Chính sách giảm lệ phí trước bạ lần thứ 4 chỉ có hiệu lực 3 tháng thay vì 6 tháng như những lần trước. Tuy vậy, sau một tháng có hiệu lực, việc giảm phí trước bạ lần này đang đem tới nhiều tín hiệu tích cực.
Khởi sắc sau 1 tháng giảm lệ phí trước bạ
Ngày 30/8, Chính phủ ban hành Nghị định số 109 giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước. Ngay sau khi có hiệu lực, quy định này đã có những tác động tích cực lên thị trường ô tô.
Nhiều nhân viên kinh doanh ô tô cho biết, nhờ giảm lệ phí trước bạ nên khách hàng đã mua xe nhiều hơn. Trong tháng 9, nhiều nhân viên bán ô tô đã đạt được mốc doanh số ấn tượng.
Việc giảm lệ phí trước bạ lần thứ 4 đang đem tới nhiều tín hiệu tích cực. |
Trước đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước lần đầu được ban hành từ tháng 7 - 12/2020, lần thứ hai kéo dài từ tháng 12/2021 - 5/2022 và lần thứ ba có hiệu lực từ tháng 7 - 12/2023.
Chính sách giảm lệ phí trước bạ đều được ban hành trong bối cảnh thị trường ô tô gặp khó khăn, cần có những cú hích kích cầu doanh số. Những đợt giảm lệ phí trước bạ này đều để lại kết quả tích cực, khi giúp doanh số thị trường ô tô tăng trở lại một cách mạnh mẽ.
Đỉnh điểm vào năm 2022, khi chính sách giảm lệ phí trước bạ lần 2 đã giúp sản lượng tiêu thụ ô tô lập kỷ lục, vượt mốc 500.000 chiếc.
Nhìn chung, chính sách giảm lệ phí trước bạ lần thứ 4 không chỉ mang lại sự khởi sắc cho các doanh nghiệp ô tô, mà trên thị trường chứng khoán, một số cổ phiếu nhóm này đã ghi nhận mức tăng khá tích cực.
Nổi bật nhất là cổ phiếu HAX của CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco) đã tăng khoảng 11% từ 15.300 đồng lên 17.000 đồng/cp sau khoảng 3 tháng giao dịch.
Trong quý II/2024, Haxaco báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt 28,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 22 tỷ đồng, lần lượt gấp 6,3 lần và gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Haxaco đạt 69,3 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế là 53,7 tỷ đồng, lần lượt gấp gần 7 lần và 8,6 lần so với cùng kỳ.
Một số cổ phiếu khác cũng tăng khá mạnh, có thể kể đến như SRC (Cao su Sao Vàng), SVC (Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn), TMT (Ô tô TMT), HTL (Kỹ thuật và ô tô Trường Long)…
Giám đốc kinh doanh một đại lý Toyota tại Hà Nội cho biết, sau một tháng giảm lệ phí trước bạ, doanh số của đại lý này đã tăng khoảng 15%. Ngoài ra còn có nhiều hợp đồng ký chờ phát sinh, hứa hẹn doanh số bán hàng trong các tháng 10 và 11 sắp tới tiếp tục tăng.
Giới phân tích nhận định, cổ phiếu ô tô trong giai đoạn cuối năm sẽ còn được hưởng lợi khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đang có nhiều triển vọng. Đặc biệt trong giai đoạn cuối năm sẽ có nhiều chính sách kích cầu mua xe, giúp cho doanh số bán hàng dự báo sẽ còn bùng nổ.
Cơ hội không dành cho tất cả
Trong năm 2024, ngành ô tô tại Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn với sự tăng trưởng dự báo từ cả nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, cổ phiếu ngành ô tô cũng đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trước sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải cổ phiếu nào trong ngành cũng sẽ có triển vọng tích cực. Do đó, các nhà đầu tư cần sàng lọc kỹ cổ phiếu để đưa vào danh mục đầu tư.
Hiện nay, bên cạnh thị trường ô tô xăng, thị trường ô tô điện tuy nhỏ nhưng cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn. Xe điện đã trở nên khá phổ biến hơn ở Việt Nam (ước tính chiếm 6% doanh số tiêu thụ xe du lịch trong năm 2024).
Theo BMI Research, sản lượng tiêu thụ xe điện trong ngành ô tô sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kép tới 26% trong giai đoạn 2023-2032, tương đương với sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt 65.000 xe vào năm 2032.
Mặc dù đánh giá tích cực với mảng xe điện, nhưng nhiều chuyên gia vẫn lưu ý những điểm yếu của xe điện so với xe xăng trong mắt người tiêu dùng Việt Nam (giá cả còn cao, phạm vi hoạt động trong 1 lần sạc, thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc, thiếu trung tâm dịch vụ sửa chữa…).
Theo đó, những doanh nghiệp tham gia lắp ráp (Ô tô TMT) hoặc phân phối xe điện (Haxaco) có thể sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi trong tương lai. Đối với những doanh nghiệp ghi nhận lãi rất ít hoặc lỗ trong năm 2023 như Haxaco, Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn, Ô tô TMT, kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi phục hồi, P/E của các doanh nghiệp ô tô niêm yết vẫn cao hơn mức P/E trung bình 5 năm.
Nhóm cổ phiếu ngành ô tô cần có thêm các chất xúc tác, như nhu cầu tiêu dùng phục hồi hoặc tăng trưởng thị phần rất mạnh mẽ, hay các chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ để khiến các cổ phiếu trong ngành trở nên hấp dẫn hơn.
Trong số các doanh nghiệp ngành ô tô đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu: HAX, TMT, VEA (Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam).
Với cổ phiếu HAX, triển vọng doanh số của Haxaco có thể sẽ tăng mạnh hơn vào năm 2024, chi phí lãi vay thấp hơn do hàng tồn kho hiện tại giảm và các công ty con bắt đầu có lãi. Dự báo lợi nhuận năm 2024 của công ty sẽ phục hồi, đạt 96 tỷ đồng (tăng 221%).
Với cổ phiếu TMT, Ô tô TMT đã gây tiếng vang khi tham gia vào thị trường xe điện bằng việc sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam. Năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 38,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 475% so với năm trước.
Với cổ phiếu VEA, ước tính doanh thu hợp nhất năm 2024 của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam ở mức 3,8 nghìn tỷ đồng (+1%), nhưng hạ ước tính lợi nhuận sau thuế hợp nhất xuống 6,51 nghìn tỷ đồng do điều chỉnh giảm kỳ vọng mức tiêu thụ xe máy.
Đáng chý ý, doanh nghiệp đã có tiến triển trong việc giải quyết các ý kiến kiểm toán ngoại trừ, đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu để được niêm yết trên sàn HoSE.
Hải Giang