Tháng 1/2010, 18,45 triệu cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Cotec (Coteccons) có phiên giao dịch đầu tiên tại HoSE với giá khởi điểm 95.000 đồng/cp. Đây là mức giá chào sàn cao nhất so với tất cả các cổ phiếu ngành xây dựng lên sàn lúc bấy giờ.
Đà giảm của cổ phiếu CTD bắt đầu từ bắt đầu từ nửa cuối tháng 1/2018, bất chấp sự thăng hoa của thị trường giai đoạn đó.
Bi quan tốc độ tăng trưởng
Sau khi thiết lập mức đỉnh 240.000 đồng/cp hồi tháng 11/2017, cổ phiếu này cứ "lầm lũi" đi xuống trong suốt nửa năm qua. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch quanh mốc giá 130.000 đồng/cp.
Trong khi đó, năm 2017, kết quả kinh doanh của Coteccons hoàn toàn vượt trội khi lợi nhuận sau thuế tiếp tục đạt trên 1.000 tỷ đồng; lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 1.653 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2016.
Bên cạnh đó, EPS đạt 20.436 đồng/cp, P/E đạt trong khoảng 5-7 lần, trong khi P/E thị trường chung là 18 lần.
Do đó, việc giảm giá "thê thảm" của CTD khiến giới đầu tư hoàn toàn bất ngờ. Nhiều lý do như tăng trưởng chậm, biên lợi nhuận giảm, hay những mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo công ty với một số cổ đông lớn được đưa ra mổ xẻ.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính có thể đến từ việc nhiều công ty chứng khoán đã công bố nhận định về triển vọng không mấy tích cực của CTD hồi cuối tháng 1 vừa qua.
Cụ thể, báo cáo của ACBS cho rằng CTD đã lỡ kế hoạch lợi nhuận năm 2017 do biên lợi nhuận gộp quý IV/2017 thấp kỷ lục. Công ty này đã hạ khuyến nghị từ mua xuống nắm giữ đối với cổ phiếu CTD.
Theo ACBS, doanh thu thuần quý IV/2018 của CTD đạt gần 9.000 tỷ đồng, tăng 22% nhưng lợi nhuận ròng chỉ đạt hơn 460 tỷ đồng, không tăng trưởng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp của CTD trong giai đoạn này đạt mức thấp kỷ lục 6,4%.
Đến quý I/2018, doanh thu của CTD đi ngang khi đạt 4.300 tỷ đồng chỉ tăng 1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, giảm 3%.
Theo CTCK Bản Việt, biên lợi nhuận của CTD đã phục hồi lên 6,6% trong quý I/2018 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 8,8% của quý I/2017.
Thậm chí, các công ty chứng khoán còn dự báo biên lợi nhuận của CTD sẽ tiếp tục giảm trong hai năm tới và chỉ phục hồi vào năm 2020.
Ngoài ra, sự "lệch pha" giữa kỳ vọng của cổ đông lớn và ban điều hành đã dẫn đến những vết nứt trong nội bộ CTD cũng có thể là một nguyên nhân khiến cổ phiếu này sụt giảm.
Đà giảm của cổ phiếu CTD bắt đầu từ bắt đầu từ nửa cuối tháng 1/2018 |
Có còn điểm sáng?
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2018, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu 27.200 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,17% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự báo giảm hơn 15% ở mức 1.400 tỷ đồng.
Lý giải về việc đặt kế hoạch kinh doanh sụt giảm, CTD cho biết kế hoạch này dựa trên những tín hiệu thị trường, triển vọng ngành xây dựng có xu hướng chậm lại khi Nhà nước hạn chế dòng tín dụng vào thị trường bất động sản và một số dự án có khả năng bị chậm triển khai vì các thủ tục hành chính liên quan đến chính sách quản lý tài nguyên đất đai.
Bên cạnh đó, nguồn công việc đã ký trong 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ, trong đó nhiều dự án có quy mô nhỏ (kể cả dự án D&B) và cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt, trong khi chính sách về bảo hiểm xã hội và một số chính sách khác làm tăng chi phí quản lý của công ty.
Tuy nhiên, trên thực tế, Conteccons vẫn là nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam, là một doanh nghiệp có nội lực tốt, nguồn tiền mặt dồi dào hơn 5.000 tỷ đồng và khối lượng công việc luôn sẵn sàng.
Tính đến ngày 31/12/2017, tổng tài sản của CTD đạt 14.477 tỷ đồng, vốn điều lệ 783 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần gần 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.031 tỷ, công ty không hề vay nợ.
Hiện tại, Coteccons đang thực hiện gần 50 dự án trên cả nước, hàng loạt các công trình trọng điểm trải dài từ Quảng Ninh (Vân Đồn, Hạ Long), Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Tp.HCM, Phú Quốc, Tây Ninh,…cùng với chiến lược "Đầu tư cơ hội" đang được Coteccons triển khai là các thế mạnh sẽ mang lại nguồn việc dồi dào cho công ty trong ít nhất 3 năm tới.
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh hồi đầu năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại cũng đang trên đà lao dốc, mốc 1.000 điểm chính thức bị xuyên thủng, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu bất chấp kết quả kinh doanh tốt, thậm chí, cao hơn bao giờ hết của doanh nghiệp.
Conteccons cũng không nằm ngoài đà giảm chung của thị trường, nhiều chuyên viên phân tích cho rằng sự sụt giảm này là phi lý và vẫn chấp nhận đi ngược định giá của thị trường, ước tính giá trị hợp lý lên đến 200.000 đồng.
Sau ba phiên giảm liên tiếp cuối tuần trước, cổ phiếu CTD đã xanh trở lại trong phiên giao dịch ngày 28/5, thậm chí tăng trần trong phiên giao dịch ngày 29/5, đưa thị giá cổ phiếu này lên mức trên 130.000 đồng/cp, dư mua lên đến 4,1 triệu cổ phiếu.
Linh Đan