Còn nhớ, trong những ngày đầu năm mới 2019, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đã quyết định chấp thuận cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) được niêm yết toàn bộ hơn 2,34 tỷ cổ phiếu POW. Ngày giao dịch đầu tiên 14/1/2019. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 14.900 đồng/cp.
Trước khi niêm yết trên HoSE, POW đã có 9 tháng giao dịch trên UPCoM và đã đạt đỉnh giá 17.800 đồng/cp. POW giao dịch phiên cuối trên UPCoM vào 27/12/2018 với giá đóng cửa 16.000 đồng/cp.
Bị bán tháo
Đến phiên giao dịch ngày 17/1, cổ phiếu POW tiếp tục bị điều chỉnh về vùng giá thấp nhất kể từ khi lên sàn tới nay: 10.800 đồng/ cp. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã thua lỗ nặng khi trót đầu tư vào mã này từ vùng giá 15.000- 17.000 đồng/cp, “bốc hơi” khoảng 40% giá trị khoản đầu tư.
Trong khi đó, các cổ đông lớn của công ty cũng lần lượt “dứt áo”. Hồi đầu tháng 10/2019, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã bán ra gần 1,3 triệu cổ phiếu POW, qua đó giảm lượng nắm giữ xuống còn gần 117 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,9974% và chính thức không còn là cổ đông lớn tại PV Power.
Thống kê trong năm 2019, tổng cộng các cổ đông lớn của công ty đã bán ra hơn 5,3 triệu cổ phiếu nhưng chỉ mua vào 100.890 cổ phiếu. Năm 2018, khối ngoại mua 52,7 triệu cổ phiếu, nhưng năm 2019 bán ra 19,7 triệu cổ phiếu và đầu năm 2020 bán ra 4,8 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, tình trạng ảm đạm này của cổ phiếu POW diễn ra trong bối cảnh PV Power vừa tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 với các chỉ tiêu quan trọng đều vượt kế hoạch.
Theo PV Power, sản lượng điện cả năm đạt 22,54 tỷ kWh, vượt 4% kế hoạch; doanh thu hợp nhất tương ứng ước đạt 35.884 tỷ đồng, gấp 2 lần năm ngoái qua đó vượt 10% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm ước đạt 3.121 tỷ đồng, gấp 5 lần kết quả năm 2018 và hoàn thành 125% kế hoạch.
Đặc biệt, mới đây, Chứng khoán SSI đã đưa ra dự báo về những thay đổi trong đợt tái cơ cấu của chỉ số VN30 Index tháng 1/2020, ngày có hiệu lực với danh mục mới là 3/2, trong đó POW và PLX (Petrolimex) là những cái tên được cho là sẽ được thêm vào rổ chỉ số này.
Cụ thể, PLX được thêm vào sau khi hoàn thành bán 20 triệu cổ phiếu quỹ, giúp tỷ lệ cổ phiếu giao dịch tự do được cải thiện. POW cũng được thêm vào chỉ số sau khi đủ thời gian niêm yết trên 6 tháng và có giá trị vốn hóa nằm trong top 20 cổ phiếu lớn nhất sàn.
SSI cũng thông tin thêm: VFMVN30 ETF hiện là quỹ lớn nhất sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu. Với dự kiến thay đổi như trên, giả định tổng tài sản quỹ duy trì ở mức hiện tại là 6.670 tỷ đồng, quỹ có thể mua vào khoảng 1 triệu cổ phiếu PLX và 4,8 triệu cổ phiếu POW, đạt tỷ trọng tương ứng 0,88% và 0,84%.
Cổ phiếu POW đã giảm 40% trong vòng 1 năm qua |
Vấn đề cơ cấu tài chính
Theo một NĐT có kinh nghiệm trên sàn chứng khoán, cơ cấu tài chính của PV Power là điểm khiến nhiều NĐT e ngại. Thời điểm mới lên UPCoM năm 2018 với giá 18.000 đồng/cp, giới đầu tư kỳ vọng vào lợi thế ngành điện của PV Power nhưng thực tế cho thấy giá vốn, nguyên liệu khí đầu vào và than đã chiếm khoảng 70% tổng cơ cấu giá thành của công ty.
Hiện, PV Power còn đang phải đối mặt với khó khăn thiếu khí cho các Nhà máy Cà Mau 1 & 2, Nhơn Trạch 1 & 2, do nguồn cung từ các mỏ và vùng chồng lấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sụt giảm, việc đàm phán mua thêm khí với nước ngoài đang chờ kết quả cụ thể.
Cùng với đó, trữ lượng than đang giảm đi và nếu không khai thác được mỏ khí mới sẽ rất khó duy trì nguồn nguyên liệu cho các nhà máy điện khí hoạt động.
Bên cạnh nỗi lo nguyên liệu, nợ vay của PV Power cũng góp phần không nhỏ trong sự e ngại của giới đầu tư. Trong báo cáo tài chính quý III/2019, tổng nợ của PV Power là 30.783 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn là 19.618 tỷ đồng.
Cũng theo Báo cáo tài chính quý III/2019, các khoản vay lớn của PV Power đến từ Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Citibank, Ngân hàng Credit Agricole Corporation –Investment, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam…
Theo phân tích của các chuyên gia, dự báo nợ vay của PV Power sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới trước áp lực huy động vốn để đầu tư 3 dự án là Nhơn Trạch 3 & 4 và Thủy điện Luang Prabang với tổng mức đầu tư là 76.045 tỷ đồng, tỷ lệ sử dụng vốn vay 70%, tương ứng 54.232 tỷ đồng.
PV Power cần một thời gian khá dài để các nhà máy đi qua điểm hòa vốn, khi đó dòng tiền mới quay trở lại. Đồng thời, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá thời tiết khô hạn kéo dài khiến các nhà máy thuỷ điện lớn gặp khó trong tăng trưởng sản lượng năm 2020.
VDSC cho rằng nhóm nhà máy thuỷ điện nhỏ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn do không phụ thuộc vào thị trường phát điện cạnh tranh. Trong khi các nhà máy thuỷ điện lớn như PV Power với cơ cấu cồng kềnh, nợ vay lớn sẽ rất khó gượng dậy. Điều này sẽ dẫn tới kinh doanh khó khăn và giá cổ phiếu khó bứt phá trong năm 2020.
Linh Đan