Thị trường chứng khoán phiên 22/1 ghi nhận sức ép từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Điểm sáng thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu viễn thông khi các mã đồng loạt nới rộng biên độ tăng. Tính chung cả nhóm viễn thông tăng 3,26% trong khi VN-Index giảm 3,56 điểm (-0,29%).
Điểm sáng “họ Viettel”
Trong “họ Viettel”, cổ phiếu CTR (Viettel Construction) tăng 4,21% lên 133.800 đồng/cp, cổ phiếu VTK (Viettel Consultancy) tăng hơn 7,03% lên 79.200 đồng/cp, cổ phiếu VGI (Viettel Global) tăng 3,48% lên 92.200 đồng/cp.
Đáng chú ý, cổ phiếu VTP (Viettel Post) tăng 2,84% lên vùng đỉnh mới 170.000 đồng/cp. Chỉ từ đầu tháng 11/2024 đến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 90% giá trị.
Nhóm cổ phiếu viễn thông tiếp tục duy trì sức hút sau năm 2024 rực rỡ. |
Các mã khác trong nhóm viễn thông cũng có diễn biến tích cực như cổ phiếu YEG (Yeah1) tăng trần phiên thứ hai liên tiếp, trở lại vùng giá 16.150 đồng/cp; FOX (Viễn thông FPT) tăng 2,4%, FOC (Dịch vụ trực tuyến FPT) tăng 2,9%, TTN (Công nghệ & truyền thông Việt Nam) tăng 2%...
Ngược thời gian, 2024 là năm đầu tiên có doanh nghiệp trong ngành viễn thông lọt Top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là VGI.
Cổ phiếu VGI gây ấn tượng với mức tăng 256%, đạt 91.700 đồng/cp. Giá trị vốn hóa đạt 279.726 tỷ đồng đưa Viettel Global vượt BIDV, ACV... thành doanh nghiệp giá trị thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu VTP cũng gây chú ý với mức tăng 154% trong năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất suốt lịch sử niêm yết 6 năm (kể từ ngày lên sàn năm 2018) của cổ phiếu này. Thanh khoản ghi nhận nhiều phiên giao dịch kỷ lục, với hàng triệu đơn vị được khớp lệnh. Vốn hóa Viettel Post qua đó đạt khoảng 16.670 tỷ đồng ở thời điểm ngày 31/12/2024.
Thận trọng trước biến số
Bước sang năm 2025, các mã nhóm viễn thông vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá khả quan, với nhận định lĩnh vực công nghệ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng và kỳ vọng kéo dài hơn nữa trong tương lai.
Trong báo cáo vừa phát hành về “Dự đoán Công nghệ, Truyền thông & Viễn thông (TMT) 2025”, Deloitte dự đoán sẽ có một sự tăng tốc trong việc thực hiện các thương vụ hợp nhất viễn thông không dây, đặc biệt là ở châu Âu, bắt đầu và tiếp diễn từ năm 2025, tạo ra một hệ sinh thái không dây khả thi và bền vững hơn, đặc biệt là ở các thị trường nhỏ hơn.
Chứng khoán KB (KBSV) cho biết, về chiến lược phát triển hạ tầng số của Việt Nam, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng mạng lưới viễn thông hiện đại, phát triển dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), và mạng 5G. Những cổ phiếu trong ngành viễn thông được dự báo hưởng lợi gồm CTR, FOX...
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đặt trọng tâm phát triển công nghệ đến năm 2025 và xa hơn, KBSV cho rằng CTR sẽ nổi lên như một cổ phiếu tiềm năng và được hưởng lợi trong giai đoạn này.
