Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vừa được tổ chức hồi cuối tháng 6 của Coteccons, các nhóm cổ đông của công ty đã đạt được sự đồng thuận quan trọng, gỡ bỏ mâu thuẫn cũng như bày tỏ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết vì lợi ích tốt nhất của Coteccons, các cán bộ công nhân viên, cổ đông, khách hàng.
Thực tế mâu thuẫn bắt đầu từ việc nhóm cổ đông ngoại quan ngại trước việc một số thành viên HĐQT và Ban giám đốc của Coteccons hiện nắm giữ nhiều chức vụ quản lý quan trọng tại Ricons bao gồm cả vị trí Chủ tịch và đại diện pháp luật.
Thái độ cầu thị của người đứng đầu
Theo nhóm cổ đông này, ngoài việc là nhà thầu phụ của Coteccons, Ricons cũng là đối thủ cạnh tranh của Coteccons. Chính vì vậy, nhóm cổ đông ngoại cho rằng việc sắp xếp nhân sự như thế gây ra những xung đột về lợi ích giữa Coteccons và Ricons.
Điều này dẫn đến việc cổ đông lớn Kustocem gửi thông báo đơn phương triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường với tư cách cổ đông lớn, đánh dấu mối quan hệ đối tác chiến lược 8 năm chuyển sang đối đầu.
“Chúng tôi không thể tiếp tục đặt niềm tin vào HĐQT và Ban giám đốc hiện tại, đặc biệt là các thành viên điều hành chủ chốt gồm ông Nguyễn Bá Dương, ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quang Quân. Chúng tôi yêu cầu họ lập tức từ chức khỏi tất cả vị trí trong Coteccons", đại diện nhóm Kusto cho biết.
Sau đó là một “cuộc chiến truyền thông” nổ ra khi hai bên liên tiếp “tố” nhau. Tuy nhiên, khi tỷ lệ cổ đông ủng hộ nhóm Kustocem gần như áp đảo thì Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công và thành viên HĐQT Coteccons quyết định rời khỏi HĐQT của Coteccons, “nhường ghế” lại cho 2 thành viên thuộc Kusto và The 8th.
Ông Nguyễn Bá Dương (bên trái) và ông Bolat Duisenov - Tổng giám đốc Kusto Việt Nam (bên phải) tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 |
Đồng thời, ông Nguyễn Bá Dương cũng có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT Ricons với lý do bận một số việc cá nhân. Trong đơn từ nhiệm được viết vào ngày 22/6, ông Dương cho rằng mình không thể hoàn thành tốt vai trò tại Ricons nên mong HĐQT chấp thuận và lựa chọn người thay thế.
Cùng với động thái rút khỏi HĐQT của Ricons là một diễn biến đáng chú ý khác tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Coteccons: ông Nguyễn Bá Dương đã đến trước phiên họp cùng với Ban lãnh đạo công ty và các cổ đông lớn để ngồi lại với nhau giải quyết mâu thuẫn.
Theo ông Dương, khi doanh số đi xuống (đặc biệt trong năm 2019), các cổ đông lớn và ban lãnh đạo Coteccons đã nảy sinh mâu thuẫn (mâu thuẫn về quan điểm quản trị doanh nghiệp, bất đồng ngôn ngữ, văn hoá…). Ông Dương nhận lỗi về HĐQT và trên tư cách Chủ tịch HĐQT đã nhận trách nhiệm, xin lỗi cổ đông về việc đã xảy ra sự việc như vừa qua.
Từ những thái độ cầu thị đến từ ông Nguyễn Bá Dương, ĐHĐCĐ của Coteccons đã kết thúc một cách tốt đẹp, giải tỏa được những quan ngại của thị trường về xung đột lợi ích. Theo đó, 2 đại diện từ Kusto và The8th chính thức bước vào HĐQT Coteccons, với cam kết không phải muốn đi sâu vào quản trị như đồn đoán, mà là hỗ trợ về những thông lệ quốc tế nhằm phát triển công ty.
