Theo Quyết định số 7995/UBND-CNN ngày 21/12/2015 của Ủy ban Nhân dân Tp.HCM, tiêu chí quan trọng nhất là đối tác có uy tín, thương hiệu mạnh cùng Vissan xây dựng giá trị công hưởng để xây dựng chuỗi từ "trang trại đến bàn ăn". Căn cứ theo tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất này thì CJ Cheiljedang (Hàn Quốc) được rất ít người tiêu dùng biết đến về thương hiệu cũng như lĩnh vực chế biến ẩm thực tại Việt Nam. Còn một tiêu chí vô cùng quan trọng nữa là phải có năng lực tài chính có quy định hệ số tổng số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/09/2015 không vượt quá 1.5 lần, không vi phạm pháp luật, không nợ thuế...
Danh tiếng và … tai tiếng
Nếu chiếu theo tỷ lệ qui định này của UBND TP HCM thì báo cáo tài chính CJ CheilJedang Corporation vào cuối tháng 9/2015 không đáp ứng được yêu cầu trở thành cổ đông chiến lược của Vissan. Theo thông tin công khai từ hãng Bloomberg, nếu tính toán theo số liệu báo cáo hợp nhất chưa kiểm toán CJ CheilJedang Corporation đang (ở mức 1.61 lần) vượt quá qui định cho phép theo tiêu chí 1.5 lần nêu trên.
Trong khi đó, chỉ số này của các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Proconco chỉ khoảng 0.47 lần (nhưng tại điểm cuối tháng 6/2015), còn Anco không công khai số liệu báo cáo tài chính. Hơn nữa, cũng trong quí 3/2015, CJ CheilJedang Corporation còn có các khoản bảo lãnh rất lớn cho công ty con, công ty liên kết và các bên liên quan vay tại các ngân hàng và tổ chức tìn dụng với tổng giá trị là 3.437 tỷ won, tương đương 2,7 tỷ USD. Tổng giá trị các bảo lãnh này là 113% vốn chủ sở hữu của công ty mẹ nên bị nghi ngờ rất lớn về năng lực tài chính để trở thành đối tác chiến lược của Vissan.
![]() |
Nóng bỏng cuộc đua đối tác chiến lược của Vissan
Còn về vấn đề vướng vào pháp luật thì trong quá khứ, CJ CheilJedang Corporation bị dính rất nhiều vụ việc khó đỡ mà báo chí Hàn Quốc từng đưa là ông Lee Jay-huyn, Chủ tịch Tập đoàn Thực phẩm và Giải trí CJ Group nói trên đã bị tòa án tối cao Seoul (Hàn Quốc) tuyên án 2,5 năm tù về các tội lạm dụng tín nhiệm, biển thủ và trốn thuế. Ngoài ra, ông còn phải nộp phạt 25,2 tỷ won (480 tỷ đồng Việt Nam). Mặc dầu đã có sự can thiệp từ tòa án tối cao Hàn Quốc đối với bản án sơ thẩm, thì bản án phúc thẩm vẫn khá nặng tay và gần như chưa có tiền lệ đối với một cá nhân là chủ một tập đoàn gia đình (chaebol).
Trước đó, CJ Group (CheilJedang) từng bị phạt rất nặng trong lĩnh vực vi phạm cạnh tranh tại Hàn Quốc với số tiền 340 triệu Won (tương đương 7,1 tỷ VND) do hành vi cản trở việc điều tra các vi phạm luật cạnh tranh năm 2011. Trước đó, vào năm 2010, Toà án tối cao Hàn quốc phạt CJ Cheiljedang 22,7 tỷ won (20 triệu USD - 445 tỷ VND) do hành vi thao túng giá đường trong hoàn cảnh CJ Cheiljedang kiểm soát 40% thị trường đường Hàn quốc. Còn năm 2012, Uỷ ban Thương mại Công bằng Hàn quốc (Fair Trade Commission) đã công bố phạt CJ Cheiljedang cùng với 5 công ty dược phẩm khác về hành vi hối lộ nhân viên y tế với tổng số tiền là 11 tỷ Won (12,2 triệu USD - 272 tỷ VND) (nguồn KFTC Annual Report 2012).
