Theo quan sát, từ mức giá quanh 38.000 đồng/cp trong tháng 4, cổ phiếu của “ông lớn” ngành bán lẻ đã miệt mài đi lên mức đỉnh gần 60.000 đồng/cp trong tháng 9 (mức giá đã điều chỉnh sau khi chia cổ tức tiền mặt 500 đồng/cp trong tháng 6).
Cổ phiếu về vùng đáy
Tuy nhiên, chỉ trong tuần từ 30/10 – 3/11, cổ phiếu MWG đã trải qua 2 phiên giảm sàn liên tiếp ngày 31/10 và 1/11, sau đó hồi phục 2 phiên 2/11 và 3/11 rồi lại quay đầu giảm trong phiên 6/11. Nhìn rộng ra từ ngày 13/9 - 6/11, thị giá MWG đã giảm khoảng 34% từ 57.500 đồng/cp về 38.050 đồng/cp và đang giao dịch ở vùng đáy giữa tháng 11/2022, xoá bỏ toàn bộ thành quả hồi phục đầu năm 2023.
Cổ phiếu MWG đang giao dịch ở vùng đáy giữa tháng 11/2022. |
Đà giảm mạnh của cổ phiếu MWG được cho là bởi ảnh hưởng một phần lớn từ áp lực rút vốn của khối ngoại. Đáng chú ý, trong phiên 1/11, khối ngoại bán ròng hơn 5,3 triệu đơn vị, trong đó hơn 4,1 triệu cổ phiếu là của nhóm Dragon Capital bán ra để giảm tỷ lệ sở hữu tại Thế giới Di động (TGDĐ) xuống dưới 7%.
Thậm chí, dù dòng tiền nội đã nhảy vào bắt đáy “ồ ạt” đưa khối lượng khớp lệnh lên gần 21 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch lên đến 750 tỷ đồng, cao thứ hai toàn sàn chứng khoán, cũng là khối lượng khớp lệnh cao nhất trong một phiên của MWG kể từ khi niêm yết tháng 7/2014, cũng không ngăn được cú giảm sàn liên tiếp của cổ phiếu này, đẩy thị giá cổ phiếu rơi xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm kể từ giữa tháng 11/2020.
Có thể thấy, ngay từ tháng 4, khối ngoại liên tục bán ra cổ phiếu MWG. Cụ thể, ngày 3/4, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra 979.600 cổ phiếu; ngày 11/4, quỹ Arisaig Asia Fund Limited bán ra 2.397.200 cổ phiếu; ngày 24/5, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd bán ra 1.338.300 cổ phiếu; ngày 21/6, quỹ Arisaig Asia Fund Limited bán ra thêm 668.900 cổ phiếu; ngày 24/7, Arisaig Asia Fund Limited bán ra 576.000 cổ phiếu; và ngày 28/8, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd tiếp tục bán thêm 2.102.900 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 6,02% về chỉ còn 5,88% vốn điều lệ tại TGDĐ.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, khối ngoại cũng bán ra mạnh mẽ. Điều này được thể hiện ở việc “room” mà khối ngoại được mua thêm không ngừng tăng lên. Cụ thể, ngày 22/9, khối ngoại còn có thể mua tối đa thêm 9,32 triệu cổ phiếu MWG nhưng tới ngày 3/11 đã tăng lên tới hơn 27,4 triệu cổ phiếu, tương ứng room khối ngoại là 47,13% trên tối đa là 49%.
Hiện tượng hở “room” ngoại là hiếm có trong lịch sử đối với cổ phiếu MWG, nhưng việc này đã kéo dài nhiều tháng gần đây, và dự kiến sẽ tiếp tục do hoạt động bán ròng của khối ngoại. Trước đây, việc hạn chế về room dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu cổ phiếu MWG phải chấp nhận giao dịch ngoài sàn với mức giá cao hơn 45% giá trên sàn.
Vì đâu nên nỗi?
