Tính từ vùng đáy tháng 11/2022, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sự phục hồi khá tốt (+48%). Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền “hờ hững” đối với nhóm cổ phiếu này trong thời gian gần đây, khi mà chỉ trong vòng một tháng, nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng đã giảm tới 10-15%.
Dòng tiền lớn bắt đầu tìm đến
Bên cạnh đó, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm kéo theo nhu cầu tín dụng yếu; những vấn đề của thị trường bất động sản kéo dài (vướng mắc về pháp lý, tắc nghẽn dòng vốn và doanh số bán ảm đạm) khiến nợ xấu và chi phí dự phòng của hệ thống ngân hàng liên quan tới tín dụng bất động sản tăng cao… là các yếu tố khiến nhà đầu tư e dè đối với nhóm cổ phiếu này.
“Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh của ngân hàng còn khó khăn, nợ xấu còn diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản vẫn chưa “ấm” hoàn toàn, lượng cổ phiếu của ngân hàng trên thị trường đang khá nhiều. Do đó, nhìn chung, nhóm ngân hàng vẫn chưa có động lực đủ mạnh để bứt phá trong vài tháng tới”, ông Vicente Nguyen, Giám đốc Đầu tư Quỹ AFC Vietnam Fund nhấn mạnh.
Về lâu dài, nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá có nhiều triển vọng, sẽ mang tới "trái ngọt" cho nhà đầu tư. |
Tuy nhiên, điểm sáng là nếu quan sát trong các phiên thị trường giảm mạnh gần đây, cổ phiếu ngân hàng lại trở thành nhóm tâm điểm của dòng tiền tự doanh khi cổ phiếu bất động sản, chứng khoán bị chốt lời giai đoạn trước.
Dữ liệu của Algo Platform cho thấy, trong 4 phiên mua ròng 22 - 27/9, khối tự doanh công ty chứng khoán đã mua ròng 1.264 tỷ đồng (cả khớp lệnh và thỏa thuận) trên sàn HoSE. Trong đó, giá trị vào ròng cổ phiếu ngân hàng đạt 930 tỷ đồng, chiếm 74% tỷ trọng mua ròng toàn khối.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm được khối ngoại mua ròng đáng kể. So với tự doanh, nhà đầu tư quỹ mua vào ít hơn, bởi đa phần các quỹ đều đã nắm tỷ trọng lớn cổ phiếu ngân hàng trong danh mục, nhiều mã ưa thích trong trạng thái hết room.
Chẳng hạn, với Quỹ VEIL quy mô 1,9 tỷ USD thuộc Dragon Capital quản lý, cổ phiếu ngân hàng thường xuyên chiếm trên 1/3 giá trị danh mục đầu tư. Hay như với Quỹ Pyn Elite Fund (Phần Lan), các mã STB (Sacombank), CTG (Vietinbank), MBB (MB), HDB (HDBank) nằm Top10 khoản đầu tư, chiếm 43% danh mục.
Ngoài ra, hoạt động mua của nội bộ và người có liên quan tại các ngân hàng khá nhộn nhịp trong thời gian gần đây. Mới nhất, ông Ngô Chí Trung Johny, con trai Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank (VPB) Ngô Trí Dũng dự chi khoảng 1.440 tỷ đồng mua 70 triệu cổ phiếu VPB, tương đương với tỷ lệ 1,04% vốn với mục đích đầu tư. Các giao dịch dự kiến diễn ra trong tháng 10.
Trước đó, đầu tháng 9, bà Hồ Thủy Anh, con gái Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh đã mua hơn 82 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận, nâng tỷ lệ nắm giữ lên mức 2,97%. Ước tính bà Thủy Anh chi khoảng 2.880 tỷ đồng cho giao dịch này...
Định giá siêu rẻ
Những giao dịch lớn nêu trên phần nào hé mở về kỳ vọng tích cực đối với nhóm cổ phiếu nhà băng trong thời gian tới. Những tháng cuối năm 2023, giới phân tích dự báo "sức khỏe tài chính" của nhiều nhà băng tương đối tốt và triển vọng lợi nhuận khả quan.
Cụ thể, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 quý cuối năm nay, bởi tín dụng có khả năng tăng tốc nhanh hơn, dựa trên một số yếu tố như xuất khẩu phục hồi tăng trưởng trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái và nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc dần khôi phục.
Bên cạnh đó, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm sẽ kích hoạt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân, chính sách tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% về 8% góp phần kích thích nhu cầu tiêu dùng… Mặt khác, định giá cổ phiếu đang ở vùng đáy cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn khiến dòng tiền quan tâm tới nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sau mức chiết khấu vừa qua, định giá cổ phiếu ngành ngân hàng đang giao dịch ở mức P/E là 9,3x và P/B là 1,8x. Con số này thấp hơn lần lượt 22,2% và 11,5% so với mức lịch sử 10 năm.
Trong bối cảnh đó, cộng với dự báo lợi nhuận khả quan, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã nâng mục tiêu về giá cho không ít cổ phiếu ngân hàng trong năm 2024. Chẳng hạn, cổ phiếu ACB (Ngân hàng Á Châu) tăng 22%, lên 28.510 đồng/cp, kỳ vọng mức sinh lời trong 12 tháng là 28% (bao gồm cổ tức). Giá mục tiêu đối với cổ phiếu MBB tăng 16%, lên 25.260 đồng/cp, kỳ vọng mức sinh lời trong 12 tháng khoảng 36%. Cổ phiếu VCB (Vietcombank) được khuyến nghị mua với kỳ vọng giá tăng lên 99.420 đồng/cp, tương ứng với mức sinh lời trong 12 tháng (bao gồm cổ tức) là 13%. Cổ phiếu HDB được khuyến nghị mua với kỳ vọng giá tăng lên 22.390 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức sinh lời trong 12 tháng là 36% (bao gồm cổ tức).
Theo đánh giá của ông Vicente Nguyen, các cổ phiếu nhà băng đang được định giá ở mức rất rẻ. Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Giám đốc Đầu tư Quỹ AFC Vietnam Fund cho rằng, những ngân hàng tốt, ít bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trái phiếu, bất động sản sẽ là nhóm có ưu thế hơn. Đồng thời, dưới đà phục hồi của nền kinh tế, tín dụng sẽ tăng trưởng trở lại và kết quả kinh doanh của các nhà băng có thể tích cực hơn. Vấn đề nợ xấu sẽ dần được giải quyết. “Về lâu dài, từ 3-5 năm tới, nhóm ngân hàng vẫn có nhiều triển vọng. Nếu kiên nhẫn nắm giữ, quả ngọt có thể vẫn đang chờ nhà đầu tư”, ông Vicente Nguyen nhận định.
Hải Giang