Điểm lại tình hình IPO tháng 03/2016 vừa qua của Vissan, giá cổ phần Vissan đã được nhà đầu tư mua vào ở mức rất cao. Kết quả phiên đấu giá lần đầu ngày 7/3, 11,328 triệu cổ phần Vissan, tương đương 14% vốn điều lệ công ty đã được bán ra thị trường, với mức giá trúng thấp nhất là 67.000 đồng/CP, trúng cao nhất là 102.000 đồng/CP; giá trúng bình quân 80.053 đồng/CP.
Với mức giá này, cổ phần Vissan đã được bán cao gấp 4,7 lần giá khởi điểm (giá khởi điểm 17.000 đồng/cổ phần), thu về hơn 900 tỷ đồng.
Vì sao hấp dẫn?
Tổng khối lượng cổ phần đăng ký tham gia đấu giá của Vissan lên đến hơn 63,5 triệu đơn vị, cao gấp 6 lần lượng cổ phần được đưa ra đấu giá. Có 142 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, trong đó có 6 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 7 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Với lần đấu giá lần 2, bán 14% vốn điều lệ Vissan cho đối tác chiến lược, CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), công ty con thuộc Tập đoàn Masan đã trúng với mức giá 126.000 đồng/CP.
Ngoài hai đợt chào bán này, Vissan còn hơn 4 triệu cổ phiếu bán ưu đãi cho người lao động với mức giá bán bằng 60% giá bán thành công thấp nhất tại HoSE, tức 60% của mức 67.000 đồng/CP, tương đương 40.200 đồng/CP. Phần bán cho công đoàn với khối lượng 794.700 cổ phiếu cũng có giá như trên.
Như vậy, nếu tính theo định giá thông thường, người được mua cổ phiếu Vissan với mức giá thấp nhất cũng có định giá P/E dự kiến năm 2016 ở mức 32,816 lần, cao hơn rất nhiều so với mức chung.
Kết quả kinh doanh dự kiến của Vissan sau cổ phần hóa (Đvt: tỷ đồng)
Sau khi hoàn tất IPO, Vissan đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên sàn Upcom và đã được HNX chấp thuận cho cổ phiếu của Vissan sẽ được giao dịch trên sàn UPCOM với mã chứng khoán VSN. Tổng số lượng cổ phiếu lưu hành là 80,91 triệu cổ phiếu chính thức giao dịch vào ngày 21/10 với mức giá tham chiếu khá cao so với thị trường, 67.000đồng/CP.
Tổng Giám đốc công ty Vissan – ông Văn Đức Mười – khẳng định rằng VSN được giao dịch trên Upcom là sự kiện quan trọng đối với công ty trong lộ trình trở thành công ty cổ phần đại chúng minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, tạo điều kiện cho cổ đông và các nhà đầu tư tốt nhất các quyền và nghĩa vụ của mình, đánh dấu bước trưởng thành trong tiến trình xây dựng công ty phát triển bền vững.
Tuy nhiên, báo cáo phân tích ngắn của công ty Cổ phần Chứng khoán Tp. HCM (HSC) mới đây cho biết, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng là khá nhỏ. Hiện tại, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đang nắm giữ 67,76% và CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO) – thuộc tập đoàn Masan nắm giữ 24,94% vốn điều lệ. Do vậy, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng là khá thấp, 7,3% tương đương 5,9 triệu cổ phiếu.
Mục tiêu săn đón
Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của Vissan là sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến từ thịt. Hiện nay, Vissan có nhà máy sản xuất chế biến chính tại thành phố Hồ Chí Minh và nhà máy sản xuất chế biến tại Khu Công nghiệp Tiên Sơn- tỉnh Bắc Ninh. Sản phẩm của Vissan hiện có mặt tại hơn 1.000 siêu thị và cửa hàng tiện dụng; 116 nhà phân phối, quản lý và xuyên suốt 130.000 điểm bán trên toàn quốc.
Theo kế hoạch kinh doanh 5 năm giai đoạn sau cổ phần hóa đã được ĐHCĐ thông qua, năm 2016, Vissan dự kiến đạt 99,178 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng nhẹ lên mức 99,475 tỷ đồng vào năm 2017; nâng lên 106,686 tỷ đồng vào năm 2018 và rơi thẳng 2 năm sau đó. Cụ thể, năm 2019, Vissan ước lãi 9,14 tỷ đồng và năm 2020, con số này tăng lên 52,206 tỷ đồng.
Vissan đưa ra kế hoạch kinh doanh đầy thận trọng giai đoạn 5 năm tới là do dự báo của Ban lãnh đạo công ty về khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn tới và việc đưa cụm nhà máy chế biến tại Long An vào hoạt động, dẫn đến chi phí lãi vay, khấu hao tăng cao. Điều này có thể khiến nhà đầu tư cho rằng bị “hớ” khi mua cổ phiếu của Vissan. Tuy nhiên, có một sự khác biệt khá lớn giữa định giá doanh nghiệp trong mua thâu tóm và định giá cổ phiếu giao dịch thông thường trên thị trường.
Trong khi các nhà đầu tư cổ phiếu thông thường trên TTCK quan tâm nhiều đến thu nhập trên mỗi cổ phiếu, chính sách cổ tức; thì nhà đầu tư chiến lược quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện tiềm năng tăng trưởng, vị thế ngành, tài sản khác của doanh nghiệp…
Với lợi thế là doanh nghiệp dẫn đầu ngành thực phẩm, lĩnh vực hoạt động chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt, thương hiệu Vissan đã được xác lập trên thị trường.
Cùng với chiến dịch mở rộng các hoạt động kinh doanh như tiếp tục là nhà cung cấp chủ lực cho các kênh phân phối hiện đại và truyền thống; tiếp tục phát triển chuỗi cửa hàng thực phẩm với hệ thống nhận diện chuyên biệt; từng bước ứng dụng hình thức thương mại điện tử.
Liên tục cải tiến, đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm mới, tạo sự khác biệt nổi trội về chất lượng và tiêu chuẩn đối với thị trường nội địa và xuất khẩu; tận dụng thế mạnh thương hiệu để đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao bên cạnh những sản phẩm truyền thống.
Linh Đan