Nhìn chung, việc khối ngoại “mất hứng” đối với cổ phiếu MWG bắt đầu từ thời điểm TGDĐ báo cáo tình hình kinh doanh kém khả quan từ nửa sau năm ngoái. Sau giai đoạn bùng nổ với lợi nhuận liên tục tăng trưởng qua từng năm kể từ khi lên sàn năm 2014, “đại gia” bán lẻ này bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Sức mua suy yếu trong môi trường lạm phát và lãi suất cao khiến lợi nhuận liên tiếp của doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
Mặc dù nhóm cổ phiếu bán lẻ, trong đó có MWG được kỳ vọng khởi sắc trở lại trước hàng loạt những yếu tố hỗ trợ như triển vọng sáng của bán lẻ, giúp thu hút dòng tiền nội tìm đến, đẩy thị giá cổ phiếu hồi phục đáng kể.
Tuy nhiên, khi TGDĐ có báo cáo tài chính quý III/2023 với kết quả cho thấy khó khăn vẫn chưa đi qua đã khiến kỳ vọng đã trở thành nỗi thất vọng. Theo đó, cổ phiếu của “đại gia” ngành bán lẻ này đã gặp phải những lệnh bán dồn dập đẩy về mức giá sàn.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, mức doanh thu của tập đoàn chỉ giảm nhẹ 5%, đạt gần 30.300 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 39 tỷ đồng, giảm tới 96%.
Nếu không nhờ khoản doanh thu tài chính lên tới 619 tỷ đồng (tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái) thì phần lợi nhuận còn kém khả quan hơn. Doanh thu tài chính chủ yếu đến từ lãi tiền gửi khi tập đoàn gia tăng lượng tiền gửi lên hơn 20.000 tỷ đồng.
Doanh thu giảm, biên lợi nhuận thấp cho thấy mảng kinh doanh chủ chốt của TGDĐ là bán lẻ công nghệ dường như vẫn đối mặt với khó khăn lớn, khi sức cầu chưa phục hồi và áp lực cạnh tranh lớn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, TGDĐ ghi nhận doanh thu 86.858 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 77,51 tỷ đồng, giảm 97,8%. Với kết quả này, tập đoàn mới chỉ hoàn thành 1,8% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đối mặt với “sức khỏe” suy yếu, thời gian qua, TGDĐ đã nỗ lực đưa ra các lựa chọn mua sắm linh hoạt với giá cả hấp dẫn và nhiều khuyến mãi, chấp nhận giảm biên lợi nhuận gộp để thu hút khách hàng và duy trì doanh thu.
Trong ngành bán lẻ thiết bị di động hiện nay, TGDĐ vẫn là tên tuổi hàng đầu. Nhưng bên cạnh đó vẫn luôn xuất hiện nhiều cái tên khác như: FPT shop, chuỗi CellphoneS, Di Động Việt… sẵn sàng so kè từng đồng trên giá bán điện thoại để giành thị phần.
Tương tự, trong lĩnh vực điện máy, cũng ít thương hiệu nào tiếng tăm hơn Điện máy Xanh của TGDĐ, nhưng các đối thủ bám sau cũng rất đáng gờm, như: Pico, Nguyễn Kim, Chợ Lớn… trong cuộc chiến giành khách hàng.
Thời gian qua, TGDĐ đã bước vào chiến dịch “giá rẻ quá” để đẩy mạnh bán các sản phẩm điện thoại, điện máy - lĩnh vực đóng góp doanh số chủ lực cho công ty. Song, đây vốn là sản phẩm không thiết yếu nên khi kinh tế khó khăn, thu nhập người dân bị ảnh hưởng, thắt chặt chi tiêu những sản phẩm này. Do đó, đến nay, những nỗ lực của doanh nghiệp có vẻ vẫn chưa mang lại những tín hiệu tích cực.
Chưa kể, nếu tình hình này kéo dài sẽ đều không có lợi cho các doanh nghiệp trong ngành nói chung. Vì vậy, nếu không có phương án đi đường dài để cải thiện “sức khỏe” doanh nghiệp, e rằng con đường phía trước của TGDĐ sẽ còn gặp khó hơn nữa. Theo đó, khối ngoại sẽ càng “lạnh nhạt”, điều này ít nhiều sẽ còn khiến thị giá cổ phiếu khó có thể bứt phá trở lại.
Hải Giang