Cổ phiếu VNM đã “khuấy động” thị trường chứng khoán ngày 25/2 sau chuỗi ngày giao dịch bình lặng sau kỳ nghỉ kéo dài. Đầu phiên sáng, chỉ số VN-Index đã tăng nhẹ lên mốc 570 điểm, nhưng ngay sau đó lại quay đầu giảm điểm do áp lực chốt lời gia tăng, tâm lý nhà đầu tư bất an…
Chỉ số VN- Index giảm 5,22 điểm (giảm 0,92%) xuống 562,82 điểm, trong đó có 144 mã cổ phiếu giảm và 75 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 151,4 triệu đơn vị, tương đương giá trị hơn 4.420,48 tỷ đồng. Nhưng giá trị giao dịch thoả thuận đóng góp hơn nửa, với 2.447 tỷ đồng, khối lượng đạt 22,65 triệu đơn vị.
Giao dịch “qua tay”?
Đáng chú ý, thị trường xuất hiện hai giao dịch thoả thuận với tổng khối lượng hơn 17,97 triệu cổ phiếu VNM, tổng giá trị lên tới gần 2.345,6 tỷ đồng. Mức giá giao dịch cũng cao hơn tới 130.500 đồng/CP, trong khi giá mã này cùng thời điểm chỉ 129.000 đồng/CP.
Trong đó, giao dịch thoả thuận là 12,2 triệu cổ phiếu VNM (khoảng 1.592 tỷ đồng) và 5,7 triệu cổ phiếu (khoảng 748,2 tỷ đồng). Đây là hai giao dịch thoả thuận lớn nhất cổ phiếu VNM trong vòng một năm gần đây.
Tìm hiểu, được biết, Quỹ VOF thuộc VinaCapital đang sở hữu khoảng 18 triệu cổ phiếu VNM (tại thời điểm 19/2/2016), chiếm 14% NAV của quỹ. Quỹ VOF có tổng tài sản hơn 678 triệu USD, có danh mục đầu tư hàng chục cổ phiếu tốt, thanh khoản cao, sinh lời tốt tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đơn cử như: mã VNM- công ty CP Vinamilk, mã IDP- công ty CP sữa quốc tế, mã EIB- Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam- Eximbank, mã KDH- công ty CP đầu tư và kinh doanh Nhà Khang Điền, mã PVS- Tổng công ty CP dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, mã HPG - Tập đoàn Hoà Phát…
Nhóm quỹ đầu tư nước ngoài này gồm VOF Investment Limited, Asia Value Investment Limited và Vietnam Investment Property Holdings đều thuộc Vinacapital.
Do đó, có khả năng hai giao dịch thoả thuận gần 17,97 triệu cổ phiếu VNM trong phiên ngày 25/2 là do hai quỹ ngoại của Vinacapital chuyển giao cho nhau nhằm hợp nhất danh mục đầu tư cổ phiếu VNM.
Mới đây, tháng 1/2016, hai quỹ ngoại này cũng đã chuyển nhượng thoả thuận hơn 5 triệu cổ phiếu MBB- Ngân hàng TMCP Quân Đội – cho The Caravel Fund (International) Ltd.
![]() |
Có khả năng hai giao dịch thoả thuận gần 17,97 triệu cổ phiếu VNM là do hai quỹ ngoại của Vinacapital chuyển giao cho nhau
Sốt ruột nới “room” cổ phiếu vàng
Diễn biến giá cổ phiếu VNM hiện khá ổn định, giao dịch quanh mức 115.000-130.000 đồng/CP trong vòng một tháng trở lại đây. Khối lượng giao dịch từ 340.000 đến 870.000 cổ phiếu mỗi phiên, chưa kể giao dịch thoả thuận đột biến của Quỹ VOF. Vốn hoá thị trường đạt hơn 154.000 tỷ đồng.
Trong tháng 3/2016, 12 lãnh đạo của Vinamilk sẽ thực hiện mua tổng cộng 400.830 cổ phiếu để thực hiện cam kết tham gia chương trình thưởng dài hạn theo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015.
Nhiều năm qua, cổ phiếu VNM luôn dẫn đầu trong danh mục đầu tư trọng điểm của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Là doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa Việt Nam, Vinamilk liên tục duy trì mức tăng trưởng cao, ổn định, lợi nhuận lớn và cổ tức hậu hĩnh cho cổ đông…
Năm 2015, Vinamilk đạt mức tăng trưởng doanh thu 14,3%, lợi nhuận tăng 28%, đạt 7.770 tỷ đồng. Tính bình quân mỗi ngày, “cỗ máy” Vinamilk đã thu về khoảng 96,4 tỷ đồng doanh thu và hơn 21 tỷ đồng lợi nhuận, thực sự là những số liệu “đáng mơ ước” với phần đông doanh nghiệp.
Thế nhưng, cổ phiếu vàng này lại không còn “room” trống dành cho nhà đầu tư nước ngoài vì tỷ lệ sở hữu luôn trong tình trạng kịch trần 49% vốn điều lệ.
Từ ngày 1/9/2015, các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 100% vốn (Nghị định 60). Song một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa chỉ là 49%.
Thực tế, các nhà đầu tư, quỹ nước ngoài rất nóng ruột chờ đợi sự mở “room” mạnh mẽ hơn ở nhóm doanh nghiệp đầu ngành, công ty lớn như Vinamilk… Hiện tại, cổ đông lớn nhất là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm tỷ lệ sở hữu tới 45,08%, khối ngoại nắm 49% vốn tại đây.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, cũng đồng tình chủ trương tăng room khối ngoại lên 100%. Theo bà Liên, lĩnh vực sữa không bị hạn chế về kinh doanh, cần có sự đầu tư lớn từ nước ngoài…
Hồi tháng 10/2015, Chính phủ đã cho phép SCIC thoái toàn bộ vốn tại Vinamilk nhằm thu hút thêm các nguồn lực xã hội, mở rộng đầu tư vào ngành sữa, đa dạng cơ cấu sở hữu, nâng cao kinh nghiệp quản lý…
Tính theo giá cổ phiếu VNM ngày 25/2, khoản đầu tư này có giá trị ước tính hơn 3,2 tỷ USD. Dù người trong cuộc và giới đầu tư đều “nóng ruột” chờ cơ hội, song đến giờ, Vinamilk vẫn phải chờ hướng dẫn thực hiện tăng room ngoại từ Chính phủ.
Thu Hằng