Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, ngày 26/5 tới, sẽ chính thức đưa hơn 28,7 triệu cổ phiếu RIC, có mệnh giá 10.000 đồng/cp, trị giá hơn 287 tỷ đồng của Công ty cổ phần (CTCP) Quốc tế Hoàng Gia vào giao dịch trên sàn UPCoM, với giá tham chiếu 13.900 đồng/cp.
“Ông vua” thua lỗ
CTCP Quốc tế Hoàng Gia là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, thành lập năm 1994. Hoạt động chính của công ty bao gồm: kinh doanh hệ thống khách sạn 5 sao Sheraton Hoàng Gia; Khu biệt thự nhà hàng Hoàng Gia; Khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài và Khu thương mại ven biển công viên Hoàng Gia...
Cổ phiếu RIC buộc rời sàn HoSE sang UPCoM do công ty đã kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp. (Ảnh: Int) |
Năm 2022, Quốc tế Hoàng Gia đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 6,323 triệu USD, tăng 93% so cùng kỳ và lỗ sau thuế 1,58 triệu USD, giảm 65% so mức lỗ 4,48 triệu USD năm 2020. Nếu không thể vượt kế hoạch năm nay, đây sẽ là năm thứ 4 liên tiếp RIC ghi nhận lỗ.
Công ty giải thích về kế hoạch trên, dự đoán năm 2022 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty trên toàn cầu nói chung và bản thân công ty nói riêng. Để khắc phục lỗ năm 2021, tiến tới hoạt động kinh doanh có lãi, công ty đang tích cực triển khai hàng loạt biện pháp nhằm tăng doanh thu, giảm chi phí, ổn định nguồn khách hàng, khai thác khách mới, tăng cường hợp tác với các đại lý.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022, Quốc tế Hoàng Gia ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt 8,8 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2021. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp 16,4 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty chịu lỗ sau thuế 30 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 10 liên tiếp kinh doanh thua lỗ của công ty.
Trước đó, trong năm 2021, doanh thu của Quốc tế Hoàng Gia đạt 3,2 triệu USD (74,8 tỷ đồng), giảm hơn 40% so với thực hiện năm 2020; lỗ sau thuế là 4,4 triệu USD (102,5 tỷ đồng), tăng 25,7% so với khoản lỗ năm 2020.
Theo ý kiến của kiểm toán viên trong báo cáo tài chính kiểm toán, từ tháng 4 năm 2020, hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến khoản lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 là 102,5 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2021, công ty có khoản lỗ luỹ kế là 412 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 142 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động của Công ty phụ thuộc vào dòng tiền thu từ hoạt động kinh doanh và các khoản đi vay trong khi diễn biến của dịch Covid-19 là khó dự đoán và các khoản tiền vay phụ thuộc vào việc tiếp tục được cấp tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Các điều kiện trên khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Thực tế, Quốc tế Hoàng Gia đã lỗ liên tiếp 3 năm từ 2019-2021. Nếu xét từ năm 2016 đến nay, công ty này chỉ có lãi duy nhất vào năm 2018.
Được biết, Quốc tế Hoàng Gia hiện là doanh nghiệp kinh doanh Casino duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Vì vậy, giải thích cho việc thua lỗ triền miên, đại diện công ty nói: “Do hạng mục kinh doanh đặc biệt, thắng thua hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi. Ngoài ra, các nước láng giềng như Campuchia, Philippines, Myanmar... đều có thêm sòng bạc khiến nguồn khách bị phân tán và thị phần chia nhỏ hơn”.
Cổ phiếu “lên đồng”
Theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp: Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp vốn hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Vì vậy, cổ phiếu RIC trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định do công ty đã kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021).
Cụ thể, Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) cho biết, toàn bộ 28.708.169 cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc tại HoSE từ ngày16/5/2022.
Đồng thời, HNX thông báo, ngày 26/5 tới, sẽ chính thức đưa 28.708.169 cổ phiếu RIC vào giao dịch trên thị trường UPCoM, với giá tham chiếu 13.900 đồng/cp.
Mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng năm 2021 vừa qua có thể nói là một năm thành công ngoài mong đợi của cổ phiếu RIC, được nhà đầu tư nhắc đến còn nhiều hơn kết quả kinh doanh. Nguyên nhân đến từ các biến động của cổ phiếu này.
Ngày 31/07/2007, cổ phiếu RIC chính thức giao dịch tại HoSE và nhiều năm sau đó liên tục giao dịch dưới mệnh giá. Thậm chí mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2021, cổ phiếu RIC còn ở mức 5.000 đồng/cp và những phiên sau đó có lúc còn xuyên thủng ngưỡng 5.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, sau thời gian đó, cổ phiếu RIC bắt đầu được chú ý khi từ phiên giao dịch ngày 11/1/2021 tăng trần. Với chuỗi 34 phiên tăng trần liên tiếp, chỉ trong vòng 2 tháng, cổ phiếu RIC đã tăng hơn 10 lần, đạt đỉnh ở mức 46.150 đồng/cp vào ngày 4/3/2021, thanh khoản cải thiện rõ rệt. Sau đó, cổ phiếu tiếp này tiếp tục gây sốc khi “quay xe” với chuỗi nằm sàn la liệt, có thời điểm đã "bay" gần 66% thị giá.
Không chỉ vậy, cổ phiếu RIC còn tiếp tục "lên đồng" một thời gian dài sau chuỗi 14 phiên giảm sàn là 9 phiên tăng trần, đưa giá cổ phiếu lên vùng 28.600 đồng/cp. Chuỗi tăng trần, giảm sàn còn tiếp diễn sau đó, dù số phiên trần/sàn liên tiếp không còn dài như nhịp đầu tiên. Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2021, cổ phiếu RIC đóng cửa ở mức 18.900 đồng/cp, vẫn gần gấp 4 lần thời điểm đầu năm. Giá trị vốn hóa đạt gần 1.340 tỷ đồng.
Đáng chú ý, việc cổ phiếu liên tục “tăng nhanh giảm sốc” diễn ra trong bối cảnh HoSE đưa cổ phiếu RIC vào diện kiểm soát do kinh doanh thua lỗ kéo dài.
Bước sang năm 2022, cổ phiếu RIC điều chỉnh tăng dần, lên cao nhất ở mức 22.300 đồng/cp và sau đó lại đi xuống. Chốt phiên cuối cùng giao dịch trên sàn HoSE (13/5), cổ phiếu RIC tăng trần lên mức 13.900 đồng/cp.
Như vậy, dù vẫn lên kế hoạch với mức doanh thu tăng trưởng song có lẽ Quốc tế Hoàng Gia vẫn cần phải tái cơ cấu, chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kế hoạch đề ra nhằm vực dậy kết quả kinh doanh hậu rời sàn HoSE. Bởi nếu như không có gì mới mẻ, cùng với giá cổ phiếu không ổn định chắc chắn sẽ khiến nhà đầu tư cân nhắc khi có ý định “xuống tiền” cho cổ phiếu ở bên thị trường UpCoM trong thời gian tới.
Hải Giang