Lượng khách quốc tế đến du lịch tại Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển của nền kinh tế do nguồn ngoại tệ từ lĩnh vực này tăng liên tục qua các năm (năm 2005 đạt 2.300 triệu USD, năm 2010 đạt 4,45 tỷ USD, năm 2015 đạt 7,35 tỷ USD, năm 2019 đạt 11,83 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay).
Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các đường bay quốc tế không được hoạt động khiến du khách quốc tế suy giảm mạnh. “Nồi cơm” chính của ngành du lịch bị ảnh hưởng, phản ánh rõ nét qua kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp niêm yết.
Nhiều doanh nghiệp lỗ lớn
CTCP Dịch vụ du lịch Phú Thọ (mã: DSP) – chủ sở hữu công viên văn hóa Đầm Sen vừa có một kỳ kinh doanh không mấy tươi sáng với doanh thu quý II sụt giảm 87% so với cùng kỳ xuống còn 12 tỷ đồng; giá vốn tăng khiến công ty lỗ gộp hơn 144 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 18 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, Dịch vụ du lịch Phú Thọ báo lỗ ròng 146,5 tỷ (cùng kỳ lãi 17 tỷ đồng).
Tương tự, CTCP Công viên nước Đầm Sen (mã: DSN) cũng báo lỗ 4,3 tỷ đồng trong quý II/2020 – đây là quý kinh doanh lỗ đầu tiên của công ty bởi trước đó luôn là một doanh nghiệp có lợi nhuận cao và ổn định hàng đầu trong ngành du lịch. Lũy kế 6 tháng đầu năm công ty chỉ lãi vỏn vẹn 100 triệu đồng.
Là công ty lữ hành lớn nhất nước với nguồn thu chính đến từ các tour du lịch quốc tế trong khi đây lại là mảng kinh doanh đình trệ nhất trong nửa đầu năm 2020, CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, mã: VTR) ghi nhận mức thua lỗ gấp 3 lần dự kiến cho cả năm.
Cổ phiếu ngành du lịch vẫn vững vàng ngược chiều tác động của Covid-19 |
Cụ thể, doanh thu hợp nhất quý II/2020 Vietravel tiếp tục giảm mạnh từ mức 2.204 tỷ về 206 tỷ đồng, sau khi trừ đi các chi phí công ty báo lỗ 38 tỷ. Luỹ kế nửa đầu năm, Vietravel ghi nhận doanh thu 996 tỷ đồng, giảm hơn 72% so với cùng kỳ và lỗ ròng hơn 76 tỷ.
Năm 2020, Vietravel đặt kế hoạch doanh thu giảm sâu, xuống chỉ còn 3.065 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 60% so với năm trước. Đáng chú ý, Vietravel dự kiến sẽ lỗ khoảng 22 tỷ đồng sau nhiều năm liền liên tục có lãi.
Cùng báo lỗ, doanh thu lữ hành và doanh thu vé máy bay đồng loạt giảm mạnh 98% và 77% so với cùng kỳ đã làm cho Dịch vụ Du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist, mã: BTV) phải báo lỗ hơn 7 tỷ đồng trong quý II. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, BenThanh Tourist ghi nhận doanh thu thuần giảm 60%, khấu trừ chi phí khiến công ty báo lỗ hơn 15 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 6 tỷ đồng).
Từ sau tháng 6/2020, tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát mang lại tín hiệu mới cho ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp tung gói khuyến mãi kích cầu khách nội địa. Tuy nhiên, dịch bệnh đang bùng phát trở lại tại thành phố Đà Nẵng và đang diễn biến phức tạp trở lại dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực lên ngành thời gian tới.
Cổ phiếu tăng bất chấp
Đánh giá về tác động của làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 tại Việt Nam, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, tác động nhanh và mạnh nhất của đợt dịch bệnh lần này phải kể đến ngành du lịch và ngành vận tải hành khách khi hầu hết các hãng lữ hành, vận chuyển hàng không đều bị huỷ chuyến đi, hợp đồng du lịch.
Mặc dù tăng trưởng của ngành du lịch trong tháng 7 vừa qua đã có mức tăng trưởng bứt phá so với tháng 6 nhưng mới chỉ hồi phục được 1 tháng tiếp tục đón nhận khó khăn.
Thế nhưng, có một điều lạ là dù các hợp đồng du lịch liên tiếp bị hủy nhưng cổ phiếu của ngành trên sàn chứng khoán lại chẳng hề bị “ngó lơ”, nhiều cổ phiếu nổi bật trong nhóm này đều tăng giá ngay cả trong những phiên thị trường chung chịu áp lực bán tháo hồi cuối tháng 7.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/8, cổ phiếu VTR của Vietravel ghi nhận phiên tăng giá thứ 6 liên tiếp lên 29.800 đồng/cp sau phiên giảm sàn ngày 27/7 về vùng giá 28.100 đồng/cp, tương đương mức tăng hơn 6%.
Điều này đồng nghĩa với việc, các ca nhiễm Covid-19 mới chỉ ảnh hưởng đến VTR trong 2 phiên giao dịch 24 và 27/7 cùng với đà giảm chung của toàn thị trường. Tuy nhiên, trong những phiên giảm của thị trường sau đó như 29,30/7 VTR vẫn vững vàng chạy ngược chiều với sắc xanh.
Tương tự VTR, cổ phiếu DSN của Công viên nước Đầm Sen chỉ ghi nhận 1 phiên giảm sâu duy nhất vào ngày 27/7 với mức giảm hơn 6%. Sau đó, cổ phiếu này giao dịch lình xình với những phiên tăng giảm xen kẽ nhưng các phiên giảm đều ở biên độ hẹp, không đáng kể. Tính đến phiên giao dịch ngày 5/8, DSN đã có 3 phiên tăng giá liên tiếp từ mức 40.800 đồng/cp lên 42.050 đồng/cp.
Đáng chú ý nhất phải kể đến cổ phiếu DAT của CTCP Đầu tư du lịch và phát triển thủy sản với 34 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 19/6 đến nay, tương đương mức tăng 864,8%. Từ một cổ phiếu có mức giá “rẻ bèo” 6.820 đồng/cp DAT đã leo thẳng lên trở thành một cổ phiếu có “vị thế” với thị giá gần 70.000 đồng/cp.
Nhận định về sự ngược chiều giữa cổ phiếu trên sàn chứng khoán và kết quả kinh doanh của ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Toại - Giám đốc kinh doanh khối tư vấn đầu tư CTCK VPS cho rằng, thực chất ngành du lịch có rất nhiều tiềm năng để phát triển và Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách thúc đẩy, thậm chí ngay trong chính nội tại của doanh nghiệp sau khi rút kinh nghiệm lần 1 cũng đang trong tư thái sẵn sàng đối phó với khủng hoảng.
Hơn nữa, sự tác động của dịch bệnh đối với tâm lý các nhà đầu tư chứng khoán đã không còn nhiều như lần trước nên việc lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp tiềm năng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Linh Đan