Trước những điều không hay trên về CJ Cheiljedang, CTCP Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) vừa kiến nghị trong văn bản gửi tới UBND TP.HCM và Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) rằng nếu căn cứ theo yếu tố tài chính thì CJ đang có chỉ số Tổng nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9/2015 là 1,61 lần, không đạt tiêu chí về tài chính, vi phạm pháp luật và nhiều vấn đề khác.
CJ sẽ mua cổ phiếu Vissan bằng mọi giá?
Việc CJ CheilJedang Corporation bị tố không đủ khả năng tài chính để trở thành cổ đông chiến lược của Vissan rõ ràng là điểm bất lợi rất lớn trước cuộc đấu giá đang cận kề 24/3 tới. Bởi với 11.328.002 cổ phần (tương ứng 14% vốn điều lệ) mà Vissan chào bán cho cổ đông chiến lược. Mặc dù trong đợt IPO của Vissan, CJ cũng chi ra hơn 300 tỷ đồng để mua 3,3 triệu cổ phiếu, tương đương 4,18% cổ phần công ty này với giá 102.000 đồng - mức giá cao nhất trong đợt đấu giá công khai. Giả sử CJ chấp nhận mua hết lượng cổ phần với mức giá 102.000 đồng/cổ phần, thì số tiền đầu tư thêm có thể lên đến 52 triệu USD. Và cũng theo định giá tại mức 102.000 đồng này, 100% vốn chủ sở hữu Vissan tính ra khoảng 370 triệu USD, xấp xỉ tổng mức đầu tư của CJ tại Việt Nam trong gần 20 năm qua (khoảng 400 triệu USD) thì đó lại là điều càng khó hiểu.
Theo ông Văn Đức Mười – Tổng Giám đốc Vissan thì các tiêu chí của nhà đầu tư chiến lược, là phải cam kết bảo vệ thương hiệu, cũng như bảo đảm công ăn việc làm, đồng hành trong chính sách nghề nghiệp với Vissan (phải kinh doanh trong các lĩnh vực như chăn nuôi, thực phẩm chế biến…) và cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm đầu. Trong đó, có nhà đầu tư đáp ứng được 100% tiêu chí, có nhà đầu tư nổi trội hơn, nhưng giá cả được đấu giá mới là yếu tố quyết định.
Hiện tại, Vissan là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành thực phẩm, lĩnh vực hoạt động chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt. Với phương án cổ phần hóa tại Vissan, Nhà nước nắm giữ 65% vốn, nhà đầu tư chiến lược là 14% (tương đương 11,3 triệu cổ phần), 14% đấu giá công khai, 7% còn lại dành cho cán bộ nhân viên và tổ chức công đoàn. Hằng năm, Vissan đạt tổng doanh thu trung bình 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 150 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,2%.
Tuy nhiên, với tất cả những thông tin bất lợi trên, thì CJ Group nếu có trở thành cổ đông chiến lược của Vissan thì chưa chắc sẽ đem lại những lợi ích như kỳ vọng kể cả họ mua cổ phiếu với giá rất cao. Bởi lịch sử cho thấy, những doanh nghiệp Việt Nam khi bị tác động xấu từ yếu tố bên ngoài dẫn đến những cuộc cạnh tranh, đấu đá nhau rất quyết liệt. Theo đó, văn hóa kinh doanh của CJ Group đã bị mang tiếng thì các giá trị, chuẩn mực và đạo đức kinh doanh bị xem nhẹ bởi lợi ích ngắn hạn trước mắt, bỏ qua những giá trị cộng đồng, thương hiệu lâu dài.
Lê Thuận