Theo quan sát, từ đầu tháng 6, nhóm cổ phiếu thép liên tục "sáng xanh" khi dòng tiền đua nhau đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu này, cả ở thời điểm VN-Index giảm về điểm số cũng như dòng tiền vào thị trường chung.
Liên tục “đắt hàng”
Chẳng hạn, trong phiên 17/6, dòng tiền tiếp tục thận trọng sau cú rơi mạnh cuối tuần trước đó của VN-Index. Thanh khoản trong phiên tiếp tục sụt giảm mạnh khi khối ngoại bán ròng hơn 840 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nhóm thép vẫn tỏa sáng khi hút dòng tiền mạnh. Điển hình, cổ phiếu SMC tăng hết biên độ; NKG, VGS, TLH, TVN… cũng tăng giá; “anh cả” HPG dù là tâm điểm bán ròng của khối ngoại nhưng đóng cửa vẫn tăng nhẹ 1,2%.
Nhóm cổ phiếu thép liên tục tăng giá cùng thanh khoản tăng vọt. |
Đáng chú ý, cổ phiếu HSG tăng trần, thanh khoản dẫn đầu sàn HoSE với giá trị khớp lệnh 1.082 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với phiên cuối tuần trước. Giá trị này đến từ hơn 43,7 triệu cổ phiếu được sang tay thành công.
Không chỉ vậy, đây còn là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất. Nhà đầu tư nước ngoài đã kéo dài chuỗi rót tiền vào cổ phiếu này 4 phiên liên tiếp với giá trị mua ròng trong phiên ngày 17/6 lên đến 106 tỷ đồng, cao nhất 3 năm trở lại đây.
Hay như trước đó, trong phiên 4/6, nhóm cổ phiếu thép, đặc biệt là 2 mã cổ phiếu HPG của Hòa Phát và HSG “xanh” tích cực cùng thanh khoản sôi động, đứng top đầu toàn thị trường. Diễn biến đáng chú ý của nhóm cổ phiếu thép diễn ra trong bối cảnh ngành thép đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là trên thị trường nội địa, khi sức mua đang có tín hiệu phục hồi rõ ràng và giá thép duy trì khá ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy kết quả kinh doanh trong quý II/2024.
Đặc biệt, thông tin liên quan việc Bộ Công Thương phát thông báo điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã hỗ trợ tích cực cho cổ phiếu thép. Với động thái này, nhóm thép được kỳ vọng hưởng lợi tích cực trong thời gian tới.
Cụ thể, ngày 14/6, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Quyết định tiến hành điều tra được ban hành căn cứ theo kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại đối với Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp đầy đủ và hợp lệ ngày 3/5/2024 bởi các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước gồm Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á, China Steel & Nippon Steel Việt Nam.
Cuối tuần qua, nhóm này cũng đón thêm những thông tin, chỉ đạo hỗ trợ tại hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Rủi ro vẫn hiện hữu
Dù vậy, vẫn phải nhìn nhận rằng ngành thép đang chứng kiến sự phân hóa cao khi các doanh nghiệp đầu ngành tận dụng được những tín hiệu tích cực ít ỏi, trong khi các đơn vị nhỏ hơn gặp nhiều thách thức về dòng tiền dẫn đến rơi vào vòng xoáy nợ.
Thực tế, bức tranh kinh doanh của ngành thép trong quý I/2024 chứng kiến sự phân hóa rõ rệt khi phần lớn sự phục hồi tập trung ở các doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Nam Kim và Hoa Sen; còn các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Theo thống kê của VPBankS Research, ngoại trừ 3 công ty Hòa Phát, Nam Kim và Hoa Sen, doanh thu các công ty thép còn lại trên thị trường chứng khoán giảm 15%. Xét về số lượng, khoảng 63% số doanh nghiệp (bao gồm cả sản xuất và thương mại) bị sụt giảm nguồn thu.
"Điều này cho thấy toàn ngành vẫn đang gặp nhiều khó khăn", chuyên gia VPBankS nhận định, nhất là các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước vẫn khó tìm đầu ra cho hàng hóa.
Đồng thời, nợ chung của các doanh nghiệp ngành thép đang tăng nhanh trong quý I/2024, về gần lại mức vay nợ trong thời điểm đáy của chu kỳ ngành thép trong năm 2022. Như vậy, mặc dù nhiều chính sách và tín hiệu dự báo ngành thép đã đi qua vùng đáy, nhưng các khó khăn còn hiện hữu trong bối cảnh chu kỳ mới chưa quay trở lại khiến cho nhiều doanh nghiệp phải gia tăng đòn bẩy giúp gồng đỡ chờ đợi thời cơ mới.
VPBankS nhận thấy thị trường vẫn còn nhiều biến số về giá thép, than cốc, quặng sắt..., nên những doanh nghiệp nào có khả năng chủ động và quản lý hàng tồn kho tốt sẽ ghi nhận sự cải thiện biên lợi nhuận rõ rệt hơn nữa trong năm 2024.
Tương tự, Chứng khoán TPS đánh giá triển vọng kinh doanh của ngành thép từ nay đến cuối năm về tổng thể là khả quan. Trong đó, các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát hay Hoa Sen sẽ có nhiều sự phục hồi lớn nhờ sự phục hồi giá thép và nhu cầu từ các nhà thầu lớn, song các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó tìm kiếm đầu ra.
Trong bối cảnh kinh doanh khởi sắc, tỷ suất sinh lời của ngành thép trong quý I/2024 thấp hơn một chút so với VN-Index. Đáng chú ý, tăng trưởng giá của đa số các cổ phiếu trong ngành như HPG, NKG và HSG cho thấy sự vượt trội với động lực chính từ năng suất bán hàng và xuất khẩu của thép thành phẩm được cải thiện trong đầu năm 2024.
Dù vậy nhóm phân tích TPS cho rằng định giá của nhóm thép hiện đã ở mức khá cao so với mức trung bình của ngành, P/E đạt 23,1x lần so với mức âm trong bình quân 3 năm qua. Các cổ phiếu nổi bật trong ngành phần lớn đều đang giao dịch nhỉnh hơn so với mức trung bình.
Hải Giang