heo hơi và giá cổ phiếu DBC cũng diễn biến đồng pha, bởi giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là dòng tiền. Điển hình là trong năm 2021, mặc dù giá heo hơi lao dốc gần như từ đầu năm tới cuối năm nhưng giá cổ phiếu DBC vẫn đi lên mạnh mẽ, trong bối cảnh dòng tiền vào thị trường chứng khoán liên tục đạt mức kỷ lục.
Cần chú ý những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh
Theo các chuyên gia, cổ phiếu ngành chăn nuôi heo khá nhạy cảm với giá heo hơi trên thị trường hàng hóa, do đó có thể quan sát giá heo hơi để đưa ra những quyết định đầu tư vào các cổ phiếu ngành chăn nuôi heo.
“Khi giá heo hơi có dấu hiệu tăng liên tục trong nhiều ngày sau một giai đoạn dài dao động ở mức thấp có thể là tín hiệu có thấy ngành chăn nuôi heo đang bước vào chu kỳ tăng giá. Đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào các cổ phiếu chăn nuôi heo nhờ triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi heo tăng.
Ngược lại, trong trường hợp giá heo hơi đã tăng nóng trong một thời gian và có xu hướng giảm trong một tháng liên tiếp, đây là dấu hiệu cho thấy ngành chăn nuôi heo có thể bước vào chu kỳ giảm giá. Đây là giai đoạn nhà đầu tư nên thận trọng trong quyết định đầu tư vào cổ phiếu ngành chăn nuôi heo do giá heo hơi giảm sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi heo”, bà Hà Thu Hiền, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vndirect khuyến nghị.
Nhìn rộng hơn, chăn nuôi là một ngành có chu kỳ. Trong đó, mỗi loại chăn nuôi có đặc trưng riêng và có thể có những yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến chu kỳ. Thông thường, chu kỳ chăn nuôi thường được biểu hiện thông qua một số dấu hiệu như giá cả, năng suất, yếu tố cung - cầu.
Do đó, trong quá trình đầu tư cổ phiếu ngành chăn nuôi, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên chú ý đến những yếu tố có ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm chi phí sản xuất đầu vào và giá bán đầu ra sản phẩm.
Chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi bao gồm con giống, trang trại, chi phí thức ăn chăn nuôi, chi phí thú y... Trong đó, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 50% chi phí sản xuất trong chăn nuôi. Hiện nay, Việt Nam chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn chăn nuôi và phụ thuộc 70% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, do đó giá thức ăn chăn nuôi trong nước có xu hướng biến động cùng chiều với giá nông sản trên thế giới. Giá nông sản biến động tăng sẽ ảnh hưởng tới giá thức ăn chăn nuôi trong nước kéo theo chi phí đầu vào tăng làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi.
Trong khi đó, đầu ra bao gồm giá bán các sản phẩm chăn nuôi được quyết định bởi yếu tố cung – cầu trên thị trường. Giá bán các sản phẩm chăn nuôi tăng sẽ có tác động tích cực lên kết quả kinh doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên thận trọng trong trường hợp giá cổ phiếu tăng quá tích cực so với triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Hải Giang