Theo KBSV, Viettel Construction với vị thế dẫn đầu trong mảng xây dựng hạ tầng viễn thông, được dự báo hưởng lợi từ các dự án hiện đại hóa mạng lưới. Việc 5G được thương mại hóa sẽ cần số lượng trạm phát sóng nhiều hơn tương đối so với 4G. Theo đó, các gói thầu xây dựng trạm kỳ vọng được đẩy mạnh và trực tiếp thúc đẩy triển vọng cho doanh nghiệp trong tương lai.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới 2025 sẽ có nhiều biến số, đặc biệt sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ông Trump có thể sẽ bắt đầu thực hiện áp thuế hoặc nâng thuế nhập khẩu với các quốc gia đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, như Trung Quốc. Chính quyền Donald Trump có thể tác động thận trọng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, quyết định hạ lãi suất của Fed và có thể tạo ra biến động mạnh với chỉ số đồng USD (DXY).
Biến động tỷ giá sẽ là yếu tố rủi ro tiềm tàng trong ngắn hạn với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành viễn thông. Trong khi đó, khối lượng công việc từ thị trường nước ngoài có thể chưa thay đổi một cách đáng kể trong ngắn hạn do việc ký kết hợp đồng đã triển khai từ trước, tuy nhiên sự thay đổi có thể diễn ra trong trung hạn tùy thuộc vào ảnh hưởng thực tế từ chính sách của chính quyền Donald Trump lên thương mại toàn cầu.
Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, Trưởng bộ phận Phân tích Chứng khoán Thiên Việt (TVS) kỳ vọng các cổ phiếu đầu ngành trong nhóm viễn thông có thể duy trì xu thế tăng trung hạn. Mặc dù vậy, ông Tâm cho rằng sẽ có thời điểm trong năm 2025, nhóm cổ phiếu này điều chỉnh trước khi tiếp diễn xu thế đi lên. Các nhịp điều chỉnh này cũng đồng thời tạo ra điểm mua hấp dẫn cho dòng tiền mới của nhà đầu tư.
Chuyên gia đến từ TVS cũng nhận định theo giá đóng cửa phiên 31/12?2024, P/E (dựa trên lợi nhuận 12 tháng gần nhất được công bố) của nhóm viễn thông đạt 59,3 lần, cao hơn đáng kể so với mức bình quân 3 năm. Nếu dựa trên số liệu P/E có thể nhận thấy định giá của nhóm ngành này hiện không còn rẻ.
Dù vậy, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu thường có xu hướng phản ánh kỳ vọng tương lai. Định giá của hiện tại có thể đang phản ánh phần nào đóng góp của mảng AI trong kết quả kinh doanh của lĩnh vực nói trên trong 2 đến 3 năm tới. Nếu bổ sung góc nhìn về phân tích kỹ thuật, ông Tâm cho rằng các điểm mua để nắm giữ trung và dài hạn dành cho các cổ phiếu nhóm này đều đã đi qua (điểm mua tại các nền giá tích lũy lớn). Thay vào đó, nhà đầu tư hiện chỉ có cơ hội tìm điểm giải ngân tại các nhịp điều chỉnh dành cho mục tiêu mua bán ngắn hạn.
Một điểm cần chú ý đó là các cổ phiếu thuộc nhóm viễn thông, đặc biệt là nhóm cổ phiếu "họ Viettel" được tăng cường sự quan tâm nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo được kỳ vọng mang đến nhiều đổi mới trong nền kinh tế, ngoài ra, lợi nhuận của Tập đoàn Viettel cũng có diễn biến tích cực, hỗ trợ đà tăng cho cổ phiếu, hình thành nên làn sóng tâm lý FOMO sợ bỏ lỡ đối với cộng đồng đầu tư, việc liên tục mua vào giúp các cổ phiếu họ Viettel không ngừng tăng cao.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên tuân thủ đúng nguyên tắc của mình đã đặt ra, đừng để bị cuốn vào hiệu ứng đám đông, tránh việc giao dịch quá hưng phấn, đẩy định giá cổ phiếu lên mức cao, khi thị giá của chúng quay đầu giảm sâu sẽ lỗ nặng. Mặt khác, các nhà đầu tư có tài khoản ký quỹ cũng cần điều chỉnh hạ tỷ lệ để hạn chế thua lỗ khi xuất hiện động thái bán ra.
Hải Giang