Cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 đang phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ sự cố kinh doanh kênh Youtube |
Cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 đang phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ sự cố kinh doanh kênh Youtube được công bố ngày 4/3 vừa qua. Kể từ đó đến nay, cổ phiếu YEG đã giảm sàn liên tiếp từ mức 245.000 đồng xuống 95.700 đồng/cp, tương đương giảm gần 61% thị giá.
Nhiều phiên giao dịch gần đây, giao dịch của YEG hầu như chỉ có lệnh bán sàn ngay từ đầu phiên, với dư bán sàn tới hàng triệu đơn vị, còn bên mua trống trơn… Giá trị vốn hoá của tập đoàn truyền thông hàng đầu này đã “bốc hơi” hơn 4.600 tỷ đồng trong chưa đầy nửa tháng xảy ra bê bối…
Trước diễn biến tiêu cực của cổ phiếu YEG, ngày 18/3, HĐQT Yeah1 đã quyết định thông qua việc mua lại 3.127.990 cổ phiếu quỹ, chiếm 9,999% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và nguồn tiền mua lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu… Trước đó vài ngày, Yeah1 đã dự tính chỉ mua 600.000 cổ phiếu quỹ song đến giờ quyết định tăng khối lượng “gom” hàng gấp 5 lần.
Tính đến cuối 2018, Yeah1 có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 101 tỷ đồng và 1.132 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống vào tháng 8/2018. Mức giá mà ông Tống phải trả cho Yeah1 là 300.000 đồng/cp, tức ông Tống đang bị lỗ mất 68,1% khoản đầu tư (lỗ khoảng hơn 798 tỷ đồng)…
Nếu đà giảm sàn vẫn tiếp diễn trong thời gian tới thì Yeah1 sẽ mua được lượng cổ phiếu giá rẻ rất nhiều, công ty sẽ có khoản chênh lệch lên tới vài trăm tỷ đồng nhờ “bán cao mua thấp” chính cổ phiếu của mình.
Hiện, cổ đông lớn nhất tại Yeah1 vẫn là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, với tỷ lệ sở hữu lên tới 36,5% vốn cổ phần, tiếp sau là ông Hồ Ngọc Tân sở hữu 12,5%. Ngoài ra, các thành viên trong ban lãnh đạo của tập đoàn này cũng đang nắm giữ khoảng 4% vốn.
Tổng cộng các cổ đông lớn có liên quan tới ban lãnh đạo doanh nghiệp trong nước đang sở hữu khoảng 53% vốn tại Yeah1.
Trong khi đó, dữ liệu giao dịch cho biết tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này hiện vào khoảng 44,09%.
Như vậy, chỉ còn khoảng dưới 3% cổ phiếu trên thị trường, tương đương hơn 900.000 cổ phiếu của Yeah1 nằm trong tay nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Giả sử dòng tiền từ “túi” ông Tống chảy sang Yeah1 thông qua mua cổ phần riêng lẻ, tạo nguồn vốn chủ sở hữu khủng, giúp YEG đạt được cùng giá cao sau khi lên sàn thì chỉ sau một thời gian, Yeah1 lại chi hàng trăm tỷ để mua cổ phiếu YEG, nói cách khác tiền lại chảy từ Yeah1 sang túi nhà đầu tư thông qua giao dịch trên sàn.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư trên sàn đặt ra nghi vấn cổ phiếu YEG đã và sẽ được giao dịch mua bán theo kiểu từ “tay trái” bán sang “tay phải”.
Theo một chuyên gia tài chính, Yeah1 đã bị "gậy ông đập lưng ông" khi trước đó đã lách luật để giúp nhà đầu tư không bị hạn chế chuyển nhượng dù doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
"Khi có sự cố và cổ phiếu giảm sâu so với giá phát hành 300 ngày trước, khả năng cao là chính đối tác đó đã bán cắt lỗ. Họ càng bán, cổ phiếu càng giảm sàn, vì giờ cổ phiếu YEG thực chất không có thanh khoản. Nếu chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ bán ra, cổ phiếu của một doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu cô đặc như Yeah1 khó có thể giảm sâu như vậy", vị chuyên gia này cho biết.
L.Đan