Về phía Coteccons, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương tuyên bố công ty đã đạt được những bước tiến quan trọng để giải quyết những vấn đề về quản trị doanh nghiệp. HĐQT sẽ phối hợp với 2 thành viên ngoại quốc mới nhằm đưa Coteccons quay về thời rực rỡ. Cùng với đó, ông Dương cũng khẳng định thị giá cổ phiếu CTD hiện khá thấp so với giá trị sổ sách và sẽ mua vào trong thời gian tới.
Tương lai có bình yên?
Thực tế, những tín hiệu tích cực trên đã khiến cổ phiếu CTD có nhiều phiên tăng kịch trần kể từ sau đại hội lên chạm ngưỡng 80.000 đồng/cp, tăng gần gấp đôi so với vùng đáy đầu tháng 4 trước cao điểm căng thẳng lợi ích cổ đông.
Về phía “nhân tố trung tâm” của xung đột - Ricons, cũng ghi nhận nhiều chuyển biến mới bên cạnh sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương, đó là thay đổi nhận diện thương hiệu, thay thế cụm từ "Coteccons Group" bằng "Since 2004".
Đặc biệt, Ricons đã thay đổi trụ sở công ty từ lầu 3, tòa nhà Coteccons Group, số 236/6 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM sang tòa nhà Saigon Pavillon, số 53 - 55 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3. Theo banh lãnh đạo Ricons, đây là công ty hoàn toàn độc lập và là thương hiệu trực thuộc Ricons Group và không nhận thầu từ Coteccons.
Như vậy, về cơ bản Coteccons đã xóa bỏ được các bất đồng, mâu thuẫn nội bộ. Tuy nhiên, có ý kiến nghi ngờ về khả năng Coteccons sẽ quay về thời rực rỡ như Chủ tịch Nguyễn Bá Dương mong đợi. Và cho rằng đó chỉ là những phút giây yên bình để chuẩn bị cho những đợt sóng mới còn dữ dội và quyết liệt hơn.
Theo phân tích của các chuyên gia quản trị doanh nghiệp, sau những mâu thuẫn căng thẳng, để phát triển, HĐQT sẽ cần bầu ra một ban điều hành mới và quan trọng nhất là tổng giám đốc điều hành.
Vậy, ai sẽ là người chèo lái con thuyền Coteccons trong giai đoạn mới?
Nhìn vào danh sách HĐQT hiện tại của Coteccons thì nhóm Kusto nắm ưu thế tuyệt đối với 4 trên 7 thành viên: Yerkin Tatishev, Bolat Duisenov, Herwig Guifdo H. Van Hove và Talgat Turumbayev.
Trong khi đó, 3 nhân vật còn lại là ông Nguyễn Bá Dương và 2 thành viên HĐQT độc lập là ông Tan Chin Tiong và ông Nguyễn Quốc Hiệp. Với cơ cấu như vậy, nhóm Kusto sẽ có quyền quyết định mọi quyết sách của Coteccons giai đoạn mới, trong đó có quyết định quan trọng là chọn tổng giám đốc cho Coteccons.
Động thái mới đây nhất của ông Nguyễn Bá Dương là đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu CTD từ 9/7 - 7/8 để trở thành cổ đông lớn, đồng thời là nhà đầu tư cá nhân có tỷ lệ nắm giữ lớn nhất với 6,18% nếu thành công.
Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ năm trước, ông Dương đã khẳng định không bàn lại chuyện sáp nhập với Ricons, nhưng tại ĐHĐCĐ năm nay lại để ngỏ về khả năng triển khai thương vụ. Trong khi đó, Ricons vốn là ngọn nguồn của mọi mâu thuẫn.
Do vậy, Coteccons có gặt hái được một “tương lai tươi sáng” hay không thì chỉ có tương lai mới là câu trả lời xác thực nhất.
Linh Đan