Những nhận định tươi sáng được đưa ra trên cơ sở là động lực quan trọng đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – EU (EVFTA)…
Tỷ suất sinh lời cao
Tính tới phiên giao dịch ngày 30/1, cổ phiếu ACL của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang đóng cửa tại mức giá 41.850 đồng/cp, gấp 5,2 lần so với đầu năm 2018, tương đương tỷ suất sinh lợi 423,7%.
Nếu tính tại mức giá 30.000 đồng/cp của phiên 28/12 – phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, thị giá của ACL cũng đã gấp gần 3,8 lần.
Năm 2018 là một năm kinh doanh khá thành công của ngành thủy sản nói chung và Thủy sản Cửu Long An Giang nói riêng. Thị trường xuất khẩu cá tra thuận lợi cả về sản lượng tiêu thụ và giá bán đã giúp công ty này đạt lợi nhuận sau thuế hơn 236,1 tỷ đồng, gấp gần 11 lần so với năm 2017.
Một cổ phiếu khác cũng ghi nhận tỷ suất sinh lời cao cho các nhà đầu tư là CMX của CTCP Caminex Group. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/1, cổ phiếu CMX ghi nhận mức giá 16.100 đồng/cp, tăng 263,4% so với đầu năm 2018.
Tại phiên giao dịch ngày 28/12/2018, cổ phiếu CMX đóng cửa tại mức giá 15.200 đồng/cp, tăng gấp hơn 3,4 lần so với đầu năm.
Trong khi đó, cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt kết thúc năm 2018 tại mức giá 28.500 đồng/cp, tăng 174,5% so với mức giá 10.380 đồng/ cp hồi đầu năm (giá đã điều chỉnh). Hiện, ANV đã có sự điều chỉnh nhẹ về mức giá 27.600 đồng/ cp (phiên 30/1) nhưng vẫn ghi nhận mức tăng 165,9% so với một năm trước đó.
Một số mã cổ phiếu thủy sản khác như VHC của CTCP Vĩnh Hoàn, MPC của CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta… cũng ghi nhận những mức tăng đáng kể giữa bối cảnh "u ám" của nhiều cổ phiếu lớn.
Trong khi đó, dù chỉ khởi sắc từ nửa cuối năm 2018 nhưng nhờ bối cảnh ngành khả quan, đơn hàng dồi dào đã giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) dệt may bứt phá. Và đương nhiên, thị giá cổ phiếu cũng nhờ đó mà bật tăng mạnh mẽ.
Trong nửa đầu năm 2018, cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG giao dịch khá ảm đạm quanh vùng giá 10.000 đồng/cp, nhưng trong nửa cuối năm đã ghi nhận chuỗi tăng giá mạnh chạm ngưỡng 20.000 đồng/cp. Hiện, TNG đã điều chỉnh về mức 17.300 đồng/cp nhưng vẫn tăng 48,3% so với mức 11.670 đồng/ cp (giá đã điều chỉnh) hồi đầu năm 2018.
Đáng chú ý, dù bị ảnh hưởng từ sự việc đối tác Sears nộp đơn xin phá sản nhưng CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công vẫn ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế 213,9 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch năm. Cổ phiếu TCM vẫn duy trì được tại mức giá hơn 26.000 đồng/cp và chưa có sự lao dốc nào khiến giới đầu tư "đau tim" trong năm vừa qua.
Theo báo cáo chiến lược năm 2019 của CTCK Rồng Việt (VDSC), thị trường năm nay sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng không phải không có cơ hội, những nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ là cơ hội để giải ngân.
Khó đoán định về tương lai của cổ phiếu thủy sản và dệt may trong năm 2019 |
Chỉ là ngắn hạn?
VDSC cho rằng chiến lược đầu tư là sẽ tập trung vào lựa chọn cổ phiếu ở ba nhóm chính: nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, hệ số thanh khoản cao, tỷ lệ đòn bẩy thấp; nhóm cổ phiếu cơ hội từ các FTA cũng như tranh chấp thương mại; cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Trong đó, nhóm cổ phiếu dệt may và thủy sản chính là hai nhóm ngành sẽ được hưởng lợi từ các FTA, thậm chí còn được hưởng lợi từ các tranh chấp thương mại và tiếp tục nhận được những dự báo tươi sáng trong năm 2019 từ các chuyên gia.
Tuy nhiên, các DN cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức không nhỏ như hàng rào kỹ thuật, thuế quan, tiêu chuẩn… đối với ngành thủy sản và rủi ro về nguồn nguyên liệu đối với dệt may.
Phiên giao dịch ngày 28/1, cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn đã có phiên giảm sâu 6,3% về mức giá 90.200 đồng/cp trước áp lực bán mạnh của giới đầu tư dù vừa công bố khoản lợi nhuận "khủng".
Lý giải về nguyên nhân bị bán tháo của "nữ hoàng cá tra", CTCK BSC cho biết, mức thuế POR 14 được áp dụng năm 2019 sẽ là rủi ro đầu tiên của Vĩnh Hoàn.
Bên cạnh đó là lo ngại về việc giá bán của Vĩnh Hoàn đã tăng quá cao trong năm 2018, do đó khó có thể tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn đang có dấu hiệu giảm trong quý IV/2018 khi chỉ còn 21% trong khi quý trước là 30%.
Về ngành dệt may, trong một phát biểu mới đây, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đã đưa ra nhận định về một năm 2019 đầy khó khăn của ngành này do các dự báo cho thấy các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu tăng trưởng đều thấp hơn.
Ngoài ra, tại một hội thảo gần đây, Ts. Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách phát triển của Liên Hợp quốc, cho biết nhiều DN lớn ngành dệt may tỏ ra lo ngại về khả năng tận dụng cơ hội từ CPTPP và chiến tranh thương mại.
Nguyên nhân là bởi nguyên liệu vải mà các DN dệt may tại Việt Nam sử dụng hiện nay đa phần nhập từ Trung Quốc, trong khi nước này không là thành viên CPTPP và đang khá căng thẳng với Mỹ, nên những sản phẩm dệt may có vải xuất xứ từ Trung Quốc sẽ không được hưởng ưu đãi thuế từ hiệp định này.
Linh Đan