PV Coating là đơn vị thành viên của Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas), cũng là doanh nghiệp duy nhất trong nước thực hiện việc cung cấp dịch vụ bọc ống cho các dự án dầu khí từ khi thành lập đến nay.
Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017 bị ảnh hưởng bởi sự giảm mạnh của giá dầu thô, công ty rơi vào tình trạng "ngồi chơi, xơi nước" do không có nhiều việc làm, khiến kết quả kinh doanh sụt giảm. Đầu năm 2017, cổ phiếu PVB thậm chí còn rơi vào diện cảnh báo lợi nhuận năm 2016 âm 54 tỷ đồng.
Lại thấy niềm vui
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang từng bước hồi phục sau khoảng thời gian "đen tối" hồi quý II, nhóm cổ phiếu dầu khí là một trong những nhóm ngành thu hút được sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Đáng chú ý, trong những phiên giao dịch gần đây, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục hút tiền mạnh trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục leo dốc, cùng với kỳ vọng hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Những cái tên quen thuộc của nhóm dầu khí như GAS, BRS, PLX… tăng mạnh là điều ai cũng biết đến, nhưng một cái tên khiến giới đầu tư bất ngờ hơn cả là PVB.
Giới đầu tư dường như nhắc đến PVB nhiều hơn từ hai phiên tăng trần liên tiếp ngày 12-13/9, đưa cổ phiếu PVB lên mức giá 20.200 đồng/cp.
Đà tăng này tiếp tục được duy trì hai phiên tiếp theo đó kéo thị giá cổ phiếu PVB lên mức 22.200 đồng/cp, có sự điều chỉnh nhưng không đáng kể so với đà tăng mạnh và liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn vừa qua.
Hiện cổ phiếu PVB đang giao dịch tại mức giá 23.400 đồng/cp. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp đạt gần 471 tỷ đồng.
Trước đó, PVB đã từng gây "sốt" thị trường trong năm 2014 khi các nhà đầu tư phải tranh nhau mua cổ phiếu tại mức giá cao, thậm chí phải "đu trần" mới có thể khớp lệnh. Thời điểm này, thị giá cổ phiếu PVB đạt mức đỉnh 71.900 đồng/cp.
Tuy nhiên, sau đó, do đà sụt giảm mạnh của giá dầu, cổ phiếu PVB cũng lao dốc, về vùng giá hơn 40.000 đồng/cp rồi hơn 30.000 đồng/cp, thậm chí là 10.000 đồng/cp trong những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017.
Thanh khoản cũng sụt giảm từ mức vài trăm nghìn đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên xuống còn vài chục nghìn, vài nghìn đơn vị và dần trôi vào "quên lãng" của các nhà đầu tư.
Những tháng cuối năm 2017, thị trường chứng khoán "thăng hoa" với sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, PVB cũng có sự hồi phục trở lại về vùng giá 20.000 - 22.000 đồng/cp, thanh khoản cũng có sự cải thiện, có những phiên giao dịch lên tới hàng triệu đơn vị.
Lên cùng thị trường thì cũng xuống cùng thị trường, thời điểm quý II/2018, thị trường chứng khoán rơi vào đà điều chỉnh mạnh, khiến hầu hết các cổ phiếu đều lao dốc.
PVB cũng nhanh chóng quay về vùng giá 14.000 đồng/cp, bất chấp việc PV Coating báo cáo kết quả kinh doanh tươi sáng với doanh thu và lợi nhuận của công ty đã có những cải thiện đáng kể so với cùng kỳ.
Với chỉ số P/E đạt gần 6 lần PVB hiện là cổ phiếu rẻ nhất dòng "P" |
Còn nhiều triển vọng
Mọi câu chuyện về quãng thời gian khủng hoảng có lẽ bây giờ được xếp vào quá khứ bởi mới đây, PV Coating vừa được Chính phủ chấp thuận cho tham gia vào dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 và dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn.
Trong đó, dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn có chiều dài 430km, PV Coating được phép cung cấp các sản phẩm ống thép hàn thẳng – hồ quang chìm dưới lớp thuốc (LSAW) và dịch vụ bọc ống các loại cho các gói thầu thuộc dự án do PVGas làm chủ đầu tư
Trước đó, PV Coating đã thực hiện thành công các dự án lớn như Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1, Hàm Rồng Thái Bình và gần đây là dự án mỏ Cá Tầm của Vietsovpetro với khoảng 48km đường ống có đường kính 8-16 inch.
Như vậy, sau thời gian dài "ngồi chơi", các doanh nghiệp ngành dầu khí đã có việc làm trở lại sau thời gian dài điêu đứng vì giá dầu lao dốc.
Có việc làm trở lại đồng nghĩa với kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện đáng kể. Thực tế đã chứng minh, trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của PV Coating đạt 136,5 tỷ đồng, gấp hai lần so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 27,3 tỷ đồng, vượt xa con số 400 triệu đồng cùng kỳ năm trước.
Năm 2018, PV Coating đặt kế hoạch lãi sau thuế 28 tỷ đồng. Với kết quả thực hiện, công ty đã hoàn thành tới 98% chỉ tiêu đề ra chỉ sau 6 tháng.
Niềm vui đến liên tiếp từ hoạt động kinh doanh là yếu tố chính khiến cổ phiếu PVB vươn cao trong thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán đã nhận định PVB có khả năng đạt mốc 30.000 đồng/cp vào cuối năm 2018.
Cần phải nhắc lại, năm 2014, chỉ với một dự án lớn là Nam Côn Sơn giai đoạn 1 đã đưa thị giá PVB lên đỉnh cao 7x, trong khi đó, giai đoạn năm 2018 - 2020, tổng lượng công việc đã tăng gấp 4 – 5 lần.
Dù triển vọng doanh nghiệp là rất lớn, nhưng nhà đầu tư cũng cần thận trọng trong quyết định mua/bán bởi những dự án mà PV Coating nhận được là các dự án lớn, thời gian thực hiện kéo dài vài năm mới có thể hạch toán.
Thực tế, trong 6 tháng cuối năm 2018, cơ bản PVB chưa có các dự án lớn để thực hiện, các công việc sơn chống ăn mòn đường ống cho các dự án trên bờ sẽ mang lại một phần doanh thu và lợi nhuận không lớn.
Hiện, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của PVB đã đạt 3.790 đồng/ cp, trong khi quý I là 840 đồng, với chỉ số P/E đạt gần 6 lần PVB hiện là cổ phiếu rẻ nhất dòng "P".
Đặc biệt, cũng giống các doanh nghiệp "họ P" khác, tháng 8 vừa qua, Viện KSND Tối cao truy tố 7 bị can nguyên là lãnh đạo của PV Coating về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Linh Đan